Xem xét nhân rộng Lễ hội đường sách xuống quận/huyện

(VOH) Sáng nay (7/3), Sở Thông tin Truyền thông tổ chức tổng kết Lễ hội đường sách tết Ất Mùi 2015. Là hoạt động văn hóa đặc trưng trong dịp Tết Nguyên đán ở TPHCM nên hoạt động của lễ hội đường sách luôn được người dân và du khách quan tâm

Năm 2015, với chủ đề Bản sắc Việt - Việt Nam, Lễ hội đường sách Tết Ất Mùi diễn ra trên trục đường Hàm Nghi (đoạn từ Tôn Đức Thắng đến Hồ Tùng Mậu) và nhận được sự tham gia đồng hành của 13 nhà xuất bản. Chỉ trong 4 ngày từ 28 tháng Chạp đến mùng 4 Tết, các đơn vi xuất bản đã bán được khoảng 82.400 bản sách, đạt doanh thu gần 4,5 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc NXB tổng hợp TPHCM, đơn vị đã 5 năm đồng hành cùng Lễ hội đường sách nhìn nhận: "Đường sách ở TPHCM trong 5 năm qua là một nét văn hóa rất đặc biệt ở TPHCM mà hiện nay chúng tôi chưa thấy ở đâu có cả. Thế nên chúng ta duy trì được điều này trong suốt thời gian qua là một điều tốt".

Năm nay, nội dung của các ấn phẩm sách được trưng bày trong khuôn khổ lễ hội gắn sát với chủ đề Bản sắc Việt – Hào khí Việt Nam.

5 năm qua, nếu như NXB Tổng hợp, NXB Trẻ, Fahasha, NXB Văn học luôn định hình với khu trưng bày sách theo chuyên đề thì Bảo tàng Thành phố, Thư viện Khoa học tổng hợp…lại mang đến cho độc giả những tư liệu quý hiếm về biển đảo Việt Nam qua những trang sách. Trong khi đó, NXB Phan Thị lại được biết đến với khu sách dành cho thiếu nhi, NXB Phương Nam gắn liền sách điện tử. Đặc biệt hơn, ở lễ hội đường sách năm nay, 2 đại diện là NXB Thái Hà và NXB Nhã Nam giới thiệu đến độc giả những bộ sách hay, sách quý hiếm, sách mộc bản… như một cách để giới thiệu đến công chúng lịch sử hình thành và phát triển của kỹ nghệ in ấn, xuất bản TP cũng như của cả nước.

Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết thêm: "Khu sách về biển đảo của NXB Phan Thị rất hay vì mọi người đến đây có thể thấy được sự phân bố của các đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Những cuốn sách lớn này đều được chọn lọc rất kỹ, trong đó có bộ Attlas mà nước Bỉ đã giao cho Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son cũng được chúng tôi lấy về để trưng bày cho người dân thành phố. Khu sách hay, sách quý cũng có nhiều người tham gia và đánh giá cao, cả những độc giả lớn tuổi cũng như các em thiếu nhi cũng tham gia vào đây rất nhiều. Riêng khu sách dành cho người khiếm thị cũng được đầu tư chu đáo".

Đường sách đang trở thành một nét văn hóa mang đặc trưng riêng của TPHCM mỗi dịp Xuân về - Ảnh: TTO.

Ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND TP đánh giá cao nỗ lực và hiệu quả của Ban tổ chức lễ hội đường sách. Hoạt động này thực sự là bữa ăn tinh thần đặc biệt dành cho người dân và du khách ở TP mỗi khi Tết đến xuân về. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông Hứa Ngọc Thuận cũng lua ý, Lễ hội đường sách năm 2016 Bính Thân phải dành riêng một gian để trưng bày Hội báo xuân và gian sách thơ. Sở Thông tin Truyền thông cũng chú ý tăng cường tuyên truyền, mở rộng hoạt động, đưa các sản phẩm văn hóa đọc ra các huyện ngoại thành để từng bước nâng cao ý thức của người dân về văn hóa đọc, từng bước kéo giảm khoảng cách văn hóa giữa nội và ngoại thành.

Ông Hứa Ngọc Thuận đặc biệt lưu ý, Lễ hội đường sách năm 2016 cũng nên tính đến phương án nhân rộng mô hình đường sách ra một số quận huyện, để tránh tình trạng người dân tập trung đổ dồn về một điểm, gây ùn ứ, quá tải. "Nên chăng chọn một số quận để giao nhiệm vụ và có sự hỗ trợ từ Sở TTTT để làm một số đường sách ở địa phương. Như vậy sẽ có sự phối hợp, góp phần “chia lửa” cho nhau chứ không nên quá tập trung vào trung tâm".

Tổ chức phân cấp lễ hội đường sách xuống quận huyện để giảm áp lực người xem ở khu vực hoàn toàn khả thi. Cách làm này đã được thực hiện đúng như mong muốn ở Chợ hoa xuân và hội hoa Tết ở TPHCM. Từ 4 Chợ hoa Tết ban đầu, hiện nay thành phố đã nhân rộng ra 126 điểm bán hoa Tết ở khắp các quận huyện, góp phần giảm áp lực chợ hoa trong dịp tết ở TPHCM.