TPHCM: 5 năm xây dựng nông thôn mới

(VOH) - Tuy nông nghiệp chiếm chưa đầy 1% tổng sản phẩm nội địa của thành phố nhưng 5 huyện ngoại thành là nơi sinh sống trực tiếp của trên 1,5 triệu người. Chính vì vậy, nông nghiệp - nông dân - nông thôn luôn là vấn đề trọng yếu được Thành ủy các thời kỳ đặc biệt quan tâm.

Nông thôn mới TPHCM đã thay da đổi thịt (Ảnh: cafeland)

Trong các nghị quyết của Thành ủy đều xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới là vì dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Trọng Liêm – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP cho biết: “TP khen thưởng 20 tỷ đồng cho huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 1 tỷ đồng cho xã đạt chuẩn nông thôn mới để đầu tư công trình phúc lợi”.

Mới “toàn diện” !

5 năm thực hiện, thành công của xây dựng nông thôn mới thấy rõ nhất là hạ tầng giao thông, đường sá… công trình dân sinh khang trang hơn. Xây dựng nông thôn mới còn giúp người dân làm ăn hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.  Ông Võ Văn Cương – Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM nhận định: “Thành ủy và UBND TPHCM chủ trương chuyển đổi nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị là đúng và kịp thời. Tôi tin vào khả năng tiếp thu của bà con nông dân ngoại thành để sớm đưa nông nghiệp truyền thống thu nhập, năng suất thấp sang nông nghiệp đô thị năng suất cao”.

Thành phố đã huy động gần 20.000 hộ dân hiến trên 2 triệu m2 đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Cộng đồng dân cư đóng góp hơn 97% trong tổng giá trị hơn 900 tỷ đồng đầu tư chăm lo việc học, chăm sóc sức khỏe, hoạt động văn hóa, bảo vệ môi trường. Những kết quả trên góp phần làm thay đổi cơ bản và toàn diện vùng nông thôn ngoại thành TPHCM những năm qua.

Tính đến tháng 9/2015, bình quân số tiêu chí đạt được là 18,9 tiêu chí, tăng 12 tiêu chí so với khi triển khai xây dựng đề án nông thôn mới tại các xã. UBND TPHCM đã quyết định công nhận số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 50/56 xã. Chính phủ cũng công nhận huyện Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè đạt chuẩn nông thôn mới.

Công viên Văn hóa xã Bình Chánh đáp ứng tiêu chí về Nông thôn mới (Ảnh: binhchanh.hochiminhcity.gov.vn)

Hướng đến sự bền vững !

Ông Võ Văn Thưởng – phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý: “Xây dựng nông thôn mới là một tiến trình không phải đạt 19 tiêu chí là xong mà phải kiên trì, vững chắc theo hướng bền vững. Trong đó, có những tiêu chí mà chúng ta đã đạt rồi nhưng vẫn phải chăm chút, giữ gìn, bồi đắp … Chẳng hạn như công ăn việc làm, thu nhập của người dân… Tiêu chí nào cũng vậy, nếu chúng ta không nỗ lực thì sẽ không theo kịp sự phát triển chung của xã hội. Khi không theo kịp sự phát triển chung của các huyện khác của TP thì coi như chúng ta lại thụt lùi. Chúng ta phải tập trung thật tốt trong từng tiêu chí”.

Thực tế từ các xã thí điểm xây dựng nông thôn mới giúp các xã còn lại học tập, rút ra nhiều bài học quý báu. Qua đó, mỗi địa phương, mỗi địa bàn dân cư chủ động đưa ra những cách làm hay, sáng tạo để đạt hiệu quả cao.

Ông Lê Thanh Hải – Ủy viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh: “Xây dựng hệ thống chính trị, đổi mới phương thức hoạt động của mặt trận các đoàn thể chính trị xã hội ở cơ sở, đồng thời cần tăng cường kiểm tra giám sát kết quả để qua đó, chúng ta kịp thời uốn nắn, khắc phục những hạn chế, thiếu sót…Chúng ta phát huy nhân rộng những điển hình tiên tiến qua thực tiễn”. 

Sáng 2/10, Thành ủy - UBND TPHCM đã tổ chức Tổng kết 5 năm thực hiện xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP giai đoạn 2011 – 2015. Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và đại diện Bộ NN-PTNT, ông Lê Thanh Hải – Bí thư Thành ủy cùng đại diện lãnh đạo Thành uỷ - UBND Thành phố, các sở ban ngành chức năng và chính quyền các cấp cùng đại diện người dân ở 5 huyện ngoại thành. 

Qua 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, TP đã đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng, trong đó có trên 10.000 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và khoảng 7.000 tỷ đồng còn lại hỗ trợ vốn vay sản xuất nông nghiệp.

Chính từ nguồn lực này mà hệ thống đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, trung tâm văn hoá ở khu vực ngoại thành được nâng cấp và phát triển toàn diện. Trong khi đó, thu nhập bình quân của bà con cũng tăng trên 3,3 triệu đồng/người/tháng, tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên gần 95%.

Tính đến tháng 9/2015, đã có 50/56 xã được UBND TP ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 3 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè được Thủ tướng Chính phủ ban Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hiện đang tiến hành khảo sát để tiếp tục công nhận cho huyện Bình Chánh.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, TPHCM đặt mục tiêu 56/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới và duy trì yếu tố bền vững cũng như tiếp tục nâng chất theo mặt bằng an sinh xã hội chung không ngừng được nâng lên của toàn Thành phố. Tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn này khoảng 21.000 tỷ đồng và các mục tiêu nước sạch, giáo dục, y tế sẽ được tập trung thực hiện