Du lịch trên sông Đồng Nai: Nói dễ làm khó!

(VOH) - Với lợi thế về nguồn tài nguyên du lịch phong phú, nằm trên đầu mối giao thông quan trọng của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có nhiều thuận lợi trong việc thu hút du khách. Nhưng những năm qua, hoạt động du lịch của Đồng Nai vẫn còn kém phát triển.

Với chiều dài 635 km, sông Đồng Nai là con sông lớn nhất miền Đông Nam bộ, sẽ là nguồn tài nguyên lớn cho du lịch. Dọc chiều dài sông, ngoài các thắng cảnh hai bên bờ như cầu Ghềnh, đền thờ tướng quân Nguyễn Hữu Cảnh, phong cảnh mênh mang sông nước Cù lao Phố…còn có những quần thể di tích, danh thắng đa dạng như Vườn Quốc gia Cát Tiên, Làng bưởi Tân Triều, Văn miếu Trấn Biên…đủ làm ngây ngất lòng người. Do đó, nếu tuyến du lịch đường sông được mở, khách du lịch có thể từ tuyến du lịch đường thủy rồi lên đường bộ, tham quan thắng cảnh theo các trục đường sắt Bắc Nam, Quốc lộ 1A, 51, 20 đang được nâng cấp, sửa chữa.

Để phát triển tuyến du lịch trên sông, ghe, thuyền chở khách tham quan phải thật sự đảm bảo an toàn cho du khách. Ảnh: ttxtdldongnai

Tuy nhiên, khi viễn cảnh du lịch dọc sông Đồng Nai được vẽ nên, nhiều chuyên gia cũng như những người đứng đầu ngành du lịch tỉnh Đồng Nai thừa nhận để thực hiện chiến lược này sẽ gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Quyết – Phó Giám đốc Sở VHTT và Du lịch Đồng Nai cho hay: đánh giá việc làm du lịch trên sông là ý tưởng hay nhưng quả thật, gặp rất nhiều khó khăn trong hoàn cảnh hiện tại. Muốn làm du lịch tốt thì phải giữ được dòng sông thật đẹp, điều này phải có sự phối hợp của nhiều địa phương. "Việc phát triển du lịch sông Đồng Nai là sự đau đáu của người dân cũng như lãnh đạo tỉnh từ lâu. Để phát triển, thứ nhất là cơ chế chính sách, thứ hai là sản phẩm của các tour du lịch sông Đồng Nai. Tôi cho rằng, vấn đề lớn cần đặt ra là thủ tục để xây dựng được những bến tàu ghe thuộc về du lịch. Do đó, về phía Sở VHTT và DL của tỉnh Đồng Nai, chúng tôi sẽ rà soát toàn bộ những nội dung để tiếp tục kiến nghị với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai. Có những vấn đề liên quan đến các sở, ngành như công an đường thủy, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, Sở LĐTBXH,...thì cần phải phối hợp để có được những bến bãi ngay, điều đó là cần thiết" - ông Nguyễn Văn Quyết nói.

Bên cạnh đó, để phát triển tuyến du lịch trên sông, ông An Sơn Lâm – Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn giao thông đường thủy và tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch. Không phải vô căn cứ mà nhiều người liên tưởng đến những thảm họa trên mặt nước như vụ chìm tàu Dìn Ký ở Bình Dương hay vụ chìm canô thảm khốc tại Cần Giờ (TP HCM) thời gian qua, bởi hiện ghe chở khách tham quan tại sông Đồng Nai chưa thật sự đảm bảo an toàn cho du khách.

Còn những chuyên gia về bảo vệ môi trường sông Đồng Nai đánh giá việc phát triển du lịch phải dựa trên vấn đề làm thế nào giảm thiểu việc hủy hoại con sông này như thủy điện, nạn “cát tặc” và ô nhiễm chưa được khắc phục. Tiến sỹ Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu nhấn mạnh: "Rõ ràng chúng ta đang phải đối mặt với một câu chuyện là con cháu chúng ta không được hưởng những con sông trong lành như trước đây, các con sông VN hiện nay đang trong tình trạng ô nhiễm. Do đó, đây cũng là một trong những câu chuyện đau đầu và đau đáu với những người như chúng tôi".

Định hướng cho tuyến du lịch trên sông đi vào hoạt động, một số người còn băn khoăn về tính hiệu quả của việc phối hợp du lịch trên sông với các quần thể di tích, thắng cảnh khác trên địa bàn vì thực tế cho thấy những “điểm đến” này hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ông Ngô Minh Châu – Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ Long Biên lưu ý, không nên đầu tư dàn trải, mà nên tập trung vào những gì sẵn có.

Cảnh sinh hoạt của những người phụ nữ làng bè trên sông lúc chiều buông. Ảnh: dulichgo

Ông Nguyễn Tấn Hồng Hải - Công ty TNHH Du lịch Cồn Phụng cho rằng, phần lớn các khu du lịch hiện nay ở Đồng Nai mới chỉ phát triển được các loại hình dịch vụ du lịch trong ngày, điển hình như các Khu du lịch Thác Giang Điền, Vườn Xoài…Các loại hình lưu trú dài hạn rất hạn chế, vì vậy số du khách đến đây không đáng kể: "Đồng Nai sở hữu một tiềm năng rất tuyệt vời, nhưng khó khăn trước mắt là hệ thống tàu, bến đỗ khách chưa được an toàn. Tàu bè thì chất lượng chưa cao. Điểm đến thì còn hoang sơ, bên cạnh đó, chưa có sự gắn kết giữa những người chủ của từng điểm để tạo ra một chương trình mà khách đi từ điểm này qua điểm kia phải có lịch trình gắn kết với nhau, các chủ điểm chưa có sự bắt tay với nhau để cùng xây dựng tuyến điểm hợp lý".

Bà Ngô Thị Quỳnh Xuân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn nêu vấn đề, với các thế mạnh về dịch vụ du lịch giải trí hiện đại khiến dịch vụ du lịch giải trí ở Đồng Nai khó lòng cạnh tranh được. Nguồn nhân lực làm nghiệp vụ du lịch và các dịch vụ đi kèm ở Đồng Nai vừa thiếu vừa yếu. Thiếu từ cấp thấp đến cấp cao và yếu hẳn so với các địa phương khác. Đây là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến dịch vụ du lịch của tỉnh nhà.

"Nếu muốn phát triển du lịch sông Đồng Nai thì cần có một chặng đường, một kế hoạch rõ ràng và đồng lòng. Nhà nước cần có sự đầu tư nhất định, hỗ trợ cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai về bến bãi, tàu thuyền cũng như là hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch khác muốn đến đầu tư trên sông Đồng Nai. Bên cạnh đó, cũng cần đào tạo người làm du lịch trực tiếp, cũng như người dân địa phương trong vấn đề bảo vệ môi trường, tự nhiên thì sông Đồng Nai mới trở thành tuyến du lịch hấp dẫn", bà Quỳnh Xuân gợi ý.

Từ những ý kiến trên cho thấy Đồng Nai có nhiều điểm đến nhưng dịch vụ kèm theo còn chưa đáp ứng nhu cầu của du khách nhất là với loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Và cũng chưa thấy những điểm nhấn làm nổi bật lên đặc trưng thương hiệu du lịch Đồng Nai. Nói như thế không có nghĩa là Đồng Nai hoàn toàn không có lợi thế nào để có thể đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một rừng Nam Cát Tiên giàu có về sản vật, một sông Đồng Nai hiền hoà, thơ mộng với các cù lao xanh mát, một Chiến Khu D với lịch sử hào hùng…Và lợi thế trên vẫn chỉ đang ở dạng tiềm năng.

Vậy làm sao để tìm được một sản phẩm du lịch đặc thù cho tỉnh Đồng Nai, để nhắc tới nó, người ta sẽ nghĩ ngay đến một Đồng Nai mà không lẫn với các địa phương khác? Rõ ràng hiện nay để tìm ra sản phẩm du lịch đặc thù là rất khó. Và không phải gợi ý nào cũng có thể thực hiện ngay được mà còn do cơ chế được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Nếu nhìn vấn đề dưới góc độ du lịch thì chưa thể đảm bảo hài hòa với các vấn đề khác. Mà cần rà soát lại công tác quy hoạch tốt hơn để doanh nghiệp có thể phát triển du lịch hài hòa với các bên.