Thủ tướng Nhật Bản thăm Ấn Độ - Một thông điệp mới?

(VOH) - Thủ tướng Nhật Bản vừa có chuyến công du 2 ngày (13-14/9) tới Ấn Độ trong một nỗ lực thúc đẩy hợp tác với New Dehli. Chuyến thăm được cho là mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Nhật - Ấn, đồng thời là bước tiếp theo trong lộ trình kết nối với khu vực Đông và Nam Á của Thủ tướng Abe. Trong bối cảnh đối trọng lớn hàng đầu của cả Nhật Bản và Ấn Độ là Trung Quốc đang tăng cường mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, chuyến thăm gửi tới khu vực những thông điệp mới.

Trước hết, phải nhấn mạnh rằng Nhật Bản và Ấn Độ cùng có nhiều điểm chung. Thứ nhất, cả hai đều là những nền kinh tế lớn trên thế giới với tầm ảnh hưởng nhất định trong khu vực. Thứ hai, Nhật Bản và Ấn Độ cùng có chung bất đồng chủ quyền với Trung Quốc và không phải là thành viên của sáng kiến “Vành đai con đường" do Trung Quốc khởi xướng. Thứ ba, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc về địa chính trị và coi Bắc Kinh là đối trọng.

Đây là những lý do khiến Nhật Bản và Ấn Độ xích lại gần nhau. Trong chuyến thăm Ấn Độ 2 ngày qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ký một số thỏa thuận mở rộng hợp tác về quốc phòng, an ninh hàng hải và đầu tư cũng như thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng kết nối. Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Nhật bản đã tham gia lễ động thổ xây dựng hành lang đường sắt cao tốc đầu tiên của Ấn Độ nối trung tâm thương mại Mumbai với thành phố Ahmedabad ở bang Gujarat, quê hương của Thủ tướng Ấn Độ Modi. Tuyến đường sắt này trị giá 17 tỷ đô la Mỹ, với 81% số vốn vay từ Nhật Bản. Nhật Bản còn cam kết sẽ hỗ trợ Ấn Độ thúc đẩy chương trình “Made in India”, tăng tốc nền kinh tế Ấn Độ và giúp New Dehli mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều thị trường khác mà Tokyo có ảnh hưởng.

Giới phân tích cho rằng, việc Thủ tướng Nhật Bản hỗ trợ Ấn Độ xây đường sắt cao tốc không chỉ thể hiện thiện chí của Tokyo với New Dehli, mà còn nhằm gửi thông điệp ngầm tới Trung Quốc vốn đang nỗ lực đầu tư vào lĩnh vực đường sắt tại châu Á nhưng chưa thành công.

Tuy nhiên, đường sắt cao tốc mới chỉ là một điểm nhấn giữa Nhật bản và Ấn Độ, mà xa hơn là hiện thực hóa tham vọng kết nối tầm ảnh hưởng Nhật-Ấn với dự án Hành lang tăng trưởng Á – Phi. Đây là một dự án chung do Ấn Độ - Nhật Bản cùng khởi xướng và đổ vốn đầu tư vào châu Phi với tham vọng kết nối 2 châu lục Á-Phi bằng đường bộ. Đây cũng là dự án-đối trọng với sáng kiến “Vành đai và con đường” mà Trung Quốc đang triển khai.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Modi. Ảnh: AP

Những gì đang diễn ra cho thấy: sự kết hợp giữa một bên là chính sách kinh tế quyết đoán và tinh tế mang đậm dấu ấn của Thủ tướng và một bên là những chủ trương cải cách kinh tế mạnh mẽ và đầy tham vọng của Thủ tướng Modi sẽ mang lại luồng sinh khi mới cho hai nền kinh tế này cũng như giúp họ đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang đặt ra nhiều mối đe dọa tiềm tàng, Nhật Bản đang nỗ lực hồi sinh tầm ảnh hưởng ở Châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điều khiến Nhật Bản lo lắng nhất chính là sự tác động ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực. Với Ấn Độ, khi những lo lắng về tham vọng của Bắc Kinh chưa dứt, thì việc Trung Quốc mới đây mua đứt cảng  Hambantota của Sri Lanka, qua đó thít chặt “chuỗi ngọc trai” quanh Ấn Độ Dương và gây hấn với Ấn Độ ở khu vực biên giới Đôn-klam hồi tháng 6 năm nay, khiến New Delhi bừng tỉnh nhận ra rằng, Trung Quốc không chỉ muốn “lấn lướt” Ấn Độ mà còn muốn biến Ấn Độ thành sân sau của mình.

Ở một góc nhìn khác, từ mối bận tâm chung là Trung Quốc, có thể thấy rõ sự điều chỉnh trong chiến lược đối ngoại của Nhật Bản. Năm 2012, kể từ khi tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc leo thang, Nhật Bản đã chuyển dần trọng tâm đầu tư sang khu vực Đông và Nam Á, với các khoản đầu tư cao gấp 3 lần so với thị trường Trung Quốc. Ngoài kinh tế, Nhật Bản còn thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác với các nước khác trong khu vực, như các chương trình đào tạo lực lượng bảo vệ bờ biển cho hải quân Indonesia và Malaysia. Riêng với Ấn Độ, kể từ năm 2015, Nhật Bản đã trở thành thành viên thường trực tham gia cuộc tập trận hải quân chung thường niên mang tên Malabar cùng Ấn Độ và Mỹ.

Rõ ràng, yếu tố Trung Quốc đang xuất hiện trong hầu hết các lĩnh vực hợp tác mà Nhật Bản muốn kết nối với Ấn Độ, mặc dù Thủ tướng Abe và Thủ tướng Modi không bao giờ tuyên bố trực tiếp về điều này. Mục tiêu sâu xa trong các bước đi của Nhật Bản cũng là nhằm kiềm chế sự gia tăng hiện diện nhanh chóng và ngày càng rộng khắp của Trung Quốc. Hiện nay, trọng tâm an ninh của Nhật Bản là Biển Hoa Đông, Biển Nhật Bản và các vùng biển ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Senkaku của Nhật Bản (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) với những căng thẳng và bất đồng liên tục gia tăng càng khiến Nhật Bản nâng cao cảnh giác. Bối cảnh khách quan khiến hai nước Nhật Bản và Ấn Độ xích lại gần nhau hơn, khi Ấn Độ và Trung Quốc cũng đồng thời tuyên bố chủ quyền đối với bang Arunachal Pradesh và bất đồng về chủ quyền đối với cao nguyên Đôn-klam. Nhận định về chuyến thăm, báo chí quốc tế cho rằng chuyến công du Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đánh dấu một sự khởi đầu mới cho kỷ nguyên quan hệ hai nước.

Có thể nói chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Abe lần này một mặt nhằm mở rộng hợp tác kinh tế, chiến lược và quốc phòng với Ấn Độ, mặt khác là tìm kiếm những điểm chung giữa chính sách “Hướng Đông” của Thủ tướng Modi và chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Thủ tướng Abe. Tất nhiên, các thỏa thuận và cam kết mới được ký kết giữa Nhật Bản và Ấn Độ sẽ khiến Trung Quốc “không vui”. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải chấp nhận những “thông điệp ngầm” ấy bởi nếu không có những toan tính, tham vọng của Bắc Kinh, thì cũng sẽ không có cuộc đua cạnh tranh ảnh hưởng ráo riết từ Nhật Bản và Ấn Độ.