10 điều nghiêm cấm sinh viên- ai sẽ kiểm soát?

(VOH)- Từ ngày 23/5/2016, sinh viên có thể bị buộc thôi học nếu đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy trên mạng Internet. Liệu quy định này hợp lý và khả thi?

Theo Quy chế công tác sinh viên mới được Bộ GD&ĐT ban hành, sinh viên không được đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Internet.

Sinh viên không được hút thuốc, uống rượu, bia trong trường học; say rượu, bia khi đến lớp học; Tổ chức hoặc tham gia tụ tập đông người, biểu tình, khiếu kiện trái pháp luật; tham gia tệ nạn xã hội, gây rối an ninh, trật tự an toàn trong cơ sở giáo dục đại học hoặc ngoài xã hội; Tổ chức hoặc tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép; tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức …

Thông tư 10 quy định chi tiết về các hành vi sinh viên không được phép làm như quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi, xin điểm; học, thi, nhờ người khác học, thi hộ; sao chép khóa luận tốt nghiệp. Hình ảnh mang tính chất minh họa. 

Những hành vi này trên thực tế được quy định tại các luật và văn bản dưới luật khác. Theo luật sư Lê Tuấn Hùng (Văn phòng luật sư Cao Hồng Trang) thông tư 10 của Bộ Giáo dục–Đào tạo hoàn toàn hợp pháp, hợp lý, được ban hành đúng quy trình thủ tục và không có tình trạng chồng chéo, "lệch pha" với các văn bản luật khác.

Tuy nhiên, áp dụng vào thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề. Làm cách nào để các trường kiểm soát được hành vi của sinh viên, nhất là thông tin đăng tải trên mạng internet?

Luật sư Lê Tuấn Hùng băn khoăn về việc xác định mức độ vi phạm để đưa ra hình thức kỷ luật. Chẳng hạn, ở điều 9, khoản 1 có hai khái niệm là vi phạm mức độ nhẹ và tương đối nghiêm trọng.

Về pháp lý, khó xác định được như thế nào là nhẹ, như thế nào là tương đối nghiêm trọng. Quy định như vậy gây lúng túng cho người thực thi và dễ mang tính cảm quan, suy diễn. Mặt khác, khi không có hướng dẫn cụ thể dễ dẫn đến việc mỗi nơi áp dụng một kiểu và có thể xảy ra tiêu cực.

Ý kiến luật sư Lê Tuấn Hùng:

 

 

Thông tư số 10 của Bộ GD&ĐT có những quy định có lợi hơn cho sinh viên. Theo đó, sinh viên bị xử lý hình sự, bị phạt tù nhưng được hưởng án treo thì không bị buộc thôi học mà chỉ đình chỉ việc học có thời hạn.

Quyết định số 40/ 2007 trước đây bị buộc thôi học trong trường hợp này.