Thảo Cầm Viên Sài Gòn: 150 hình thành và phát triển

(VOH) - Sáng 23/12, UBND TPHCM tổ chức kỷ niệm 150 năm thành lập Thảo Cầm Viên Sài Gòn (12/1865 - 12/2015).

Được xây dựng từ tháng 3/1864 với quy mô ban đầu là 12 hécta bên bờ kênh rạch Lăng (nay là kênh Thị Nghè) và hoàn thành một năm sau đó, tên gọi sơ khai của Thảo Cầm Viên là Vườn Bách Thảo. Ông Louis Pierre là người có công lớn trong xây dựng và mở rộng Vườn Bách Thảo.

Khách tham quan Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Ảnh: haiquan

Do có nhiều loại thú trong nước và nước ngoài được đưa về nuôi dưỡng với số lượng hơn 500 con nên Vườn Bách Thảo còn được gọi là Sở Thú.

Năm 1956, Sở Thú được tái thiết và đổi tên thành Thảo Cầm Viên.

Tại buổi lễ, ông Phạm Văn Tân, Phó Giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn khẳng định: "Chúng ta có quyền tự hào về Thảo Cầm Viên Sài Gòn vì trong lịch sử hơn 300 năm của Sài Gòn – TPHCM, ít có công trình nào tồn tại và gắn bó như một phần cơ thể của đô thị, đứng vững trong mọi thăng trầm của lịch sử và trở nên thân quen với mọi tầng lớp nhân dân. Thảo Cầm Viên Sài Gòn thực hiện đầy đủ các chức năng: giáo dục cộng đồng, nhân giống khoa học, nghiên cứu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nghiên cứu thư giãn, vui chơi giải trí của người dân trong và ngoài nước, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn thiên nhiên và môi trường".

Đặc biệt, Thảo Cầm Viên lâu nay còn được xem như Viện bảo tàng sinh vật học với hàng ngàn loài động - thực vật Việt Nam và thế giới đang được nuôi - trồng. Nơi đây, có bộ sưu tập khổng lồ: khoảng 4.000 cây thuộc các loài thực vật và trên 600 cá thể động vật quý hiếm; ngoài ra còn có hơn 500 loài động vật, trong đó có 120 loài thú, gần 350 loài chim và 45 loài bò sát.

Một số động vật quý hiếm của Việt Nam và thế giới đang được bảo tồn, gìn giữ nơi đây có thể kể đến như: báo lửa, vượn má vàng, trĩ sao, tê giác, hươu cao cổ, hổ trắng,...

Không chỉ là nơi lưu giữ động - thực vật, trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn có đền thờ Hùng Vương và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM.

Để gìn giữ và phát triển Thảo Cầm Viên Sài Gòn – 1 trong 10 vườn thú lâu đời nhất thế giới này, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: "Tôi tin tưởng rằng Thảo Cầm Viên Sài Gòn sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ những thành quả đã đạt được, nghiên cứu tìm tòi, tăng cường học hỏi, hợp tác và trao đổi quốc tế, đẩy mạnh công tác nhân giống bảo tồn, phát triển bộ sưu tập ngày càng phong phú, đa dạng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tham quan học tập và nghiên cứu của người dân và du khách nước ngoài, duy trì hoạt động của đơn vị theo hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động giáo dục vườn thú cho khách tham quan nhất là đối với học sinh, sinh viên, qua đó giáo dục, nâng cao ý thức về chăm sóc, bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm, bảo vệ môi trường sống của chúng ta".

Dịp này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng 3 của Chủ tịch nước và cờ Truyền thống của Chủ tịch UBND TPHCM trao tặng.