Nguồn nhân lực - yếu tố quyết định phát triển

(VOH) - Đài Tiếng nói Nhân dân TP phối hợp với tổ chức Công đoàn TP tiến hành lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong đội ngũ cán bộ công đoàn chủ chốt, nhà quản lý doanh nghiệp và công nhân viên chức lao động, đoàn viên công đoàn về dự thảo báo cáo chính trị đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.

 

Đại biểu góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ 10 - Ảnh: NLĐ.

Đối với mục tiêu xây dựng TPHCM sớm trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của Đông Nam Á, theo nhiều ý kiến đóng góp, điều quan trọng trước tiên là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn liền đào tạo nghề, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo. Ông Nguyễn Tài Mạnh, Chủ tịch Công đoàn Viên chức TP cho rằng: “Chương trình xây dựng nguồn nhân lực là quan trọng cốt lõi. Nếu xây dựng chất lượng con người thành công sẽ hỗ trợ nhiều phát triển. Theo tôi, xây dựng chất lượng nguồn nhân lực phải bắt nguồn từ giáo dục. Trong văn kiện cũng đề cập, làm sao để thay đổi nhận thức nâng chất lượng học nghề, đào tạo nghề để xây dựng đội ngũ nhân lực mạnh, chuyên nghiệp”.

Góp ý về chỉ tiêu đào tạo nghề cho công nhân lao động, ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP cho biết thêm: “Về chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020, tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề đạt 85% tổng số lao động đang làm việc nhưng chưa nhấn đến đào tạo lại. Trong các KCX-KCN TP hiện giờ có khoảng 300.000 lao động, sắp tới tập đoàn SamSung đầu tư vào cần tuyển thêm 100.000 lao động nữa, như vậy số lượng lao động là rất lớn. Chúng ta cũng biết phần lớn các ngành nghề lại là thâm dụng lao động thì phải đào tạo như thế nào để công nhân tiệm cận với công nghệ”.

Dưới góc độ người công tác trong ngành giáo dục, ông Lâm Trường Thoại, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng cần phải tách bạch và làm rõ sự nhầm lẫn giữa giáo dục đại học và đào tạo nghề để thay đổi quan điểm thích học làm thầy hơn làm thợ. Mặt khác, cần phải có sự phối kết hợp để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: “Về vấn đề kết hợp giữa các khối doanh nghiệp, tức là người đang sử dụng nguồn nhân lực đã đào tạo, khối tuyên truyền, khối giáo dục đào tạo phải có sự kết hợp thì mới hoàn thiện chương trình giáo dục. Theo tôi, ở cấp TP, có một đơn vị, một Sở, ngành thường xuyên tổ chức kết hợp giữa các khối để định hướng cụ thể, sát sườn hơn nữa cho giáo dục đào tạo, có chương trình đào tạo phù hợp từng lúc từng nơi”.

Đóng góp ý kiến cụ thể hơn về chất lượng nguồn nhân lực dưới quan điểm là một nhà quản lý doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó giám đốc Công ty sản xuất thương mại Uyên Phát cho rằng học là phải gắn với hành, học là phải làm được việc ngay và phải hội đủ tất cả kỹ năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không phải đào tạo lại để tránh lãng phí về thời gian, tiền của, sức lực của xã hội: “Đào tạo nguồn nhân lực. giáo dục của chúng ta quá nặng bằng cấp, có quá nhiều cử nhân nhưng cử nhân đó khi doanh nghiệp nhận vào làm việc thì thiếu kỹ năng cơ bản. Điều đó là điều khó khăn nhất khi chúng tôi muốn chuyển đổi công nghệ, trình độ quản lý, áp dụng khoa học công nghệ. Như vậy, nhân tố để phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế đó là nguồn nhân lực mạnh nhất”.

Là công nhân lao động trực tiếp sản xuất, Trần Duy Biên - công nhân công ty Dae Yun mong muốn được tạo điều kiện để học tập nâng cao trình độ, tay nghề, góp phần nâng tầm và vị thế của người công nhân. “Tôi nghĩ khoa học công nghệ ngày càng phát triển đòi hỏi người lao động phải có trình độ văn hóa, trình độ kỹ thuật tương ứng nhưng hiện nay người lao động ngày làm việc 12 tiếng thì không có thời gian học văn hóa, học nâng cao tay nghề. Do đó, mong muốn là tại các KCX-KCN phải có hội trường, phòng học để nâng cao trình độ về văn hóa tay nghề kỹ thuật. Phải mở ra những lớp để người lao động để đáp ứng nhu cầu công việc”.