Con bạn được nuôi dưỡng tinh thần như thế nào?

(VOH) - Điều kiện kinh tế cho phép những đứa trẻ được chăm bẵm kỹ hơn (ăn đồ bổ, mặc đồ đẹp, học các khóa học trí tuệ, thông minh, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm).. nhưng chuyện gì đang xảy ra với những tâm hồn non trẻ?

Một đứa bé hỏi ba làm một giờ được bao nhiêu tiền? Người cha trả lời “20 đô la” với vẻ không vui. Ông bực bội hơn khi đứa nhỏ xin ông 10 đô-la. Để rồi, người cha đó lặng lòng nghe tiếng con thỏ thẻ "con đã đủ tiền mua một giờ làm việc của ba, ngày mai xin ba về sớm chơi với con!”  Con nít đang "cô đơn" ?

Thời đại công nghệ số bùng nổ, có lẽ những nhà sản xuất không ngờ rằng "con nít" lại là khách hàng cực kỳ tiềm năng. Trong những ngôi nhà, nhất là thành thị, việc các bé 2 -3 tuổi đã được chơi ipad, smarrtphone không có gì lạ.

Nó giữ những đứa trẻ không quậy phá, khóc lóc ỉ ôi. Nó giúp ông bố bà mẹ được nghỉ ngơi thoải mái. Nhưng ngày càng nhiều trẻ mắc các chứng chậm nói, trầm cảm, tự kỷ, lệ thuộc vào công nghệ.

Những đứa trẻ bị buộc cuốn vào những giờ học lê thê. Cấp học nào cũng có bán trú. Sau giờ học chính lại "nhồi" học thêm. Sau 9 tháng học lại lu bu học hè. Đến trẻ con, học để lớn mà cũng đầy áp lực.

Sự kỳ vọng cha mẹ đặt vào con quá nhiều nhưng người lớn không có thời gian trông coi chúng.

Nhiều cha mẹ gửi con đến trường với suy nghĩ "trăm sự nhờ thầy" mà quên mất con cần mình nhiều hơn bất cứ ai. Hình minh họa

Cuộc sống càng tiềm ẩn bất an, những đứa trẻ càng phải sống khép kín. Đến giao tiếp với hàng xóm cũng thận trọng, chừng mực. Cảnh trẻ con cùng xóm í ới gọi nhau tắm mưa, chơi đồ hàng, đánh trận chỉ còn trong ký ức.

Bạn của chúng ngày càng ở xa hơn, mơ hồ hơn, chỉ biết nhau qua những avatar và kiểu chia sẻ cảm xúc ai xem cũng được. Để rồi, chúng vồ vập bàn phím với chuyện trên thế giới nhưng thờ ơ với người bất hạnh ngay bên cạnh.

Những đứa trẻ ngày càng tham gia các hoạt động hướng ngoại nhiều hơn. Nhưng như một cái cây, muốn tán rộng thì gốc phải vững. Những đứa trẻ phát triển toàn diện thì tâm hồn và trí tuệ, thể chất cần được cân bằng.

Cha mẹ có đọc sách cho con? có đá banh, chơi đồ hàng cùng con? Có học cùng con? Có rủ con đi chơi với cha/mẹ? Có lắng nghe con nói không? Có được con tâm sự chuyện lớp chuyện bạn?

Chỉ tự hỏi mình bấy nhiêu đó thôi, thì sẽ biết mỗi chúng ta “nuôi” tinh thần con như thế nào.

Người lớn cũng có lúc chép miệng: "Cho tôi một chiếc vé về tuổi thơ".

Nhưng, giấc mơ tuổi thơ ấy, có chăng chính là hành động của cha mẹ với con mình ngày nay.