Khi những hồn ma không phải là điều đáng sợ nhất

(VOH) – Khi xem phim Cô Hầu Gái, khán giả sẽ không chỉ bị hù dọa bởi những hồn ma mà còn luôn cảm thấy ớn lạnh mỗi khi theo chân cô hầu gái Linh trong ngôi biệt thự ma ám của Đồn điền Sa Cát. Ngôi biệt thự ấy chính là một nhân chứng đã chứng kiến biết bao tội ác và âm mưu của con người sống trong đó.

Ngôi biệt thự lộng lẫy, xa hoa nhưng thiếu ánh sáng của sự sống; những đồ đạc sang trọng, đẹp đẽ một thời đã trở nên cũ kỹ; thời hoàng kim của các chủ đồn điền đã tàn. Ngôi biệt thự ma ám vừa là nơi tình yêu thăng hoa, cũng là nơi nỗi hận thù giết chết tình yêu. 

Với những bộ phim lấy bối cảnh xưa như Cô Hầu Gái, việc xây dựng lại một góc của Việt Nam những năm 1950 với một dinh thự của một sĩ quan Pháp, đồn điền cao su trải dài ngút tầm mắt hay một nhà máy cao su cũ là một bài toán khó và tốn kém của các nhà làm phim. Những bí mật trong việc sáng tạo nên không gian ma quái trong bộ phim kinh dị lãng mạn Cô Hầu Gái lần đầu tiên được chia sẻ cùng các khán giả tò mò qua clip hậu trường vô cùng thú vị về việc thiết kế mỹ thuật trong phim.

Đoàn phim đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm ra được bối cảnh ngôi biệt thự. Các cảnh nội của ngôi biệt thự được thực hiện tại một ngôi nhà cổ ở Bửu Long, Đồng Nai. Ngôi nhà vốn có kiến trúc Đông Tây kết hợp nhưng đã được tổ thiết kế cải tạo lại thành một biệt thự kiểu Pháp với một chiếc cầu thang lớn ở giữa nhà và nội thất hoàn toàn khác. Ngôi nhà này được biết đến với tên gọi “nhà lầu ông Phủ”.

Đây là một ngôi biệt thự cổ với gần 100 năm tuổi, đã chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm của một gia đình giàu có, trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, bề ngoài của ngôi nhà cổ này lại không thuận tiện cho việc quay phim nên đoàn phim đã phải tìm một bối cảnh khác cho những cảnh ngoại của biệt thự. Cuối cùng, những cảnh bên ngoài của ngôi biệt thự đã được quay tại Dinh Tỉnh trưởng Gò Công ở Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Đây là một trong những công trình kiến trúc đầu tiên của Pháp tại các tỉnh miền Nam khi thực dân Pháp bắt đầu đặt nền móng đô hộ ở Việt Nam. 

 “Ngôi biệt thự là một nhân vật sống của bộ phim”

Đó là lời khẳng định của Jose Mari Pamituan – Thiết kế Mỹ thuật cho Cô Hầu Gái. Anh cho biết: “Dinh thự này không chỉ ‘góp mặt’ trong các cảnh phim mà còn có mối liên hệ chặt chẽ tới tâm lí, nỗi sợ hãi và cảm xúc của các nhân vật.”

Vì thế, anh muốn xây dựng một không gian tinh tế, ý nhị, không quá phô trương để truyền tải tất cả các yếu tố đó. Quả thực, những mảng giấy dán tường với tông màu trầm tối, hoa văn bí ẩn, sang trọng nhưng u uất, những căn phòng xa hoa nhưng lạnh lẽo thiếu sức sống, những bức chân dung các thành viên gia đình người Pháp với ánh mắt vô cảm… tất cả đều khiến cho khán giả cảm thấy ớn lạnh mỗi khi dõi theo Linh trong ngôi biệt thự. Ngôi biệt thự của đồn điền Sa Cát trở thành một nhân vật với những bí ẩn vượt thời gian, luôn nhắc nhở cô hầu gái Linh rằng cô không chỉ có một mình ở đó!

Căn phòng của phu nhân Camille – nơi khởi nguồn bi kịch

Dù chỉ xuất hiện thoáng qua trong lời kể của bà bếp Ngô nhưng căn phòng của vị nữ chủ nhân quá cố vẫn khiến người xem bị ám ảnh. “Căn phòng như một vật thể sống, nó thay đổi theo từng thời kì khác nhau của ngôi biệt thự. Đây là bối cảnh khó khăn nhất về mặt thiết kế và thực hiện.” – Chuyên gia Thiết kế Mỹ thuật Jose chia sẻ.

Khi phu nhân Camille còn sống, căn phòng phong cách Châu Âu thế kỉ 19 ngập tràn ánh sáng của hạnh phúc. Lúc Camille đau khổ, căn phòng dần trở nên u ám và đen tối cùng với nỗi cuồng điên của cô. Mười năm sau đó, căn phòng ấy phủ đầy bụi bặm của quên lãng, nhưng có một thứ luôn tồn tại, ẩn giấu đâu đó trong căn phòng, đó chính là tình yêu và nỗi đau của phu nhân Camille.

Nhà máy cao su – nhân chứng của tội ác

Không giống như nơi ở của ngài Đại uý xa hoa, nhà máy cao su trong phim mang tới cho khán giả cảm giác bất an về những hiểm họa đang rình rập ở nơi đây. Đây là một nhà máy đã tồn tại qua hàng thập kỷ, nó là nhân chứng sống đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử. Jose cho biết khu nhà được bảo tồn khá nguyên vẹn với 70% công trình vẫn có thể đưa vào sử dụng.

Điều này góp phần tạo nên sự sống động và chân thật cho những cảnh quay rùng rợn ở đây. Nhà máy cao su là một bối cảnh mà việc ghi hình của đoàn phim đã gặp phải rất nhiều khó khăn vì không gian bất tiện, tối tăm và ẩm thấp, cộng thêm thời tiết nóng nực ngột ngạt của lò than được đốt lên để tạo khói. Bối cảnh này mà cũng là thách thức lớn với các diễn viên khi ghi hình.

Cô Hầu Gái lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về một cô hầu gái tên Linh đến làm việc trong biệt thự của Đồn điền Sa Cát. Ngôi biệt thự lộng lẫy nhưng u ám bởi những lời đồn về những hồn ma của người vợ quá cố của ông chủ và những phu đồn điền bị sát hại. Và chính câu chuyện tình yêu của Linh và ông chủ Sebastien Laurent đã đánh thức những linh hồn oán giận trong khu đồn điền…

Phim khởi chiếu từ ngày 16/9/2016.