Người nước ngoài, kiều bào mua nhà ở VN cần điều kiện gì?

(VOH) - Đối với nhà riêng lẻ trong dự án phát triển nhà ở thương mại, người nước ngoài được mua không quá 10%.

(VOH) - Thính giả An gửi thư hỏi: tôi nghe nói người nước ngoài và người VN nước ngoài có thể về VN mua nhà, sở hữu nhà có đúng không? Điều kiện cần những gì và có giới hạn số lượng nhà sở hữu?

Luật sư Vũ Mạnh Hòa tư vấn:

Theo Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài, chính thức được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam. Về thủ tục để đối tượng này mua được nhà như sau :

Hợp đồng mua bán nhà ở có đầy đủ yếu tố cần thiết, tương tự như một hợp đồng mua bán nhà của người trong nước:

Họ tên các bên, các yếu tố mô tả căn nhà, giá căn nhà, thời hạn và phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên; cam kết của các bên; các thỏa thuận khác; thời điểm có hiệu lực của hợp đồng; ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng; Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải có đóng dấu và ghi rõ chức vụ của người ký…..

Trình tự, thủ tục chuyển nhượng, nội dung và mẫu văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; bên chuyển nhượng hợp đồng phải nộp thuế, lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, lệ phí.

Giá mua bán nhà ở, giá chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng, văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở; trường hợp Nhà nước có quy định về giá mua - bán nhà ở thì các bên phải thực hiện theo quy định đó.

Hồ sơ và thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu:

Hồ sơ và thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở bằng tiếng Việt và tiếng Anh theo mẫu quy định; Giấy tờ hợp lệ về quyền sở hữu nhà ở của bên bán

Đối với trường hợp mua căn hộ chung cư (trong dự án phát triển nhà ở thương mại của doanh nghiệp kinh doanh BĐS bao gồm cả trường hợp mua căn hộ hình thành trong tương lai và mua căn hộ có sẵn) thì phải có: quyết định phê duyệt dự án phát triển nhà ở thương mại của cơ quan có thẩm quyền; hợp đồng thuê đất hoặc quyết định giao đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho doanh nghiệp; Bản vẽ sơ đồ mặt bằng căn hộ; biên bản bàn giao căn hộ.

Đối với trường hợp mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho căn hộ chung cư (trong dự án phát triển nhà ở thương mại của cá nhân) phải có giấy tờ chứng nhận hợp lệ theo quy định, gồm: Bản chính Hợp đồng mua bán, tặng cho nhà ở hoặc giấy tờ về thừa kế nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam; Bản sao có chứng thực hộ chiếu nước ngoài; Biên lai nộp thuế, lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật…

Về giới hạn số lượng quyền của người nước ngoài mua nhà (sở hữu nhà) trong luật qui định:

Đối với các nhà riêng lẻ trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, người nước ngoài được mua không quá 10% hoặc 250 căn nhà trong một dự án án nhà ở.

Đối với căn hộ trong tòa nhà căn hộ người nước ngoài không được mua vượt quá 30% số căn hộ của tòa nhà.

Bạn tham khảo thêm theo bảng dưới đây về số lượng căn hộ được mua và thời hạn sở hữu nhà.

Loại nhà ở

Căn hộ + Nhà riêng lẻ (Biệt thự và nhà phố) trong các dự án nhà ở thương mại

Giấy tờ chứng minh  điều kiện sở hữu nhà

- Đ/v cá nhân: có hộ chiếu còn hiệu lực, có đóng dấu nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam.

- Đ/v tổ chức: giấy chứng nhận đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực

Số lượng nhà ở được sở hữu

-  Đ/v căn hộ: tổng số lượng cá nhân/tổ chức nước ngoài sở hữu không vượt 30% của một tòa căn hộ.

- Đ/v nhà riêng lẻ: không vượt quá 10% hoặc 250 căn nhà của một dự án nhà ở.

Thời hạn sở hữu nhà

- Đ/v cá nhân: tối đa 50 năm + gia hạn 50 năm tiếp theo

- Đ/v cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc Việt Kiều: sở hữu lâu dài

- Đ/v tổ chức: không vượt quá thời hạn của giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) + gia hạn nếu GCNĐT được gia hạn

Đọc giả có nhu cầu tư vấn xin gửi thư về:  tuvanonline.voh@gmail.com

BT (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo