Vang mãi “Bài ca người lính”

(VOH) - Ngày 14/12, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp với Thành đoàn, Hội Âm nhạc và Hội Nhiếp ảnh Thành phố tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật với tên gọi “Bài ca người lính”, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014).

Chương trình đã làm sống lại tinh thần đấu tranh gian khổ mà vẫn luôn kiên trung, lạc quan yêu đời của người bộ đội cụ Hồ suốt những năm tháng đấu tranh hào hùng.

Chương trình nghệ thuật, giao lưu chủ đề “Bài ca người lính”. Ảnh: Nam Hiệp

13 tiết mục là 13 món quà ý nghĩa gửi đến tất cả chiến sĩ, các anh bộ đội Cụ Hồ như: Hồn thiêng đất Việt, Đoàn Giải phóng quân, Qua sông, Hát về Anh, Mùa xuân và Người chiến sĩ biên phòng, Tiếng gọi non sông… Những lời ca quen thuộc vang lên vẫn mang tinh thần thời đại như khởi nguồn lúc các tác phẩm ra đời, giúp người nghe càng quý trọng hơn niềm hạnh phúc không gì sánh bằng khi được sống trong hòa bình, làm chủ một đất nước tự do độc lập. Để có được hạnh phúc thiêng liêng ấy, bao thế hệ cha anh, bao lớp người đã phải đánh đổi bằng máu xương, cuộc sống. Còn với các văn nghệ sĩ, cứ mỗi dịp được đến với các chiến khu xưa hay ra tận hải đảo, biên cương lại khơi lên trong họ nguồn cảm xúc dâng tràn, để rồi những sáng tạo nghệ thuật được thăng hoa.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn chia sẻ những trải nghiệm khi sáng tác ca khúc “Mùa xuân và người chiến sĩ Biên phòng”: “Tôi khám phá ra người chiến sĩ biên phòng kì diệu lắm. Có khi anh là chiến sĩ nhưng có lúc lại là thầy giáo dạy các em thơ vùng sâu vùng xa, có lúc lại là bác sĩ y tá hay lại dạy các ngư dân làm ngư dân thực thụ trên biển trên sông, cho nên người chiến sĩ biên phòng vô cùng được nhân dân yêu mến, chính những hình ảnh đó đã dấy lên cảm xúc trong tôi để có thể sáng tác ca khúc nhỏ này".

Còn ca sĩ Nguyễn Phi Hùng cho biết cảm xúc của mình khi sáng tác “Tiếng gọi non sông”: "Phi Hùng rất may mắn khi được 3 lần đặt chân đến Trường Sa, chứng kiến được cuộc sống của các chiến sĩ, từ đó Hùng đã viết nên ca khúc này. Rất vui khi ca khúc nhận được sự giúp sức của rất nhiều cơ quan đoàn thể, qua đó thể hiện được tấm lòng của đất liền luôn hướng về biển đảo. Là một ca sĩ, một người con Việt Nam, Phi Hùng luôn muốn góp sức mình để cổ vũ tinh thần các anh”.

Khán giả đã cảm nhận được ngọn lửa đấu tranh, tinh thần chiến đấu quật cường được hun đúc lại qua bao thế hệ để rồi bừng sáng trong tim mỗi người con Việt Nam qua từng phần biểu diễn. Các ca sĩ thể hiện những tiết mục này, đa phần còn khá trẻ nhưng vẫn thể hiện được tinh thần chủ đạo của mỗi sáng tác. Ca sĩ Tánh Linh – một giọng ca trẻ nhưng lại là gương mặt quen thuộc của những chuyến đi về nguồn, biểu diễn phục vụ cho đồng bào và chiến sĩ vùng biên cương, hải đảo xa xôi, chia sẻ: “Gần đây, Tánh Linh đã được cùng Hội Âm nhạc tham gia một chuyến đi về nguồn tại Bạc Liêu, chuyến đi thực tế ý nghĩa với những người trẻ như Tánh Linh, được đến với những chiến khu, trải nghiệm, trải lòng trong những khoảnh khắc đó thật ý nghĩa. Hi vọng rằng sắp tới đây sẽ được đi nhiều hơn nữa đến các hải đảo để trực tiếp biểu diễn phục vụ các anh lính hải đảo nói riêng, cũng như các chiến sĩ đang học tập và làm việc trên khắp mọi miền tổ quốc”.

Trong chương trình nghệ thuật đặc biệt này, ngoài văn nghệ sĩ còn có sự tham dự của các chiến sĩ bộ đội Biên phòng TP.HCM. Với họ, phong trào văn nghệ là món ăn tinh thần không thể thiếu, khiến cho tâm hồn người lính bay bổng hơn, yêu đời hơn, tinh thần lạc quan giúp người chiến sĩ thêm vững vàng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thiếu tá Ngô Phúc Thuận – Đội trưởng Đội văn nghệ Bộ đội Biên phòng TP.HCM, chia sẻ: “Năm qua, chúng tôi đã đạt được Giải A trong Hội thi Liên hoan tuyên truyền trên tuyến biên giới bờ biển Khu vực phía Nam. Chúng tôi cũng đi phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa, các chiến sĩ ở biên giới hải đảo và chúng tôi đón nhận được tình cảm rất nhiệt tình ở mỗi nơi. Bản thân tôi cảm thấy văn hóa văn nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của chiến sĩ, cổ vũ nhiệt tình cho tinh thần làm việc và nhiệt huyết của bộ đội để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…”.

Chương trình nghệ thuật khép lại với phần hợp ca của tất cả các văn nghệ sĩ và chiến sĩ tạo một cảm giác gần gũi và bền chặt, một lần nữa khẳng định tình đoàn kết, gắn bó giữa toàn quân, toàn dân. Chính khối đoạn kết không thể tách rời ấy đã làm nên sức mạnh giúp cho một đất nước từ đêm trường nô lệ “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, giành lấy độc lập tự do trong sự nghiêng mình kính phục của cả thế giới.