Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam năm 2017?

(VOH) - Năm 2016 trôi qua với những biến động từ các nước đã tác động lên nền kinh tế toàn cầu. Kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn một cuộc khủng hoảng tài chính, sự kiện Brexit, Hoa kỳ đã chính thức rút khỏi TPP… là những khó khăn thách thức trong năm 2017, đặt ra cho các nước trong đó có Việt Nam. Ông Nguyễn Viết Sê, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia Bộ Kế hoạch-Đầu tư trả lời phỏng vấn của VOH nhân dịp  đầu năm mới.


Ông Nguyễn Viết Sê, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Kinh tế thế giới phục hồi yếu

*VOH: Thưa ông, điểm lại những biến động trong năm 2016 về kinh tế, theo ông thì sự kiện nào mà ông cho là đáng quan tâm nhất?

Ông Nguyễn Viết Sê: Tôi nghĩ có hai sự kiện, một là kinh tế thế giới phục hồi yếu, trừ Mỹ ra vẫn phục hồi vững chắc, còn Châu Âu, Nhật đều phục hồi yếu. Trung Quốc tốc độ tăng trường vẫn chậm hơn so với kỳ vọng, từ đó tác động đến thương mại, đến các dòng đầu tư trên toàn cầu.

Sự kiện thứ hai khá bất ngờ đó là nước Anh rút ra khỏi liên minh châu Âu sau gần nữa thế kỷ gắn bó với nhau. Brexit lúc đầu tạo ra lo lắng rất lớn cho người Anh và EU và các đối tác. Họ lo rằng Anh và châu Âu sẽ có những đổ vỡ trong thương mại, vốn đầu tư, và có thể có sự đổ vỡ trong thị trường Tài Chính vì Anh là thị trường tài chính lớn nhất thế giới. Lo ngại là điều xác đáng vì đã có những dấu hiệu những ngân hàng lớn đang chờ đợi nếu không ổn thì sẽ di chuyển về NewYork hay Franfrut.

Brexit cũng sẽ tác động đến các dòng vốn đầu tư, các dòng thương mại hàng hóa giữa Anh và Châu Âu và qua đó tác động đến dòng thương mại giữa Anh, Châu Âu với các đối tác còn lại trên thế giới, tác động đến sự dịch chuyển việc làm giữa các nước trong EU. Nếu như cuộc đàm phán giữa Anh và EU bế tắc sẽ tạo ra những ách tắt cho những dòng thương mại nhất là trong bối cảnh kinh tế Châu Âu vẫn chưa thoát ra khỏi vòng suy thoái, bị tác động thêm bởi  sự kiện nầy thì chưa thể hy vọng kinh tế Châu Âu sẽ phục hồi nhanh.

Xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng

*VOH: Sự kiện Brexit có tác động như thế nào với kinh tế Việt Nam, thưa ông?

Trung tâm thông tin dự báo kinh tế xã hội của chúng tôi cũng có nghiên cứu về Brexit. Theo quan điểm chúng tôi thì nó tác động trực tiếp không lớn vì tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Anh tại Việt Nam qui mô cũng nhỏ, khoảng gần 5 tỉ USD vốn đăng ký có hiệu lực so với tổng vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam là gần 100 tỷ USD. Hơn nữa không phải Anh ra khỏi EU có nghĩa là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Anh vào Việt Nam mất hẳn.

Tác động về mặt thương mại cũng không lớn vì tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Anh chỉ chiếm 2,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, còn tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt nam từ Anh chiếm 0,5% so với tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Với qui mô như vậy thì tác động trực tiếp không lớn. Nhưng cũng có thể tác động gián tiếp qua kinh tế EU vì EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Cho nên sự kiện Brexit mà ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế châu Âu thì xuất nhập khẩu của Việt Nam với Châu Âu sẽ bị ảnh hưởng  tiêu cực, nhưng chỉ là tác động gián tiếp chúng ta cần tiếp tục theo dõi và có những điều chỉnh.

*VOH: Mới đây nhất Mỹ đã chính thức rút khỏi TPP, việc làm nầy có tác động như thế nào đến các nước còn lại trong hiệp định, trong đó có Việt Nam?

Ông Nguyễn Viết Sê: TPP chiếm 40% kinh tế toàn cầu, và một nữa thương mai toàn cầu, trong đó Mỹ là nước lớn nhất tham gia TPP nên việc Mỹ rút ra khỏi TPP chắc chắn nó sẽ có tác động theo chiều hướng tiêu cực hơn là tích cực. Ví dụ như đối với Việt Nam, nếu còn Mỹ trong TPP thì toàn bộ kênh đầu tư trực tiếp cũng như dòng thương mại từ các nước trong TPP, Mỹ vào Việt Nam và ngược lại sẽ thuận lợi hơn, được hưởng nhiều ưu đãi hơn, thông thoáng hơn, do đó kích thích tăng trường và các dòng thương mại, đầu tư tốt hơn. Nay không có nữa ta phải tìm hướng khác chứ không còn cách nào khác.

Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý, Mỹ rút ra khỏi TPP không có nghĩa là Mỹ quay lại chính sách bảo hộ đóng cửa biên giới, bảo vệ hàng hóa của họ. Tôi chỉ nghĩ họ rút ra khỏi TPP là để họ tính lại cách hội nhập sao cho có lợi cho hàng hóa Mỹ, cho người dân Mỹ. Họ muốn đàm phán lại, tính lại để hội nhập, để họ có lợi nhiều hơn chứ không phải là họ đi ngược lại xu thế hội nhập bảo hộ. Ta phải tin rằng Mỹ có ra khỏi TPP thì ta vẫn phải hội nhập.

*VOH: Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế thế giới cuộc khủng hoảng tài chính thế giới là một điều khó tránh khỏi chỉ là vấn đề thời gian. Những khó khăn từ cuộc khủng hoảng nầy, nếu xảy ra, sẽ ảnh hướng như thế nào đến kinh tế của Việt Nam?

Ông Nguyễn Viết Sê: Cần xác định là nó có khả năng xảy ra ở đâu? Nếu nói xảy ra ở Mỹ thì tôi không tin vì sức kháng cự của nền kinh tế Mỹ rất lớn, thông qua cuộc khủng hoảng tài chính 2008 ta đã thấy. Còn nếu nói ở xảy ra ở Châu Âu thì chưa có dấu hiệu vì Châu Âu vừa vượt qua khủng hoảng Tài chính sau sự kiện của Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Họ mới gượng dậy không lẽ lại đổ vỡ ngay.

Còn các chuyên gia thế giới họ nghi ngại có thể xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu ở Trung Quốc chăng vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ. Người ta lo ngại bong bóng bất động sản Trung quốc sẽ nổ, thì cũng có nghĩa là bong bóng tín dụng của Trung quốc sẽ nổ mà tín dụng của Trung Quốc có tác động lớn đến tín dụng toàn cầu. Bởi vì nợ công, nợ nước ngoài của Trung Quốc (cả chính phủ và địa phương) hiện rất lớn và Trung Quốc đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế rất có thể có những trục trặc trong quá trình nầ, sẽ gây ra đổ vỡ. Tuy nhiên, những dấu hiệu gần đây cho thấy có thể Trung Quốc có thể vượt qua được nguy cơ đổ vỡ về bất động sản, giá bất động sản Trung Quốc chưa xuống dốc. Theo tôi sự nghi ngại về xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính thế giới có nhưng không nhiều.

Hàng Xuất khẩu của Việt Nam có ảnh hưởng gì trong năm 2017?  Hình minh họa

Bất động sản, vàng ổn định?

*VOH: Thưa ông, Việt Nam cũng có những nét tương tự với Trung Quốc về sự phát triển nóng của thị trường bất động sản trong những năm qua. Ông dự báo sao về những biến động bất ngờ ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Viết Sê: Tôi thì không nghĩ đến khả năng đổ vỡ hàng loạt ở Việt Nam vì tình trạng cung vượt cầu về bất động sản đã được giải quyết khá căn cơ. Trong vòng 3 năm gần đây với gói tính dụng 30 000 tỉ, các nhà kinh doanh bất động sản đã tái cấu trúc lại sản phẩm phù hợp với thị trường. Tồn kho bất động sản nay không còn nhiều, tổng giá trị tồn hiện còn khoảng 30.000 tỉ so với trước đây là 120.000 tỉ nên cũng không ngại. 

*VOH: Trong những ngày của tháng cuối năm giá vàng có những biến động thiếu ổn định do nhiều nguyên nhân. Theo ông thì nguyên nhân nào là chính?

Ông Nguyễn Viết Sê: Giá vàng Việt nam biến động cùng chiều và chủ yếu biến động do giá vàng thế giới biến động. Giá vàng thế giới biến động thì chủ yếu theo biến động đô la và theo cung cầu vàng đầu cơ. Còn vàng trang sức, vàng cho công nghiệp, kỹ thuật, sản lượng vàng thế giới biến động không nhiều. 

Theo biến động của thị trường khi kinh tế Mỹ phục hồi tốt, khả năng lạm phát thấp nhu cầu cầm vàng ít, giá vàng sẽ xuống. Khi kinh tế Mỹ dự báo tăng trưởng thấp, kinh tế Châu Âu và kinh tế Nhật vẫn chưa thoát được khỏi suy thoái. Nhật và Châu Âu tiếp tục dùng những gói hỗ trợ, thậm chí dùng lãi suất âm để bơm tiền vào nền kinh tế thì các nhà đầu cơ vàng họ sẽ tìm thấy khả năng lạm phát khi ấy họ sẽ cầm vàng vào và kích giá vàng lên. Nguyên nhân giá vàng lên có lý do như thế.

Ba kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2017

*VOH: Các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam theo báo cáo thì hiện đã đến mức trần, đáng báo động, ông nghĩ sao về vấn đề nầy?

Ông Nguyễn Viết Sê: Hiện nay nợ chính phủ, nợ công đã chạm tới ngưỡng an toàn thậm chí có cái vượt. Tính theo thông lệ quốc tế thì ta đã vượt ngưỡng an toàn từ lâu rồi. Từ đó cho thấy có 2 việc đặt ra, một là dư địa tài chính của chính phủ để hỗ trợ cho cải cách kinh tế, chuyển dịch cơ cấu sẽ không nhiều. Cán cân ngân sách đã bội chi ở mức độ cao không cho phép cao hơn nữa…Từ cái bội chi đó đã đi kéo theo nợ cao, từ nợ cao đó đi vay trong nước, ngoài nước cũng khó. Nếu vay được thì với lãi suất cao lại kéo theo vòng xoáy nợ cao nữa càng nguy hiểm.

Dư địa tài chính của chính phủ dùng cho cải cách kinh tế, chuyển dịch cơ cấu sẽ không nhiều. Điều chính phủ quan tâm nhất hiện nay là tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn, luật pháp đồng bộ, sát với thực tiễn thu hút nhiều nguồn lực trong, ngoài nước cho xây dựng kết cấu hạ tầng. Nếu xây dựng kết cấu hạ tầng mà chỉ nhờ vào vốn ngân sách nhà nước thì sẽ không có nhiều. Nợ công đã cao như thế rồi mà cứ tiếp tục đi vay thì sẽ phải vay lãi suất cao, sẽ đẩy lãi suất trong nước lên, rất nguy hiểm cho doanh nghiệp và kinh doanh. Hầu hết trái phiếu chính phủ phát hành ra mà ngân hàng lấy tiền của dân mà đi mua trái phiếu cũng có nghĩa nguồn lực của dân không đưa vào kinh doanh, mà vào ngân sách chính phủ cho nên cũng sẽ có tác động đến tăng trưởng kinh tế. Tốt nhất, phải sắp xếp lại chi tiêu ngân sách, thu hút thêm đầu tư tư nhân và nước ngoài vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng để thay thế cho vốn ngân sách không còn nhiều vì vốn ngân sách đã tập trung cho chi thường xuyên và chi trả nợ đã gần hết.

*VOH: Nhân dịp đầu năm, ông có dự đoán nào cho kịch bản kinh tế của Việt Nam trong năm 2017, hồi phục, chậm hồi phục hay còn khó khăn diễn biến bất thường?  

Ông Nguyễn Viết Sê: Hiện nay thì tất cả các kịch bản dự báo kinh tế Việt Nam năm 2017 đã có rồi. Chúng tôi đã đưa ra 3 kịch bản thấp, cao và trung bình để trình với Bộ, Bộ trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội. Cuối cùng chính phủ chọn phương án chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6.7% kèm theo chỉ số khác về đầu tư, xuất nhập khẩu, chỉ số giá…

Tuy nhiên, có hai khía cạnh cần lưu ý theo quan điểm của tôi đó là kinh tế Việt Nam năm 2017 vẫn tiếp tục tăng trưởng khá, ít nhất cũng nằm ở tầm thứ 3, 4 ở Châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ. Thứ hai có thêm ẩn số mới đó là sau khi ông Donald Trump trúng cử tổng thống, chính phủ Mỹ sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách mà Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên chắc chắn là có những cái thay đổi mà chúng ta phải tính trước. Thứ ba là sự kiện Brexit cũng là một ẩn số mà chúng ta phải liên tục theo dõi để điều chỉnh chính sách. Nếu kinh tế Châu Âu tiếp tục suy thoái thì hàng hóa Việt Nam vào Châu Âu sẽ rất khó khăn. Tôi hy vọng Châu Âu sẽ không đổ vỡ dù Anh đã tách ra khỏi EU.

VOH: Cảm ơn ông