Tự chặt chân tay lừa lấy 3,5 tỷ - tiếng chuông cảnh báo

(VOH) - Lần đầu tiên ở Việt Nam, cơ quan chức năng đã phát hiện ra việc dựng hiện trường giả vụ tai nạn đường sắt nhằm mục đích chiếm đoạt tiền bảo hiểm.

Ở các nước, việc dựng hiện trường giả các vụ tai nạn, thậm chí dàn cảnh giết chính mình không đạt nhưng gây thương tích để chiếm đoạt tiền bảo hiểm là chuyện xảy ra thường xuyên nhưng đa số bị các cơ quan điều tra phát hiện. Từ các vụ tự tử, đốt nhà, đốt cửa tiệm của mình, tai nạn ô tô, đánh nhau… để qua mặt công ty bảo hiểm đều không phải là chiêu lường gạt mới của tội phạm.

Ngoài cơ quan điều tra thì các cơ quan bảo hiểm cũng có đội ngũ điều tra xác minh, giám định riêng của mình tội phạm rất khó mà qua mặt.

Trường hợp của N chủ ý hủy họai thân thể, tự biến mình thành người tàn tật thì quả là điều hiếm thấy nhất là N lại là phụ nữ !

Lần theo hoàn cảnh gia đình của N người ta mới biết N vốn là một cô gái người dân tộc quê ở Tuyên Quang, lấy chồng ở xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà nội. N đã có 2 con gửi tại nhà ông bà nội. Về Hà Nội buôn bán N thua lỗ, thiếu nợ dẫn đến dám làm một việc "kinh khiếp" !

Gần đây, có vụ án Phàn Mùi Mấy, 25 tuổi người dân tộc ở Hà Giang giết... 3 con đẻ của mình, đốt nhà rồi trốn vô rừng chỉ vì cãi nhau với chồng ! Hành vi của Phàn Mùi Mấy tàn ác, thiếu suy nghĩ. Giữa Mấy và N có một điểm chung đó đều là những cô gái người dân tộc học vấn hạn chế. 

Có thể trình độ học vấn là điểm mấu chốt để lý giải câu chuyện. N cũng không biết dấu tích của tai nạn đường sắt sẽ khác hẳn với việc chặt chém. Càng không thể hình dung, nếu lừa được hơn 3 tỷ, cuộc sống của N như thế nào khi tàn tật, không có khả năng chăm sóc con cũng như tự bảo vệ mình.

               Nơi xảy ra vụ chặt chân tay của Lý Thị N

Rất may cơ quan điều tra đã phát hiện kịp thời, N chưa nhận được tiền từ cơ quan bảo hiểm nên chưa cấu thành hành vi chiếm đoạt, trục lợi từ tiền bảo hiểm. Cơ quan điều tra không khởi tố vụ án.

Ngược lại, nếu như khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì N còn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm của mình và vướng vào vòng tù tội là điều chắc chắn.

Rõ ràng, trình độ học vấn đã không lường trước mọi việc. 

Lý thị N  khai nhận tại cơ quan điều tra.

Việc chặt chân tay để chiếm đoạt tiền bảo hiểm đúng nghĩa đen và nghĩa bóng là “tiền mất - tật mang”.

Qua 2 vụ án trên, việc nâng cao học vấn, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên người dân tộc đặc biệt là phụ nữ cần phải được xem trọng. Vụ án cũng là tiếng chuông cảnh báo loại tội phạm trục lợi, chiếm đoạt tiền bảo hiểm đã manh nha tại Việt Nam với mức độ liều lĩnh cao nhất.