Thấy tai nạn giao thông: Làm sao cho trọn?

(VOH) – Sau những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, câu chuyện thường được dư luận đặt ra “Nhiều người không giúp đưa nạn nhân đi bệnh viện”. Người bảo như thế là vô cảm, người lại nói cứu người sai cách thì còn hại hơn. Tranh cãi cứ thế kéo dài.

Không cứu giúp người bị tai nạn giao thông bị xử lý thế nào?

Theo điểm đ khoản 3 điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. sẽ phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức khi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó, Điều 102 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 có quy định về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng như sau:

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Pháp luật Việt Nam quy định rất rõ về hành vi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông. Tuy nhiên trên thực tế rất khó áp dụng khi nhiều người chỉ đứng xem hay từ chối trợ giúp lúc tai nạn xảy ra.

Hiện trường vụ tai nạn tại Ái Mộ sáng 29.2 - Ảnh: TNO

Xin đừng ngại liên lụy hay phiền phức!

Vụ tai nạn xe Camry làm 3 người chết mới đây không chỉ khiến nhiều người bàng hoàng mà còn bức xúc vì không một xe nào dừng lại để trợ giúp cháu bé nguy kịch vào viện.

Những biện minh vì ngại phiền phức, liên lụy mà nhiều người đưa ra có quan trọng bằng chính tính mạng của đồng loại chúng ta đang thoi thóp, đang rất cần những bàn tay chìa ra giúp đỡ?

Liệu rằng những người đi qua tai nạn có thanh thản không khi hay tin cháu bé mình từng nhìn thấy đã không còn cơ hội sống?  

Vì biết đâu, chỉ cần đưa nạn nhân đi bệnh viện nhanh nhất, dù sớm 5 phút, cũng có thể qua khỏi cơn nguy kịch.

Và biết đâu, một lúc không may nào đó chính chúng ta là nạn nhân của tai nạn giao thông. Thế nên, người với người hãy chia sẻ, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn.

Nhiều người bối rối khi chứng kiến tai nạn giao thông. Ảnh minh họa: Internet

Giúp người không đúng hóa thành hại người

Vô cảm, không quan tâm hay hiếu kỳ tò mò, chụp hình, quay phim gây cản trở cho công tác cấp cứu … đều là những điều không nên. Tuy nhiên, thực tế đặt ra rằng việc giúp đỡ người bị tai nạn đôi khi lại khiến họ nguy hiểm hơn nếu sơ cấp cứu ban đầu không đúng cách hay quá nhiệt tình sốt sắng, sơ cứu thô bạo. 

Gặp người bị tai nạn giao thông, Tiến sỹ bác sỹ Đỗ Quốc Huy, phó giám đốc bệnh viên nhân dân 115, Trưởng Bộ môn Hồi sức Cấp cứu Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch lưu ý:

  • Đầu tiên, khi chứng kiến một vụ tai nạn giao thông nặng, cần phải gọi nhanh số 115 – Trung tâm cấp cứu.
  • Trong khi chờ lực lượng chuyên nghiệp đến cấp cứu, nếu có kiến thức và kinh nghiệm sơ cứu, chúng ta có thể sơ cứu nhanh nhưng phải hết sức cân nhắc, thận trọng. 
  • Tổn thương trong tai nạn giao thông thường gặp nhất là chảy nhiều máu. Cần xem nạn nhân có chạy máu hay không và tiến hành cầm máu đúng cách nếu chảy nhiều máu.
  • Tổn thương thường gặp thứ hai sau tai nạn giao thông là tắt nghẽn đường thở. Sau khi cầm máu, cần phải thông đường thở đúng phương pháp.