Văn hóa đọc: "Tri thức ươm mầm tương lai"

VOH - Sáng 17/4, buổi giao lưu “Tri thức ươm mầm tương lai” là chương trình đầu tiên trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 năm 2024 trên địa bàn TPHCM.

Chúng ta đang sống trong thời đại của thông tin và tri thức, sự phát triển của một đất nước không chỉ dựa vào những thành tựu kinh tế mà còn phụ thuộc vào việc nâng cao trình độ tri thức của người dân.

Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Tri thức ươm mầm tương lai” nhằm khám phá sức mạnh và vai trò của tri thức trong việc xây dựng tương lai cho thế hệ trẻ. 

Các em hS hào hứng tham gia Trí thức ươm mầm tương lai - Ảnh Ngọc Bích
Các em học sinh hào hứng tham gia buổi giao lưu "Trí thức ươm mầm tương lai" - Ảnh: Ngọc Bích

Không khí tại buổi giao lưu tràn ngập sự hào hứng, sôi nổi của các em học sinh trường Tiểu học Hòa Bình (Quận 1) khi tham dự chương trình.

Những ngày này, thời tiết nắng nóng nhưng không làm giảm đi sự hứng khởi, các em rất nhiệt tình khi tham gia trả lời các câu hỏi từ ban tổ chức liên quan đến sách, sở thích đọc sách cũng như những giá trị mà sách mang lại.

Có lẽ chính vì điều này mà các vị khách mời trong chương trình đã hòa vào niềm vui, có được thêm năng lượng, tạo nên chương trình thú vị, nhiều màu sắc và hấp dẫn. 

Nhà văn, đại sứ văn hóa đọc nhiệm kỳ 2023 - 2024 Trung Nghĩa cho biết, chính từ những quyển sách, thói quen đọc sách từ nhỏ đã giúp cho anh thêm lạc quan, yêu đời.

"Sách đóng vai trò quan trọng với tôi, từ thuở bé tôi đã được lan truyền sự ham thích đọc sách, thói quen đọc sách từ cha mẹ. Thông qua sách, tôi học được nhiều điều hay lẽ phải. Tôi có tâm nguyện là sống tử tế, sống bao dung, sống lạc quan yêu đời" - nhà văn Trung Nghĩa chia sẻ.

“Văn chương nuôi dưỡng tâm hồn”, hay “đọc sách mang lại tri thức”, đó cũng là điều mà em Huỳnh Anh Thư - học sinh lớp 8/3 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du quận Gò Vấp đã nói.

Có niềm đam mê, ham thích đọc dòng sách đề tài về lịch sử, văn hóa đã giúp Anh Thư có thêm nhiều kiến thức, thêm yêu và tự hào về đất nước, về Thành phố: "Con rất thích đọc sách lịch sử vì không thể trở thành công dân tốt nếu như chúng ta không hiểu biết về lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử thành phố mình."

Khách mời chia sẻ về thói quen đọc sách trong buồi tọa đàm Trí thức ươm mầm tương lai - Ảnh Ngọc Bích
Khách mời chia sẻ về thói quen đọc sách trong buồi giao lưu "Trí thức ươm mầm tương lai" - Ảnh: Ngọc Bích

Để duy trì tình yêu văn chương, góp phần lan tỏa văn hóa đọc, theo nhà văn Trung Nghĩa, nên có nhiều mô hình thư viện, nhà sách, khu đọc sách hấp dẫn người đọc. Song song đó, gia đình, thầy cô đóng vai trò quan trọng trong hình thành văn hóa đọc cho học sinh.

Nhà văn, đại sứ văn hóa đọc Trung Nghĩa nêu ý kiến: "Vai trò của cha mẹ, thầy cô rất quan trọng vì phải làm cho các con thấy ích lợi của đọc sách, các con cần đọc để các con học giỏi hơn... Các con dành thời gian hợp lý và đọc theo sở thích của các con.

Không nên đọc sách theo phong trào mà theo chính nhu cầu bản thân. Những quyển sách có trình bày đẹp, phù hợp với độ tuổi, chắc chắn các bé sẽ yêu thích sách".

Đề cập đến vai trò của nhà trường trong việc hình thành thói quen đọc cho học sinh, nhà văn Phương Huyền dẫn chứng thêm: "Vai trò của nhà trường là quan trọng. Phải khơi đúng nhu cầu tri thức, muốn trở thành phiên bản tốt nhất của mình hay trở thành ai đó thì bạn phải biết nên đọc gì, học gì."

Buổi giao lưu diễn ra trong không khí vui tươi, với nhiều chia sẻ thú vị, tiếp thêm niềm đam mê đọc sách, phương pháp xây dựng thói quen đọc, tìm hiểu văn hóa đọc và định hướng đọc đúng đắn cho các bạn học sinh.

Các hoạt động Ngày sách và văn hóa đọc diễn ra xuyên suốt từ ngày 17 đến ngày 22/4 với nhiều hoạt động sôi nổi như giao lưu ra mắt sách, các buổi trò chuyện về nhiều chủ đề khác nhau xoay quanh việc phát triển và lan rộng văn hóa đọc trong cộng đồng.