Bắt bệnh "hành trình" hóa chất tạo nạc đến nông dân

(VOH) - Thời gian qua, dư luận xôn xao khi cơ quan chức năng phát hiện các trường hợp sử dụng chất tạo nạc Salbutamol, Clenbuterol (nhóm Beta Agonist) trong chăn nuôi. Để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, y tế, hải quan và các địa phương vùng cửa khẩu.

Cơ quan chức năng phát hiện chất tạo nạc tại một cơ sở chăn nuôi (Ảnh: Vietnamnet)

Chất tạo nạc vào nước ta bằng đường nào?

Từ đầu năm 2015 đến nay, các cơ quan chức năng... vào cuộc và xác định một số cá nhân và công ty nhập khẩu, kinh doanh hóa chất này.

Hiện nay, nước ta chưa sản xuất được hóa chất nhóm Beta Agonist sử dụng trong dược phẩm để phòng trị bệnh hen suyễn cho người. Vì thế, các chất nhóm Beta Agonist có mặt ở thị trường Việt Nam là từ nhập khẩu chính ngạch.

Do hóa chất nhóm Beta Agonist còn có tác dụng tạo nạc, giảm tỷ lệ mỡ nên trước đây, một số quốc gia cho sử dụng trong chăn nuôi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng có hại của hóa chất này trên người nên nhiều quốc gia, trong đó nước ta đã cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Dù vậy, hóa chất nhóm Beta Agonist vẫn được lén lút sử dụng trong chăn nuôi ở Việt Nam. Những hóa chất này vào nước ta bằng con đường nào?

Doanh nghiệp y tế tuồn thuốc nhóm Beta Agonist ra ngoài

Trước tiên, việc hóa chất tạo nạc do doanh nghiệp ngành y tế nhập khẩu và bán ra thị trường là có thực. Năm 2015, ngành y tế cho nhập 68 tấn Clenbuterol (nhóm Beta Agonist) dùng trong y tế.

Một số doanh nghiệp y tế đã nhập khẩu các chất trên và bán ra thị trường. Một số cá nhân, doanh nghiệp thuốc thú y mua về bán cho người chăn nuôi sử dụng để vật nuôi siêu nạc, mau lớn...

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khẳng định thông tin trên là chưa chính xác. Bởi số lượng trên để sản xuất thuốc cho người là quá nhiều, vượt quá nhu cầu sử dụng.

Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cũng khẳng định, từ đầu năm 2015 đến nay, đơn vị mới cho phép nhập 3,5 tấn salbutamol và chỉ những công ty có số đăng ký với các sản phẩm này còn hiệu lực mới được nhập khẩu và nhà máy sản xuất thuốc phải đạt tiêu chuẩn GMP mới được sản xuất.

Mặc dù vậy, nguồn nguyên liệu chất tạo nạc này từ ngành y tế bán ra cho các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trên thực tế đã xảy ra. Và sự thật này chỉ được khẳng định khi cơ quan điều tra vào cuộc, truy xuất dữ liệu từ Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cũng như ở hải quan cửa khẩu và thanh kiểm tra từ các doanh nghiệp y tế có hoạt động kinh doanh nhập khẩu nguyên liệu này.

Từ chính ngành nông nghiệp

Kế đến, hóa chất tạo nạc còn xuất phát từ chính ngành nông nghiệp. Hiện ngành nông nghiệp đã giao trách nhiệm quản lý hóa chất, kháng sinh, phụ gia thức ăn chăn nuôi... cho cả cơ quan thú y lẫn chăn nuôi.

Cục Thú y cho phép nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm hóa chất, dược liệu sử dụng trong phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi. Còn Cục Chăn nuôi quản lý nguyên liệu, thành phẩm, phụ gia thức ăn chăn nuôi cho ngành chăn nuôi. Vậy thì, một số công ty sản xuất kinh doanh thú y cũng như thức ăn chăn nuôi có thành phẩm chứa chất tạo nạc nhóm Beta Agonist, đã sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính ngạch hay là tiểu ngạch?

Điều này không khó truy tìm nguồn gốc, nếu cơ quan điều tra vào cuộc truy xét từ dữ liệu lưu trữ ở Hải quan cửa khẩu các cảng biển, ở Cục thú y và Cục chăn nuôi. Số liệu này sẽ cho thấy công ty, doanh nghiệp nào nhập khẩu, số lượng bao nhiêu tấn chất tạo nạc và đã xuất bán cho công ty, doanh nghiệp, nhà máy nào...

Người tiêu dùng vô cùng hoang mang vì chất tạo nạc tiềm ẩn trong thịt (Ảnh: laodong)

Nhập lậu, tiểu ngạch

Và cuối cùng, những chất tạo nạc nhóm Beta Agonist còn có nguồn gốc từ các con đường nhập lậu, tiểu ngạch. Vừa qua, những thành phẩm đóng gói sử dụng ở trại chăn nuôi bị phát hiện chứa chất cấm, nhãn bao bì bằng tiếng Trung là một ví dụ.

Vì hàng tiểu ngạch, hàng lậu vẫn có thể thông qua hải quan các cửa khẩu, nếu cơ quan này không có thông tin, không biết hoặc không quan tâm. Ngoài ra, chính quyền ở khu vực các cửa khẩu cũng không thể là người ngoài cuộc. Bởi các cơ quan liên quan ở địa bàn có thể biết rõ khu vực, địa điểm nào hàng lậu, hàng tiểu ngạch... thường vượt rào, kể cả nắm được thông tin về những doanh nghiệp, đại lý, đầu nậu nào tham gia kinh doanh hàng lậu, hàng tiểu ngạch.

Các bộ ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn

Qua phát hiện các vi phạm, các cơ quan chức năng đã bắt đúng bệnh. Thế nhưng, đây cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Các bộ ngành, địa phương liên quan cần vào cuộc mạnh hơn để lập lại kỷ cương trong lĩnh vực này.

Trước đây, các bộ ngành địa phương liên quan đã nói không với gà nhập lậu rất thành công. Vì vậy, để xóa bỏ việc sử dụng các chất tạo nạc nhóm Beta Agonist bị cấm sử dụng trong chăn nuôi, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cần rà soát ở trong tổ chức nội bộ, thanh kiểm tra chuyên ngành cùng phối hợp liên ngành để phát hiện, xử lý nghiêm nhằm bịt chặt những lỗ hổng vi phạm nhập khẩu, kinh doanh chất cấm như đã xảy ra trong thời gian qua.

Thịt heo chứa các chất Salbutamol, Clenbuterol về lâu dài có thể gây biến chứng ung thư, ngộ độc cấp, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng… Đồng thời gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, thậm chí gây chết người. Đối với gia súc như heo, con vật khi ăn phải chất này chỉ có thể tồn tại được quá nửa tháng là phải giết mổ...