Thắp lên sự sống cho đời

Ngày 11/2/2010 – một cột mốc mà có lẽ ê – kíp y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy không thể nào quên khi lần đầu tiên, 4 trường hợp được ghép thận từ 2 người cho chết não không có quan hệ huyết thống trên cả nước được thực hiện. Đây được xem là một thành quả, sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sĩ sau bao ngày đêm trăn trở, lo lắng khi nguồn tạng hiến quá ít so với nhu cầu chờ ghép tạng…bài viết của phóng viên Nhất Hương (Thời sự 5h30 ngày 22/10/2016)

Ngày 11/2/2010 – một cột mốc mà có lẽ ê – kíp y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy không thể nào quên khi lần đầu tiên, 4 trường hợp được ghép thận từ 2 người cho chết não không có quan hệ huyết thống trên cả nước được thực hiện. Đây được xem là một thành quả, sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sĩ sau bao ngày đêm trăn trở, lo lắng khi nguồn tạng hiến quá ít so với nhu cầu chờ ghép tạng…

Để có được thành công này, thì đâu đó bên ngoài hành lang phòng phẫu thuật ngày đó, chúng tôi vẫn nhớ như in những giọt nước mắt lăn dài của thân nhân người cho tạng. Quặn thắt cõi lòng khi vừa mất người thân, nhưng vẫn cố giấu đi, sự đau thương, gạt nước mắt vào trong để bác sĩ thực hiện một nhiệm vụ cao cả hơn , thiêng liêng hơn theo đúng di nguyện lúc người thân còn sống. Và bên trong kia, phòng phẫu thuật vẫn sáng đèn, những người thầy thuốc  quên cả nỗi cực nhọc, vất vả khi đứng hàng giờ đồng hồ để bắt đầu cuộc lấy và ghép tạng… Sự cho và nhận diễn ra trong một hoàn cảnh mà cảm xúc giữa khổ đau và hạnh phúc, giữa cái chết và sự hồi sinh luôn đan xen, thật khó tả.

Bà Nguyễn Minh Phụng, 65 tuổi, ở Hóc Môn chia sẻ, chồng vừa mất được hơn 1 năm. 16 năm trời theo chồng ròng rã  ra vào bệnh viện, hơn ai hết, bà hiểu được nỗi đau khổ bệnh tật, sự chịu đựng đau đớn thể xác của những bệnh nhân chờ ghép tạng, nên khi biết di nguyện của chồng , bà âm thầm ủng hộ ông dù biết trong gia đình thế nào cũng có lời ra tiếng vào vì suy cho cùng thì đến nay ,vẫn còn nhiều người chưa quen chuyện khi vừa lìa đời lại phải chịu cảnh mổ xẻ thân xác. Khi được hỏi, bà cũng trả lời về  sự cho nhận cũng thật giản đơn, nhẹ nhàng: khi chết rồi mình không có sử dụng gì được hết thì mình chỉ hy sinh cái của mình để giúp được bao nhiêu người thì cái đó rất là tốt. Mọi người nên suy nghĩ điều đó rất là nhân văn. Riêng bản thân tôi giờ đã đi làm giấy hiến hết rồi. Một người vì mọi người, mình cũng nên làm gì đó để giúp cho đời, cho xã hội

Cũng có những người còn khá trẻ, đang trong độ tuổi sinh viên trên ghế giảng đường nhưng vẫn quyết tâm đăng kí tình nguyện hiến tạng của mình để bệnh viện có thể sử dụng vào mục đích cứu chữa  người khác . Họ hoàn toàn không quen biết nhau, không bà con ruột thịt, nhưng tình người , tinh thần “một người vì mọi người” khiến họ sẵn sàng và sẵn lòng hiến bất cứ khi nào. Còn với anh Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1964, ngụ Dầu Tiếng, Bình Dương thì cho đến giờ đây, nhìn đứa con gái khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, ngày ngày được đến công sở làm việc theo sở thích, theo niềm đam mê, thì bản thân anh vẫn không thể tin ngành Y Việt Nam có thể làm những chuyện mà anh cho rằng “quá sức tưởng tượng”. Anh cho biết “mình lo là không ghép được cho cháu, sức khỏe cháu thì ngày một yếu đi nhưng giờ cháu ghép xong đi làm bình thường. Thật quá sức tưởng tượng, ghép thận xong 2 ngày sau cháu đi tiểu được. Phải nói mừng quá , ngành y của mình quả thật rất tiến bộ”

Ghép mô-tạng, không thể thực hiện thành công, nếu không có người hiến tạng. Nguồn tạng hiến từ người cho sống không đủ đáp ứng nhu cầu xã hội, do đó hiến tạng từ người cho chết não hay ngừng tuần hoàn, là một cứu cánh có thể giúp cân bằng được sự thiếu hụt trên. Sự đồng thuận của xã hội về việc tình nguyện hiến tạng cứu người là việc làm cao cả, đầy tính nhân văn và lòng nhân đạo, đáng trân trọng. Chúng ta đều biết rằng, ghép thận là giải phóng bệnh nhân ra khỏi máy thận nhân tạo, ghép tim, gan, phổi là đem lại 1 cuộc sống mới cho bệnh nhân, ghép tủy chữa được nhiều bệnh máu, ghép giác mạc giúp đem lại ánh sáng cho bệnh nhân... Ghép tạng nhằm mang lại một cuộc sống có chất lượng cho người nhận và như vậy, ghép tạng không chỉ là món quà mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn cho cả cộng đồng. PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, nếu nói đến “thành quả” của khoa học ghép tạng, thì đó chính là tình người. Không thể không nhắc đến sự hy sinh thầm lặng của người chia sẻ một phần thân thể rất quý giá của mình để đem lại sự sống cho người thân cũng như những người nhận không cùng huyết thống trong thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Viết Tiến cũng  cho rằng nguồn tạng Việt Nam dồi dào chứ không đến mức khan hiếm. Quan trọng là tư tưởng nhiều người muốn là sau khi chết phải toàn thây. chúng ta phải cho thấy rằng việc hiến tạng sau khi chết là hành động nhân văn, nhân đạo

Trên cả nước, số lượng người được hiến tạng cho đến nay chỉ hơn 1500 trường hợp, nhưng người cần hiến tạng đã lên đến 16.000. Điều này cho thấy, cộng đồng cần có cái nhìn rộng mở hơn để có thể san sẻ tình thương với những bệnh nhân đang khổ đau chờ được ghép. Thạc sĩ Nguyễn Minh Hiển  - Trưởng phòng Công tác xã hội  – bệnh viện Chợ Rẫy – người hằng ngày luôn bận rộn với các hoạt động nhân đạo và xã hội rất tâm huyết với việc hiến tạng nhân đạo, vì tính nhân văn, giúp khơi gợi tình người, và hướng thiện : hiến máu tình nguyện thời gian đầu cũng rất khó khăn khi chúng ta suy nghĩ chưa thấu đáo. Nên mong rằng thời gian tới người dân sẽ hiểu rằng chết không phải là hết, mà sự cho đi của người thân mình sẽ duy trì sự sống cho những người suy tạng sau đó.

Cuộc sống sẽ nhân văn hơn, tình người sẽ thấm đẫm hơn chính từ những hành vi, nghĩa cử cao đẹp ấy. Và một khi chúng ta cảm nhận được  hạnh phúc, khi cái chân thiện mỹ ngày càng được lan tỏa thì lúc đó, có lẽ “văn hóa sống” trong xã hội hiện đại  cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Bởi vậy mới thấy, khi mỗi việc làm của chúng ta được xem là nghĩa cử, thì đó chính là gieo cái tốt cho đời. Cho và nhận, 2 phạm trù luôn kết nối với nhau, làm nên bao điều tốt đẹp, thắp lên sự sống cho con người vào những lúc tưởng như nghiệt ngã nhất./.

 

VOH

Bình luận

Đọc Báo