Đường Sách Ất Mùi 2015: Dấu ấn 40 năm và biển đảo

(VOH) - Cùng với đường hoa, Lễ hội Đường Sách cũng là một điểm nhấn tạo được sự thu hút đặc biệt của đông đảo người dân và du khách trong mỗi dịp đầu xuân.

Với chủ đề “Bản sắc Việt - Hào khí Việt Nam”, đường sách năm 2015 sẽ được tổ chức thành 4 khu chuyên đề: Dấn ấn lịch sử - Sài Gòn - TPHCM, Tự hào - Con người thành phố mang tên Bác, Biển đảo thiêng liêng, Thành phố hội nhập. Ngoài ra, du khách còn có thể lần giở được những trang sách có tuổi đời hàng trăm năm, những mộc bản có một không hai hiện nay do các nhà sưu tầm đóng góp vào lễ hội đường sách lần này.

Ngày khai mạc Lễ hội Đường Sách cũng diễn ra đồng loạt với Lễ hội Đường Hoa, từ ngày 16 - 22/2 (tức 28 tháng Chạp đến ngày mùng 4 Tết). Để cung cấp thêm thông tin về những hoạt động của lễ hội đường sách Tết Ất Mùi 2015, phóng viên Đài có cuộc trao đổi với ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TPHCM.

Lễ hội Đường Sách mừng Xuân Giáp Ngọ 2014. Ảnh: Lan Hương

* Trước hết, ông có thể cho biết, đâu là điểm nhấn nổi bật của Lễ hội Đường Sách 2015?

- Ông Lê Thái Hỷ: Điểm nhấn của Đường Sách trong năm 2015 là luôn luôn bám vào chủ đề xuyên suốt của Đường Hoa và Đường Sách, tức là Bản sắc Việt và Hào khí Việt Nam. Chúng tôi chia các chủ điểm của sách ra thành các chuyên đề. Chuyên đề về Dấu ấn Sài Gòn - TPHCM. Chúng ta đều biết, năm nay kỷ niệm 40 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chuyên đề này sẽ cho người đọc những đầu sách viết về những dấu mốc quan trọng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ TPHCM. 

Chuyên đề tiếp theo về Con người thành phố mang tên Bác. Chúng ta cũng biết rằng, Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng để có được thành tựu 40 năm nay, con người đã có những đóng góp quan trọng. Chúng tôi có một khu vực như vậy do NXB Trẻ và NXB Văn hoá văn nghệ phụ trách. 

Chuyên đề thứ 3 là Thành phố hội nhập. Rõ ràng 40 năm qua, hội nhập thành phố đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học công nghệ, ngoại giao - nhất là ngoại giao các nước ASEAN khi mà năm 2015, chúng ta đã có một cộng đồng chung như vậy. Đặc biệt là chuyên đề về biển đảo là chuyên đề mà chúng tôi đã dựng xuyên suốt trong mấy năm qua trong các lễ hội đường sách để cung cấp cho bà con những hình ảnh tư liệu mới nhất về chủ quyền biển đảo, cũng như là cuộc đấu tranh của toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn mang đến cho người dân 3 khu sách đặc thù. Trước hết là sách về thiếu nhi. Chúng tôi luôn luôn thấy rằng: thiếu nhi là đối tượng cần được quan tâm. Thứ hai là khu vực sách hay và sách quý. Đây là một trong những nỗ lực của những nhà sưu tầm sách, những nhà làm sách rất tâm huyết. Bạn đọc có thể thấy ở đây những xuất bản phẩm của Sài Gòn những năm xưa cách đây 100 năm, hay là những mộc bản cách đây 300 năm cũng sẽ được mang ra trưng bày ở đường sách để cho mọi người thấy được sức sống của văn hoá và từ đó phải làm sao chúng ta có thể gìn giữ và phát huy được những bản sắc văn hoá về văn hoá đọc này. Một khu nữa cũng rất hay là sách điện tử và sách cho người khiếm thị. Đó là hoạt động mà chúng tôi thấy, với công nghệ hiện đại chúng ta không thể không chiếm lĩnh. Và những người khiếm thị là những đối tượng mà chúng ta cần phải hướng tới, có nhiều đầu sách rất mới cho họ. Cùng với FPT, Thư viên Khoa học tổng hợp sẽ có những hình thức để tuyên truyền cho những xuất bản phẩm ở khu vực này.

* Với chủ đề “Bản sắc Việt - Hào khí Việt Nam”, người đọc rất tò mò về chiều dài lịch sử đất nước ở chủ đề Đường Sách năm nay, ông có thể nói rõ hơn mộc bản và những cuốn sách cổ sẽ làm rõ chủ đề này như thế nào?

- Ông Lê Thái Hỷ: Thật ra, chủ đề “Bản sắc Việt - Hào khí Việt Nam” muốn nói đến quá trình 40 năm vừa qua của TPHCM, như tôi đã đề cập, nó phản ánh qua các khu vực chuyên đề. Còn các mộc bản, sách hay, sách quý thì chúng tôi muốn nhấn đến khía canh phát triển văn hoá của một đô thị không phải là lâu đời những có một hoạt động văn hoá đọc khá đa dạng, sôi động. Đó chính là những nền tảng rất quan trọng cho sự phát triển tiếp theo của TPHCM trong thời gian tới và chúng ta cần phải phát huy gia sản đó của cha ông, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế và khoa học công nghệ sau này.

* Năm ngoái, trong Lễ hội Đường Sách có một cuốn sách rất đặc biệt của NXB Thái Hà có tựa đề “TPHCM - Thành phố tôi yêu”. Năm nay, thành phố kỷ niệm 40 năm giải phóng và thống nhất đất nước, vậy có những sách nào đặc biệt cho chủ đề này?

- Ông Lê Thái Hỷ: Năm nay, theo chỉ đạo của UBND Thành phố, NXB Tổng hợp có thực hiện cuốn sách “TPHCM phát triển, hội nhập”. Đây là một cuốn sách rất đặc sắc sẽ ra mắt bạn đọc đúng ngày khai mạc Lễ hội Đường Sách này. Hy vọng người đọc và báo chí sẽ đến và ủng hộ cho cuốn sách này.

* Thưa ông, năm nay cũng là năm mà Đường Hoa, Đường Sách tạm thời dời về địa điểm mới là trên đường Hàm Nghi. Không gian mới này có những thuận lợi và khó khăn gì cho việc thiết kế không gian cho Đường Sách năm nay?

- Ông Lê Thái Hỷ: Thật ra, vị trí, địa điểm tổ chức Đường sách năm nay là lí do khách quan đưa ra. Tức là UBND TPHCM đang sửa chữa con đường Nguyễn Huệ cho nên cả Đường Hoa và Đường Sách đều ra đây. Cái khó mà chúng tôi nghĩ lớn nhất là không gian ở đấy lớn hơn ở đường Ngô Đức Kế, Mạc Thị Bưởi vốn nhỏ và dễ thiết kế và có nhiều cây cối tạo bóng mát. Ở đây, chúng tôi sẽ cố gắng làm sao để che nắng, tạo bóng mát cho thuận tiện để người dân đến tham quan. Ngoài ra, khó khăn nữa là chúng tôi sẽ làm sao phải phối hợp chặt chẽ với Ban tổ chức đường hoa để có được những dịch vụ, phục vụ cho người dân tốt nhất như gửi xe thế nào, vệ sinh ra sao, phòng cháy chữa cháy thế nào... Những việc này đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực phối hợp với Ban tổ chức Đường hoa để có thể tạo ra những dịch vụ tốt nhất cho bạn đọc.

* Cảm ơn ông!