Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng: Tổng Bí thư nêu 6 vấn đề tập trung thực hiện

(VOH) -  Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí mà nhân dân quan tâm, hy vọng, chờ đợi.

Ngày 25/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng – một hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bàn các công việc thiết thực nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn, quyết liệt và hiệu quả hơn trong phòng chống tham nhũng, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng năm 2014 có ý nghĩa mở đường, định hướng, thống nhất phương hướng để thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng thì Hội nghị toàn quốc năm 2018 không chỉ đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện những kết quả đạt được sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng mà bàn những công việc thiết thực, cụ thể để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng đang được nhân dân hết sức quan tâm, hy vọng, đợi chờ được thấy bước chuyển mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả cao hơn.

Báo cáo do đồng chí Phan Đình Trạc – Bí thư trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo, Trưởng ban nội chính trung ương và tham luận của các cơ quan trung ương, các tỉnh thành ủy đều thống nhất cho rằng, các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về phòng chống tham nhũng theo kết luận của Tổng bí thư tại hội nghị phòng chống tham nhũng năm 2014 và Nghị quyết đại hội XII của Đảng đã được các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả,  được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt đẹp, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng, 35 ngàn đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Đặc biệt, việc thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm, cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu, đã cho thấy bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Số vụ án về tham nhũng được phát hiện khởi tố, điều tra đều tăng so với cùng kỳ. Xét xử sơ thẩm 434 vụ án, 1.087 bị cáo về các tội tham nhũng. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tỷ lệ tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng tăng qua mỗi năm.

Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng đã làm rõ thêm một số kinh nghiệm, cách làm tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trưởng ban chỉ đạo trung ương khẳng định sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội XII của Đảng, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả rất quan trọng và rất đáng mừng. Đồng thời cho thấy, chính làm tốt công tác xây dựng đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phấn chấn trong nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng, đối ngoại. Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, Tổng bí thư cho rằng phòng chống tham nhũng là công việc hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, không được tự thỏa mãn với kết quả đạt được.

Theo đó, Tổng Bí thư đã nêu 6 vấn đề cần được tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới. Trước hết phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng, làm cho mọi người thấy rõ việc chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm chậm lại sự phát triển mà ngược lại càng làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ. Phấn đấu đến hết nhiệm kỳ cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.

Cùng với yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới, Tổng Bí thư đề nghị cần tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng.

Để khắc phục tình trạng trên nóng dưới lạnh, ngăn chặn có hiệu quả tệ tham nhũng vặt, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Bí thư đề nghị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở.

Các cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử phải là những thanh bảo kiếm sắc bén, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái, bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai, can ngăn những việc làm chưa đúng.

Nhấn mạnh, tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm mong đợi của nhân dân, Tổng Bí thư đề nghị mỗi cán bộ đảng viên trên từng cương vị công tác hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu, triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp phòng chống tham nhũng.

Đặc biệt, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng phải cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân, “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha, soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp” như lời Bác Hồ đã căn dặn.