Những hơi ấm mùa đông

(VOH) - Chiều nay, tôi về cùng mẹ nhóm bếp lá dừa. Tôi kể cho mẹ nghe những câu chuyện không đầu không cuối. Mắt mẹ sáng và long lanh. Ngoài song cửa, từng đợt gió đông về thao thiết nhớ thương!

Hơi ấm mùa đông...

Về phía bên kia chiếc cầu, dòng sông bắt đầu luêch loang những vệt phù sa đỏ ngầu, váng vất cả mặt sông. Cơn gió mùa đông tràn về nghe lành lạnh đôi vai. Chợt nhận ra đông đến vội quá. Cứ như một cuộc đổ tràn không điểm dừng không hồi kết, cho dấu chân ai vẫn mãi hững hờ lơ đễnh.

Đông về qua ngõ. Những ngọn nắng nhạt dần không đủ sưởi ấm lại đôi bàn tay đơn lạnh. Thấp thoáng phía xa vời những ánh lửa bập bùng gợi niềm thương nhớ. Ngày đông ấy, những ngày đói rách, lạnh buốt, chiếc áo ấm bao mùa rách nát được chấp vá từ những mảnh vải vụn vặt của mẹ, chiếc áo rách đã ngã màu cháo lòng đã giúp tôi vượt qua những mùa đông với cơn lạnh cắt da cắt thịt. Chiếc áo ấm mà tôi đã từ chối bỏ khi đứa trẻ hàng xóm được khoác lên mình chiếc áo mới tinh. Mỗi lần chạm vào chiếc áo ấm đó, tôi lại thèm được mặt nó, dù chỉ một lần. Chiếc áo ấm cũ nhàu lổm chổm đường vá khâu. Tôi thầm trách mẹ. Tôi giận không thèm mặc áo để mình co ro trong giá rét, nước mắt mẹ chảy tràn trên đôi má gầy hao. Tôi lặng người đi. Khoác chiếc áo lên người như khoác thêm một niềm day dứt của mẹ. Bao nỗi nhọc nhằn cứ theo đời mẹ chẳng buông lơi. Để giấc mơ con được vỗ về năm tháng, không vướng mệt nhoài dâu bể.

 

Đêm đông. Khi cơn lạnh ùa về trong gian nhà thiếu trước hụt sau, bên bếp lửa mẹ hiền từ và ấm áp. Gối đầu vào lòng mẹ, nhìn những ngọn lửa bập bùng cháy sáng. Đôi tay mẹ nhẹ nhàng vuốt ve đứa con khờ dại. Những yêu thương cứ tròn đầy và ấm áp. Mẹ kể tôi nghe về ngoại, về tháng ngày còn ở với ngoại, về những giấc mơ từ phía mặt trời. Tôi sẽ chạy về phía mặt trời, nơi có thứ ánh sáng chói chang, chẳng còn những đêm đông đói rét. Từng củ khoai mẹ chắt chiu, hương khoai thơm lừng, quyện vào cơn gió mùa giật mình thổi xiết. Mùi vị của củ khoai trong đêm đông đói rét như vẫn còn đâu đó trên khoé môi. Đã bao lần tìm kiếm cho mình một cuộc trở về cho những lần vượt quãng lở bồi năm tháng. Bếp lửa ngày đông đã tàn, mùi khoai giờ cũng chẳng còn trong niềm háo hức như xưa. Dáng mẹ cũng đã gầy đi, giấu mình trong những bộn bề lo âu vất vã, mẹ vẫn mỉm cười "có hề hớn gì đâu" cho đứa trẻ khờ dại ngày nào bao lần khóc ngất vẫn không thể nào bôi xoá những lầm lỗi khi xưa. Chạm vào chiếc áo năm xưa, áp mặt mình vào chiếc áo để tìm lại chút gì cũng năm tháng lãng quên. Lần theo mớ kí ức ngổn ngang đời mình, tôi càng trân quý những tháng ngày đã qua. Cuộn mình trong hơi ấm tình thương của cha mẹ. Chiếc áo dù đẹp cỡ nào, xấu đến nỗi nào thì chỉ cần nó đủ ấm. Cha mẹ đã cho tôi hơi ấm tình thương, nó đủ đầy và hạnh phúc. Để tôi hiểu được rằng, chẳng có gì ấm áp hơn tình thương của cha của mẹ.

Bước qua những mùa đông đơn lạnh. Hơi ấm ngày xưa vẫn dưỡng nuôi tôi. Chuyền cho tôi sức mạnh, cho tôi đi qua trong mạnh mẽ, kiên cường. Bếp lửa ngày xưa vẫn dẫn đường chỉ lối, để tôi thấy mình chẳng bao giờ đi lạc...

Chiều nay, tôi về cùng mẹ nhóm bếp lá dừa. Tôi kể cho mẹ nghe những câu chuyện không đầu không cuối. Mắt mẹ sáng và long lanh. Ngoài song cửa, từng đợt gió đông về thao thiết nhớ thương!

Nguyễn Chí Ngoan

Mười Hai Sang

Sáng nay, tháng mười hai chạm ngõ. Tháng cuối cùng của một năm dài qua, đồng nghĩa với kết thúc một năm dài mười hai tháng, một vòng tuần hoàn của thời gian. Thời khắc chuyển mùa đang diễn ra rõ rệt. Tháng mười hai về trong những ngày nắng ui ui phủ khắp không gian trong vắt. Nắng đẹp dịu dàng chờ mùa xuân chín tới. Mười hai về ngập mùa gió thổi ngoài sông. Gió chướng già thổi thốc trời gọi con nước lên tràn bờ. Gió mang những mùa bông mới khoe sắc hòa vào tiết trời, tô điểm cho một nét riêng không lẫn vào đâu được của mười hai. Những cơn gió chướng mang hơi lạnh cuối mùa rét, mơn trớn trên da lạnh buốt cho một sáng mười hai đến trường của tôi, ra đồng của mẹ và ngồi trước nhà kẽo kẹt trên chiếc võng ngô đồng của ngoại. Đôi bàn tay xương xẩu vịn một thành võng, đôi mắt sâu hoắc đờ đi vì gió bụi thời gian của ngoại. Cái khắn rằn quấn chéo đầu của ngoại là một tình yêu mang theo suốt đời tôi mỗi khi mười hai sang.

Tháng mười hai với những ngày cuối cùng tất bật của năm cũ sắp. Mùa lúa Đông Xuân với những ruộng mạ xanh mơn mởn, trải dài và nép mình trong sương sớm giăng mờ chân đê. Mùa mía mới thu hoạch trên đồng. Dài theo những sân nhà mùa bông đã ngời sắc những giỏ hoa vạn thọ, móng tay, mào gà, cúc mâm xôi, hướng dương đã chúm chím mùa nụ mới, hòa vào gió, vào nắng. Tạo nên một khung cảnh chộn rộn vui mừng hiện diện rõ trên khuôn mặt của những người dân quê tôi. Trong những buổi sớm ra đồng, những buổi trưa ngồi ăn cơm trên bờ ruộng dưới tán cây tràm bông vàng, những buổi chiều khề khà cho ấm bụng bên ly rượu đế còn sủi tâm. Như rồi lại thắt thẻo lo sợ sương nhiều mầm lúa không nảy lên được, gió chướng nhiều con nước mặn xâm thực sớm. Lúa thiếu nước tước. Mùa mía thu hoạch được mùa mất giá, bỏ công một năm thu hoạch chẳng là bao. Người quê lại nhìn những ruộng mía trong những cái gặp nhau lắc đầu và thở dài. Mùa hoa thất mùa trong những ngày đông cuối lạnh buốt nụ hoa không nở kịp hoặc ra bông sớm. Sợ lắm cho những nổi lo còm cõi của thời tiết mùa vụ và giá cả, cứ đeo bám nặng trịch những bước chân ra đồng, khi mùa đương tới, của những người dân quê tôi.

Mặc cho những lo lắng khó khăn còn đó, như người quê luôn một cái nhìn lạc quan về cuộc sống. Trong sân những bầy gà giò nhổm chân đang mổ thóc, chạy đuổi nhau, giành chỗ đứng trên những cành sơri được siết gốc cho những mùa trái tết. Dăm con vịt đang rỉa lông nép mình dưới giàn đậu rồng xanh trái, dưới chân chúng là đám gừng đang tàn, trụi lá lòi lộ thiên củ. Những trái bí đao bung to như những con heo con, nằm phơi mình dài trên đất đã chuyển màu xám bạc, dây đã tàn. Dây khoai mỡ cũng khô dây. Và dưới ao những đàn cá thay nhau đớp bọt nước tung tăng. Những buồng chuối xiêm đã bắt đầu rụng những cuốn trái. Ngoại chặt những chiếc lá cuối cùng để đôn cây nuôi trái to tròn. Những luống cải ngồng xanh non. Đó là những món quà quê chờ tết, nuôi trồng dành dụm cho mùa mới của người quê vài con gà, vịt cúng ông bà, miếng mứt gừng, mứt bí, chuối gói bánh tét đã được chuẩn bị từ rất lâu.

Tháng mười hai về trong sự háo hức, chờ đợi mùa thu hoạch mới của người dân quê tôi. Mười hai len vào trong từng ngõ ngách. Trong cơn chướng sáng nay đưa mùi khói tràn vào trong vườn dừa rợp nắng thưa. Bay qua những cánh đồng, mùi khói no đủ đầy trong gian bếp cuối năm với những món ăn nhiều hơn so với tháng trong năm. Tiếng cười nói râm ran ra đồng khấp khởi vui sướng dâng đầy trên khuôn mặt nông điền chất phác. Mùa thay đổi từ ngày. Ngoại lại bận rộn cho những ngày chợ mới, bận rộn mùa mứt mới, sửa soạn trang hoàn nhà cửa.  Những đứa trẻ con nghèo lại được mẹ dắt đi chợ mua đồ mới chạy mừng khoe khắp xóm với lũ bạn như chưa mặc. Tờ lịch cũ tháng mười một xé đi, điện thoại đổi tên mười một thành mười hai, và tôi biết mười hai sang…

Nguyễn Hoàng Nhân

Cô gái ở quán cà phê

Từ nhỏ, Hùng đã luôn mơ ước có một quán cà phê của riêng mình. Nhà Hùng đối diện một quán cà phê sách, ngày ngày Hùng đều hướng mắt về không gian yên tĩnh và những con người trầm lặng bên trong đó với vẻ thích thú. Trong lòng Hùng, quán cà phê luôn là một thứ để lại những ấn tượng khó phai. Đến khi lớn lên một chút, niềm yêu thích mà Hùng dành cho quán cà phê lí tưởng lại càng thêm mãnh liệt. Hùng đặt quán cà phê làm mục tiêu của mình và cố gắng hết sức dể hoàn thành mục tiêu đó. Hùng vạch sẵn trong mình nhiều ý tưởng, nào là sẽ chia không gian thành nhiều gian thế nào, sẽ sắp xếp bàn ghế ra sao. Quán cà phê của Hùng sẽ có chậu oải hương nhỏ với hương thơm dìu dịu ở góc phòng, sẽ có những bản nhạc không lời da diết, và trên những chiếc tủ lớn sát tường sẽ là tuyển tập những tác phẩm kinh điển và khó có thể kiếm được ngoài nhà sách mà Hùng yêu thích. Ôi Hùng mong chờ biết bao.

Hùng mồ côi mẹ từ năm mười tuổi. Cuộc sống không có bố và việc người mẹ thường phải làm việc cả ngày khiến Hùng có được tinh thần tự giác cao. Lên cấp ba, Hùng đạt thủ khoa của một trường chuyên trong thành phố. Đổi lại thành công đó, khuôn mặt Hùng giờ đeo thêm một cặp kính dày vì thức khuya quá nhiều. Mẹ Hùng là nhân viên của một xưởng làm đồ thủ công, một người thợ khá lành nghề, công việc khá cực nhọc nhưng đổi lại có được mức lương đủ sống qua ngày.

Năm cuối cấp hai Hùng bắt đầu làm thêm ở quán cà phê đối diện nhà mình. Chủ quán là một nhà giáo đã về hưu, an nhiên hưởng thụ khoảng thời gian cuối đời bên một quán cà phê sách. Lúc Hùng ngỏ ý muốn làm ở đây, bà chủ quán xoa đầu Hùng và mỉm cười thật hiền. “Cố lên nhé!” Sau mỗi giờ học, Hùng lại chạy đến làm nhân viên bê đồ uống cho khách đến. Ban đầu Hùng khá lúng túng và chậm chạp, nhưng sau đó cũng nhanh chóng quen dần.

Hùng có chút ngạc nhiên khi thấy quán cà phê không giống với những gì Hùng tưởng tượng lúc nhìn từ bên kia đường sang. Khách đến quán thường là những người khá trẻ, thậm chí còn có cả những người cùng hoặc nhỏ tuổi hơn Hùng, lâu lâu lại có những người đã lớn đến đây theo nhóm. Họ ồn ào, trò chuyện nhiều và nói lớn như những quán cà phê ven đường, nơi đây hoàn toàn không phải không gian yên tĩnh với những con người trầm lặng như Hùng vẫn nghĩ.

Cảm giác của Hùng thay đổi hẳn khi Hùng chuyển vị trí thường làm từ dãy lầu và gian ngoài sang phòng đọc sách bên trong. Từ lúc đến làm Hùng chưa vào phòng đọc sách bên trong bao giờ, bởi độ rộng của gian ngoài và tầng lầu phía trên, thêm cả những tủ sách khiến Hùng nghĩ không gian quán cà phê này chỉ là như thế. Gian đọc sách hoàn toàn tĩnh lặng, chỉ nghe được giai điệu bản nhạc không lời cực nhỏ thoảng qua. Ở góc phòng là một chậu kiểng lớn, hai dãy bàn được đặt song song giữa gian phòng, bốn góc có bốn bộ bàn con. Tường được dán bằng giấy màu xám, bốn chiếc tủ sách cao tầm hai mét được đặt thành một hàng dài ở bức tượng đối diện cửa chính, không gian hệt như những gì Hùng tưởng tượng trong đầu.

Hùng yêu không gian của phòng đọc sách. Thời gian rảnh rỗi và những ngày nghỉ, lúc nào Hùng cũng ngồi ở đó và thả mình vào những dòng chữ trong cuốn sách, thỉnh thoảng lại giúp bà chủ dọn dẹp gian phòng cho sạch sẽ. Bà chủ bảo Hùng rằng quán cà phê là mong muốn của bà khi về hưu, và con cái của bà đã giúp bà làm một quán cà phê như ý muốn. Khách đến thường không nhiều. Buổi sáng chủ yếu là những người khách ồn ào của gian trước, nhưng buổi chiều chốc chốc lại có người đến và vào gian đọc sách, yên lặng.

- Nè, cậu nhóc năm hai. Chưa muốn nghỉ việc hả?

Bà chủ trò chuyện với Hùng khi Hùng đang xếp những cuốn sách gọn gàng lại vào tủ. Hùng cười xòa.

- Bác định đuổi việc cháu sao? Chắc tại cháu bám chỗ này quá, năm năm rồi còn gì…

- Đuổi thì chú mày cũng không đi chứ gì? - Bà bác cười sảng khoái - Bác thích đứa nào như chú mày lắm nhé, làm việc ở đây lâu như vậy mà vẫn không bỏ. Mấy đứa khác làm ở đây, đứa thì bảo chán, tẻ nhạt, đứa thì bảo lương lậu không đủ cho chúng rồi hễ làm được tầm nửa năm là lại nghỉ. Giờ thì chỗ nào trên tủ để cuốn sách nào chắc chú mày còn rành hơn bác rồi. Chừng nào chán thì nhớ báo cho bác biết nhé!

- Vậy ạ, cháu cứ sợ bác sẽ chán cháu ấy chứ? Còn cháu thì không biết khi nào mới bắt đầu thấy chán đây… - Hùng gãi đầu.

- Chú mày thích cà phê sách đến vậy à, có muốn sau này mở một quán cà phê sách không?

- Có chứ ạ. Mong ước từ nhỏ của cháu là có một quán cà phê sách. Nếu sau này cháu mua lại quán thì bác có bán không?

- Mua lại sao? - Bà bác lại cười phá lên - Vậy bác chờ nhé, cho chú mày đặt cọc trước đấy!

Rồi bà để Hùng lại xếp sách và đi ra quầy, không quên dặn dò thêm:

- Bài vở trên trường nhiều chứ hả? Lại còn phải đi làm khi rảnh thế này… Thời giờ rảnh rỗi quán không làm gì thì cứ mang sách vở sang học nhé.

Hùng dạ thật lớn rồi tiếp tục đẩy những gáy sách lại ngay ngắn và chỉnh những cuốn ngược gáy lại gọn gàng, đoạn Hùng ra quầy nước. Hôm nay quán khá vắng khách, chỉ có mỗi hai người đang trò chuyện với nhau ở trên lầu.

Hùng lên đại học hai năm, thói quen sinh hoạt và học hành của Hùng vẫn không đổi. Vào một trường sư phạm trong thành phố khá gần nhà, Hùng không phải tốn tiền trọ mà vẫn có thể sắp xếp ổn thỏa thời gian và công việc.

Hùng có khuôn mặt của một trí thức đúng điệu, hơn nữa Hùng lại có giọng nói khá dịu dàng. Hùng được lòng các vị khách đến quán đặc biệt là các nữ sinh. Việc mỗi buổi chiều luôn có những tốp nữ sinh đến quán cũng là vì Hùng, thế nhưng do Hùng chủ yếu phục vụ trong phòng đọc sách nên bọn họ chỉ có thể nhìn thấy mỗi khi Hùng đứng ở quầy.

Có dạo nọ, một cô bé mặc đồng phục cấp ba xin Hùng số điện thoại, thậm chí còn đề nghị rủ Hùng cùng đi uống nước ở một quán nào đó. Mỗi lần như vậy Hùng đều khéo léo chối từ. Hùng chẳng để tâm tới bất cứ cô gái nào tới quán, trong đầu Hùng luôn có những dòng suy nghĩ phải tập trung và những mục tiêu cần phải đạt được. Ở quán, nhiệm vụ của Hùng là hoàn thành công việc.

Hùng thích sự yên tĩnh, thích những người trầm lặng và đó chính là lí do khiến Hùng chú ý tới một cô gái thường ngồi ở góc phòng đọc sách. Cô có mái tóc ngắn được vén một bên, tuổi tầm Hùng hoặc cũng có thể nhỏ hơn, lúc nào cũng toát lên một thần thái khá lạ. Mỗi chiều thứ bảy cô đều đến quán, gọi nước ở quầy và ngồi vào vị trí quen thuộc ở góc phòng. Thứ nước duy nhất cô luôn gọi cũng khiến Hùng chú ý, cà phê sữa có nhiều cà phê và ít sữa. Bình thường khách đến quán, người ta thường gọi và phê sữa hoặc cà phê sữa ca cao, những cái tên vốn dĩ có sẵn trong thực đơn, còn thức uống của cô khi nào pha cũng phải có một ghi chú đi kèm. Trong không gian yên tĩnh của phòng đọc sách, cô ngồi đó và lật từng trang, chậm rãi, nhẹ nhàng, cả người cô như hòa chung vào cuốn sách trên tay và bản nhạc không lời êm dịu. Chẳng hiểu sao những điều đó luôn khiến Hùng để tâm.

Một ngày chủ nhật mưa lất phất, lúc Hùng đang xếp lại những cuốn sách trên giá thì cánh cửa hé mở và cô bước vào, trên tóc và vai áo lấm tấm những giọt nước. Cô ngồi xuống chiếc bàn ở góc quen thuộc và lấy khăn giấy lau những giọt nước trên má. Hùng bước lại gần và lên tiếng hỏi:

- Bạn đã gọi nước chưa?

- À, chưa… – Cô gái ngẩng đầu nhìn Hùng, cô có đôi mắt khá u ám nhưng có một khuôn mặt đáng yêu – Cho mình một cà phê sữa…

- Nhiều cà phê ít sữa phải không? – Hùng mỉm cười.

Cô ngạc nhiên nhìn Hùng rồi khẽ gật đầu. Hùng quay người định bước ra thì đã nghe cô gọi.

- À bạn ơi…

Hùng quay lại, cô ngập ngừng:

- Ở đây có cuốn “Thất lạc cõi người” không bạn?

Hùng thoáng chút ngạc nhiên, rồi mỉm cười đáp:

- À, có. “Thất lạc cõi người” của Dazai Osamu phải không?

Đoạn Hùng đến gian tủ ngoài cùng nơi chuyên để những cuốn sách mà Hùng thích, lấy ra cuốn sách gáy xanh đã hơi bạc màu đưa cho cô.

- Đây. Vì đọc nhiều quá nên nó có hơi cũ một chút…

Cô đón cuốn sách trong tay Hùng và cúi đầu cảm ơn. “Kể cả cách cám ơn người khác cũng thật khác lạ.” Hùng nhủ thầm và bước ra ngoài.

Việc thấy một người cùng đọc Thất lạc cõi người giống mình làm Hùng cảm thấy vui vui. Lúc trước khi giới thiệu cho những bạn bè xung quanh đọc cuốn này với nỗi niềm yêu thích và hứng khởi, Hùng luôn nhận lại những ánh mắt đồng cảm buồn bã ra chiều yêu thương của bạn, kèm với những lời an ủi bảo đừng như vậy nữa, đừng suốt ngày bi quan, đừng tự sát chỉ vì cô đơn,… Những lúc như thế, Hùng chỉ biết cất cuốn sách trong cặp và lâu lâu lại lôi ra đọc, tự thưởng thức một mình, chẳng bao giờ tìm được một ai đó có cùng sở thích để chia sẻ. Cô đơn gì chứ, tự sát gì chứ, đâu phải đọc chỉ để làm con người trở nên bi quan hơn? Hùng có bao giờ cô đơn, Hùng vẫn có mẹ, có những mối quan hệ, có những con người thực sự quan tâm mình, có sách, có niềm vui. Sao ai cũng nghĩ Hùng là người bi quan chỉ vì yêu thích cuốn sách này cơ chứ?

Lại thêm một ngày mưa, thời tiết dạo này thật tệ. Mưa không lớn nhưng lại kéo dài, bầu trời phủ một sắc xám u ám, quán cũng theo mưa mà vắng khách hơn. Hùng có khá nhiều thời gian rảnh hơn ở quán nên lấy luôn chỗ ngồi ở quần làm bàn học.

- Chú mày siêng quá nhỉ, có muốn về nhà học cho dễ tập trung không? - Bà chủ nói, đặt lên bàn một ly nước cam.

- Không sao ạ. - Hùng đáp - Cháu thì chỗ nào cũng học được hết!

- Tinh thần vậy là tốt. Cố lên nhé.

Hùng gật đầu, bà bác bước vào gian trong, Hùng đoán chắc bà sẽ vào đó và nằm nghỉ. Tuổi già như bà cũng không tệ, sáng dậy thảnh thơi, đến quán xem xét công việc, rảnh rỗi lại nằm thư giãn trong căn phòng nhỏ sau quầy. Chiều thì thingr thoảng tới quán, tối về quây quần bên mâm cơm ấm cúng cùng con cháu. Mọi thứ thật tuyệt vời.

Hùng ngẩng lên nhìn tờ lịch dán trên tường, thứ bảy. Đã hai tuần rồi không thấy cô bạn đó đến quán. Sau ngày hôm đó, cô có đến quán thường hơn, cứ khoảng hai ba ngày là cô lại xuất hiện, vẫn món uống quen thuộc, vẫn chỗ ngồi quen thuộc, và vẫn cuốn sách quen thuộc. Nhưng rồi cô không xuất hiện nữa, biến mất tựa như sương tan. Hùng có chút mong chờ ư? Phải, hình như Hùng mong chờ cô ấy đến, dù không nói với nhau câu nào nhưng Hùng lại mong thấy cô gái khác lạ - cô gái duy nhất tới nơi này làm Hùng chú ý – xuất hiện trước mặt mình. Mọi hành động, mọi cử chỉ, mọi lời nói của cô khiến Hùng không tài nào quên được.

Thời gian cứ thế trôi qua, một tháng sau, cô đến trong một buổi chiều đầy nắng. Khi đó Hùng đang ngồi ở quầy và tập trung vào cuốn sách trước mặt mà không nhận ra rằng có người đang đến gần mình.

- Cho mình một cà phê sữa… nhiều cà phê ít sữa.

Hùng giật mình ngẩng mặt lên, vừa ngạc nhiên vừa có chút gì đó vui tươi khi nghe thấy câu nói quen thuộc mà mình vẫn luôn chờ đợi. Hùng xếp cuốn sách trên bàn, đẩy sang một bên rồi đứng dậy:

- À có ngay… bạn vào phòng chờ mình một chút nhé.

Cô gật đầu rồi mở cửa phòng đọc sách bước vào. Hùng quay sang bảo chị nhân viên đảm nhận việc làm nước yêu cầu của cô. Chị gật gật đầu, mỉm cười đầy hàm ý:

- Này nhóc, trông cậu vui thế ? Bạn gái đấy à?

- Dạ? Không… không phải… - Hùng lúng túng huơ tay múa chân.

- Vậy sao? Trông cậu có vẻ vui nên cứ ngỡ vậy, cô bé đó lâu rồi mới đến đây nhỉ? Nhìn cậu chị có cảm giác cậu mong chờ cô bé tới đây, chị lầm à?

Hùng im lặng không đáp. Chị nhân viên đưa ly cà phê đặt lên khay cho Hùng, lấy tay huýt nhẹ vai và mỉm cười:

- Cậu nhóc của chúng ta lớn rồi ấy nhỉ? Tội nghiệp mấy cô bé lúc trước quá đi!

Hùng nhanh chóng đặt ly trà đá lên khay và bước vào phòng. Cô vẫn ngồi vị trí quen thuộc nhưng lần này không đọc sách như trước, cô đang xoay mặt ra ngoài nhìn khoảng không gian trồng những chậu kiểng nhỏ bên ngoài cửa sổ. Hùng đứng lặng ngay cửa nhìn cô, một cảm giác thật kì lạ dấy lên trong lồng ngực.

- Cà phê sữa của bạn đây.

Hùng đặt hai ly nước lên bàn, sau đó quay người bước đi. Chợt nghe cô gọi:

- Cậu lúc nào cũng ở đây hả?

Hùng ngạc nhiên quay lại, cô mỉm cười:

- Sau giờ học cậu đều ở đây phải không? Đây là nhà cậu à?

- Không… - Hùng lúng túng gãi đầu – Đây là chỗ mình làm thêm thôi… cơ mà…

Hùng không tài nào diễn đạt được những gì mà mình muốn nói. Cô ấy lại bắt chuyện với Hùng, sau bao nhiều ngày mới gặp lại, cô ấy mỉm cười thật dễ thương, những ý nghĩ đó quay cuồng trong đầu làm tim Hùng đập mạnh.

- Hơn một tháng không tới đây mà nhiều thay đổi quá… - Cô đứng dây tiến về phía tủ sách – Có thêm nhiều sách mới…

- Đúng vậy đấy! – Nghe tới sách mới, đầu óc Hùng như tỉnh táo hẳn – Hôm nọ bà chủ mới đem về rất nhiều sách!

Hùng bước nhanh về phía tủ sách và lấy ra một cuốn sách mỏng, giơ trước mặt cô và cười nói:

- Có cả Tà Dương của Dazai Osamu đấy. Mình cứ chờ bạn tới để giới thiệu với bạn cuốn này, đây là cuốn sách mà mình rất thích, chỉ sau Thất lạc cõi người thôi!

Hùng nói xong mới ngớ người nhận ra những gì mình vừa nói, thấy cô bạn trước mặt đang ngẩn người nhìn mình, cả người Hùng đỏ cả lên và chỉ mong có hố đất nào đó để mình chui tọt xuống.

- Không… À đúng… à không phải đâu. Chỉ là thấy bạn có vẻ rất thích những tác phẩm của Dazai nên mình nghĩ bạn cũng sẽ thích nó thôi…

Cô cầm lấy cuốn sách trong tay Hùng và cảm ơn. Hùng nhanh chóng bước ra ngoài, quýnh quáng thế nào lại đập đầu vào cửa, mắt kính lệch cả một bên. Ngồi ở quầy nhưng Hùng không tài nào ngưng suy nghic về điều vừa nãy.

Tầm bốn rưỡi cô về, đến trước quầy để trả tiền nước. Hùng đưa lại tiền thừa cho cô, khuôn mặt vẫn chẳng đỡ hơn chút nào so với lúc nãy. Cô mỉm cười:

- Tên mình là Thảo, lúc nào rảnh rỗi hi vọng có thể cùng bạn trò chuyện về sách của Dazai. Tà dương hay lắm, chỉ tiếc là chưa đọc được hết trong ngày thôi, cám ơn bạn rất nhiều.

Cô cúi đầu và bước ra ngoài, Hùng ngạc nhiên nhìn theo bước chân của cô. Chị nhân viên pha nước lại đến huých vào vai Hùng, cười nói:

- Sao cưa được cô bé dịu dàng hay vậy, nhìn nhóc khù khờ thế mà cũng giỏi quá đi~

Hùng lúng túng xua tay, nhìn ra phía cửa thì bóng cô đã khuất xa sau những hàng cây. Một cô gái thật khiến người ta chú ý, Hùng nhủ thầm. Ngày hôm đó, Hùng cảm thấy như trời cũng đã bắt đầu dịu đi, thành phố chìm trong sắc vàng dịu nhẹ của buổi chiều. Bên ngoài, tiếng xe cộ giờ cao điểm đang dần lấn át không gian yên tĩnh của quán cà phê, khách đến cũng vắng dần. Hùng xếp những cuốn sách mới lên giá, chỉnh lại những chiếc ghế trong phòng cho gọn gàng. Bất giác nhìn qua chiếc bàn con trong góc phòng, cuốn Tà dương vẫn còn nằm trên bàn chưa được trả lại vị trí cũ. Hùng ngạc nhiên cầm lên, cô ấy chưa bao giờ ra về mà không sắp xếp lại gòn gàng mọi thứ trên bàn cả. Hùng lật giở từng trang sách, chợt một tờ giấy rơi ra. Hùng nhặt tờ giấy lên, đọc những dòng chữ trên đó và nở một nụ cười.

Mong là bạn sẽ dọn bàn và thấy được tờ giấy này. Thật vui khi biết bạn cũng có cùng sở thích. Mỗi chiều thứ bảy mình sẽ đến, mong là chúng ta sẽ được cùng nhau trò chuyện nhiều hơn.

Hùng sẽ chờ tới lúc gặp được cô. Vào một buổi chiều thứ bảy đầy nắng, cô sẽ đến và gọi món cà phê quen thuộc, sẽ lại ngồi ở vị trí quen thuộc của riêng cô. Hùng sẽ lại đưa cho cô một tác phẩm của Dazai mà Hùng thích, rồi hai người sẽ lại trò chuyện cùng nhau, về tác giả, về sách, về con người, và về nhiều thứ nữa…

Và rồi ở góc phòng đọc sách của quán cà phê, một mối quan hệ bắt đầu.

Hagitachi

Chương trình Văn học tuổi xanh phát 7g00 chủ nhật hàng tuần trên sóng FM 99.9Mhz - Đài TNND TPHCM. Quý độc giả có thể tham gia gửi bài viết qua địa chỉ mail: vanhoctuoixanh@gmail.com. (Dưới mỗi bài viết bạn nhớ để lại thông tin cá nhân và số CMND để chương trình tiện liên lạc)

VOH

Bình luận

Đọc Báo