Nam Bộ đầu tiên giương cao lời thề độc lập

(VOH) - Mùa Thu rồi ngày 23, Nam Bộ đầu tiên thể hiện ý chí hành động của lời thề độc lập, mở đầu hành trình cả dân tộc chiến đấu vì độc lập tự do suốt 30 năm (1945 - 1975).

72 năm về trước, chiều ngày 2/9/1945, giữa Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam mới đã tuyên bố nền độc lập của Việt Nam; Người kết thúc bản Tuyên ngôn Độc lập bằng lời thề: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải cải để giữ vững quyền tự do và độc lập”.

Lúc ấy ở Sài Gòn, hàng vạn người Nam bộ dự mít tinh mừng độc lập. Không thể tiếp sóng để nghe tiếng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Thủ đô Hà Nội, Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu đã phát biểu với nhân dân: “Việt Nam, từ một nước thuộc địa, đã trở thành một nước độc lập…Việt Nam đương tiến bước trên đường sống, sống danh dự với toàn cầu. Hôm nay, tuân theo mạng lịnh của Chánh phủ Trung ương do đồng chí Hồ Chí Minh lãnh đạo, chúng ta làm Lễ Độc lập mừng những ngày thắng lợi đầu tiên… Mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi (…). Việt Nam yêu quí của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại vòng nô lệ”. Kết thúc bài diễn văn, ông kêu gọi đồng bào “cương quyết chống mọi sự xâm lăng” và “hãy sẵn sàng chiến đấu”.

Nam Bộ đầu tiên giương cao lời thề độc lập. Ảnh tư liệu

28 ngày sau, sáng sớm ngày 23/9/1945, khi tiếng súng đang nổ ở nhiều nơi trong thành phố, Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ họp tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5) bàn định về cuộc chiến tranh vừa ập tới. Tình hình "nước sôi, lửa bỏng" không cho nhiều thời gian tính toán, đòi hỏi phải quyết đoán kịp thời, bởi quân xâm lược Pháp đã tuyên chiến. Những phương án được đặt ra, điều quan trọng là không được chần chừ do dự, cần phải có một quyết sách đáp ứng kịp tình hình và yêu cầu nhiệm vụ lịch sử. Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ quyết định: Phát động ngay lập tức cuộc kháng chiến toàn dân trên toàn Nam bộ.

Bản hiệu triệu do ông Trần Văn Giàu soạn thảo trong đêm được Hội nghị thông qua với “Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ”: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và kết thúc Lời kêu gọi bằng câu: “Cuộc kháng chiến bắt đầu !”.

Tuyên cáo của Ủy ban nhân dân Nam Bộ kêu gọi “toàn dân hãy đoàn kết bảo vệ quốc gia”, “thi hành triệt để kế hoạch phá hoại và chống quân địch”.

Truyền đơn bằng tiếng Pháp giải thích cho mọi người trong khu vực bị Pháp chiếm đóng: “Cuộc chiến tranh mà chúng tôi đang tiến hành là cuộc chiến tranh giải phóng, giống như cuộc chiến tranh mà Phong trào kháng chiến Pháp đã tiến hành chống chủ nghĩa Hitler”.

Huấn lệnh của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ Hà Nội cũng truyền đi lời kêu gọi: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp… làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục… Đồng bào phải kiên quyết, phải giữ vững sự tin tưởng ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong Ngày Độc lập”.

Ngày 26/9/1945, qua làn sóng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ khẳng định: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: "Thà chết tự do hơn sống nô lệ". Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.

Lời thề độc lập trở thành tiền hô hậu ủng, cuộc chiến bùng phát ở Sài Gòn từ ngày 23/9 nhanh chóng được toàn Nam bộ và cả nước hưởng ứng. Chỉ 2 ngày sau (25/9), một đơn vị Nam tiến của tỉnh Quảng Ngãi lên đường vào Sài Gòn tham gia trận đánh ở cầu Bình Lợi. Ngày hôm sau (26/9) đoàn tàu hỏa chở bộ đội Nam tiến của các tỉnh Bắc Bộ từ ga Hàng Cỏ (Hà Nội) chạy vào Nam tiếp sức cho quân dân Nam bộ, đi đến đâu lại nhận thêm các đơn vị Nam tiến của các tỉnh Trung Bộ vào Nam… Tại Sài Gòn, một thế trận trong đánh ngoài vây hình thành, những mặt trận lấy các cây cầu huyết mạch (Cầu Thị Nghè, cầu Chữ Y, cầu Tham Lương, cầu Bình Điền) làm chiến tuyến một mất một còn với kẻ thù; lực lượng các tỉnh xung quanh kéo vào hỗ trợ đánh địch, giam chân địch và tiêu diệt sinh lực địch; các trí thức, công chức Sài Gòn tình nguyện ra bưng biền theo kháng chiến…

Quyết định phát động Nam bộ kháng chiến từ Hội nghị Cây Mai 23/9 minh chứng rõ ràng nhất cho ý chí quyết tâm của toàn dân tộc “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ gìn nền tự do và độc lập”. Sài Gòn và Nam bộ là nơi đầu tiên trong cả nước thời hiện đại thể hiện thái độ dứt khoát bằng hành động chống chiến tranh xâm lược của Pháp hòng lập lại chế độ thuộc địa.

Những quyết định hành động từ ngày 23/9 là phản ứng tự nhiên của nền độc lập, phù hợp với tâm nguyện của mỗi người dân Việt Nam đã được hưởng tự do độc lập và đã thấm nỗi đau thương của chế độ nô lệ. Đó cũng là yêu cầu nhiệm vụ lịch sử đặt ra cho mỗi thần dân yêu nước, cho những người lãnh đạo cách mạng và đại diện chính quyền nhân dân phải có quyết sách đúng đắn, nhanh chóng, kịp thời. Quyết sách Hội nghị Cây Mai (23/9/1945) là quyết sách dân chủ bàn bạc và trách nhiệm cao, dám nghĩ dám làm của Xứ ủy Nam Bộ. Hiệu triệu của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ là mệnh lệnh kiên quyết tiến công. Quyền tự do độc lập chính là quyền chủ động tự bảo vệ, phát động kháng chiến toàn Nam Bộ và được toàn dân “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

Kháng chiến ở Nam Bộ từ những ngày đầu độc lập còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn cho cả nước trong quá trình chuẩn bị kháng chiến và bước vào kháng chiến trường kỳ. Cụ thể là kinh nghiệm về mở đầu kháng chiến từ các đô thị, tạo thế trận trong đánh ngoài vây, nghệ thuật giam chân địch ở đô thị tạo điều kiện cho việc chuyển vào kháng chiến trường kỳ…

Nam Bộ đầu tiên giương cao ngọn cờ cứu nước chống chiến tranh xâm lược từ trận chiến giữ Thành Sài Gòn ngày 17/2/1859, mở ra quá trình hàng chục năm cả nước chống xâm lăng từ 1859 đến tận những năm cuối thế kỷ XIX. Lần này từ Mùa Thu rồi ngày 23, Nam Bộ đầu tiên thể hiện ý chí hành động của lời thề độc lập, mở đầu hành trình cả dân tộc chiến đấu vì độc lập tự do suốt 30 năm (1945 - 1975).

Nhìn lại và nhìn tới, mở đầu kháng chiến để đến ngày đại thắng mùa Xuân, Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đi đầu trong xây dựng và phát triển thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh phát triển và hội nhập, đang giữ vững nền tự do và độc lập và đi tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm Mùa Thu rồi ngày 23 năm 2017