Đài Tiếng nói Nhân dân Tp HCM: 36 năm đổi mới và phát triển

(VOH) - Tiếp nối sứ mệnh lịch sử của Đài Phát thanh Giải phóng, ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4, từ tháng 7/1976, Đài phát thanh Sài Gòn Giải phóng được đổi tên thành Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. 36 năm song hành cùng những bước thăng trầm phát triển của đất nước và Tp, Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh không ngừng đổi mới và phát triển về mọi mặt, trở thành đơn vị có uy tín trong báo giới cả nước và hệ thống Phát thanh truyền hình của Quốc gia.
Một buổi phát thanh trực tiếp chương trình "Đối thoại cùng chính quyền thành phố". Chương trình này thu hút sự quan tâm rất lớn đối với người nghe bỡi tính tương tác cao giữa thính giả với lãnh đạo chính quyền thành phố. Ảnh Xuân Trường.

Một buổi chiều trong một căn hộ đơn sơ ở quận 12, chúng tôi tìm gặp được ông Nguyễn Khắc Cần - là thế hệ Đài phát thanh giải phóng A và là người tiếp quản Đài phát thanh giải phóng từ ngày 30.04.1975. Ông Nguyễn Khắc Cần giữ chức vụ Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân Tp.HCM giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1987. Nay ở cái tuổi ngoài 90 nhưng ký ức của ông về Đài là vẫn là những ngày tháng đẹp đẽ của cuộc đời. Đối với ông đó là những ngày gian khổ nhưng tất cả cán bộ nhân viên của Đài vượt mọi khó khăn làm việc với tinh thần lạc quan, tất cả vì làn sóng, vì truyền thống mà các thế hệ làm Báo phát thanh đã tiếp nối. Ông Nguyễn Khắc Cần nhớ lại thời kỳ sau ngày đất nước thống nhất ở Đài Tiếng nói Nhân dân Tp.HCM:

Ký ức đẹp còn đọng lại trong lòng những cựu cán bộ Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh những ngày đầu là một thời đồng lương eo hẹp và không có nhuận bút nhưng tất cả đều làm việc hăng say để tiếng nói của Đài được vươn xa. Bà Ngô Ngọc Mỹ, Nguyên là Trưởng Ban Thư ký biên tập của Đài, là lớp phóng viên tốt nghiệp đại học đầu tiên sau năm 1975 được Đài tuyển dụng, chia sẻ:

 

Từ năm 1986, sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, đất nước bước vào giai đoạn đổi mới về mọi mặt, Đài Tiếng nói Nhân dân Tp.HCM được Ban Thường vụ Thành Ủy ra quyết định thành lập Ban Biên tập (còn gọi là Biên ủy). Từ đây, Đài bước vào đổi mới cả nội dung và cơ sở vật chất kỹ thuật. Nhiều chương trình tiết mục Đài cải tiến được bạn nghe đài gần xa đánh giá cao, điển hình là Đài đi tiên phong trong việc tổ chức cuộc thi Tiếng hát phát thanh để phát hiện ra sớm các giọng ca triển vọng. Nói về thời kỳ đầu đổi mới, ông Cao Xuân Phách - Nguyên Phó Giám đốc của Đài, phụ trách nội dung phát sóng của Đài từ năm 1986 đến năm 1996 nhớ lại:

Trong xu thế phát triển, Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố không ngừng lớn mạnh về quy mô và nâng cao chất lượng phát sóng để phục vụ các đối tượng thính giả. Từ một sóng AM 610khz, năm 1999 Đài phát triển thêm kênh thông tin thương mại giải trí phát trên sóng FM 99,9 Mhz và năm 2010 cho ra đời thêm Kênh giao thông đô thị phát trên sóng FM 95.6Mhz. Từ năm 2009, Đài đưa vào sử dụng trạm phát sóng ở tỉnh Sóc Trăng, nâng cao chất lượng phát sóng phục vụ đồng bào các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay Đài có hàng trăm chương trình, tiết mục, trong đó có hàng chục chương trình phát thanh trực tiếp mỗi ngày và tổng thời lượng phát trên ba sóng là 62 giờ/ngày, ngoài ra Đài còn có trang thông tin điện tử ở địa chỉ www.voh.com.vn có thể nghe Đài trực tuyến phục vụ cho kiều bào ở nước ngoài cũng như các tỉnh xa trong nước. Bên cạnh các chương trình Tiếng Việt, Đài ngày càng đầu tư vào các chương trình tiếng nước ngoài như Anh, Pháp, Hoa phục vụ nhu cầu các đối tượng thính giả.. Trong xu thế làm phát thanh hiện đại, Đài đã chuyển sang sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như kỹ thuật số, truyền dẫn tín hiệu cáp quang và đang hướng tới công nghệ phát sóng qua vệ tinh đưa tiếng nói của Đài đi xa và rộng hơn.

Lớp cán bộ trẻ của VOH trong một chương trình giao lưu với các đồng chí lão thành cách mạng. Ảnh Xuân Trường.

Hiện nay, Đài có gần 300 cán bộ nhân viên và phần lớn có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Đáng chú ý Đảng bộ Đài có 120 Đảng viên và là Đảng bộ có tỷ lệ Đảng viên đông nhất trong các đơn vị báo chí của thành phố. Nhiệm kỳ 2010- 2015 của Đảng bộ Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cải tiến nội dung các chương trình phát thanh theo hướng tăng thêm các chương trình trực tiếp, tăng tính giao lưu tương tác với thính giả. Dự kiến đến năm 2015 ngoài 3 kênh phát sóng hiện có, Đài sẽ mở thêm 6 kênh FM phục vụ theo từng lĩnh vực và đối tượng nghe Đài. Lật lại từng trang truyền thống đầy tự hào của Đài Tiếng nói Nhân dân từ những ngày đầu, chúng tôi hiểu thêm về những gian khổ và cả sự cống hiến của biết bao thế hệ cán bộ Đài đi trước đã đóng góp công sức xây dựng và phát triển Đài như ngày hôm nay. Nhìn lại quá trình phát triển của Đài Tiếng nói Nhân dân Tp.HCM, ông Đỗ Xuân Kỳ - Nguyên Bí thư Đảng Ủy, nguyên Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập của Đài từ năm 1995 đến năm 2007 cho biết:

 

Sự lớn mạnh của Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ngoài sự nỗ lực của các thế hệ cán bộ nhân viên của Đài, sự trưởng thành và phát triển của Đài với bề dày và thành tích như hôm nay chính là sự quan tâm và lãnh đạo sâu sát của Thành ủy- Ủy ban nhân dân Tp. Đảng ủy và Ban Giám đốc Đài nhiều nhiệm kỳ, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, luôn củng cố, xây dựng, đoàn kết thống nhất và sáng tạo, tạo động lực phấn đấu cho cán bộ nhân viên Đài cống hiến cho sự nghiệp phát triển tp và nền báo chí nước đất nước.

Kỷ niệm truyền thống 50 năm Đài Phát thanh giải phóng- Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, thế hệ phóng viên trẻ hôm nay được “ôn cố tri tân”, luôn nhắc nhau nâng niu, gìn giữ một chặng đường đầy tự hào, và nguyện tiếp bước các thế hệ đi trước, mãi xứng đáng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng.