TPHCM cần được đầu tư trọng điểm

(VOH) - Chiều ngày 22/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về kế hoạch tài chính 5 năm, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

Phát biểu thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, phải xác định tăng cường đầu tư trọng điểm, không dàn trải. Với những địa phương như TPHCM, Hà Nội hay những vùng phát triển khác, cần cơ chế đặc thù để phát huy hết tiềm năng. 

Đại biểu Đinh La Thăng

Theo dự toán, tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại giảm từ 23% xuống 18% giai đoạn 2017 - 2020, khiến nhiều đại biểu hết sức băn khoăn. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, bản thân bà là chủ tịch HĐND TP.HCM sẽ không biết phải phân bổ ngân sách 2017 như thế nào vì TP đã rất tiết kiệm trong chi thường xuyên, phải nói là giảm tối đa. Trong lúc xin cơ chế giải quyết khó khăn, nhiệm vụ trung ương giao xuống TPHCM đều cố gắng hoàn thành, không bàn lùi. Nhưng dồn mức độ quá khó cho TP.HCM là không ổn.

Theo bà Quyết Tâm, nếu ngân sách giảm thì chỉ còn cắt giảm việc chi đầu tư phát triển, đầu tư vô hạ tầng. Điều này để lại hệ lụy rất lớn, tác động nhiều chiều của xã hội, tác động vùng chứ không riêng thành phố. Hiện hạ tầng của TP đang quá bức bối với nhiều vấn đề về môi trường, ngập nước, giao thông, y tế… Hàng trăm ngàn sinh viên đổ về thành phố nhập học mỗi năm, rồi hàng trăm người làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, chưa kể là lao động vãng lai. Bệnh viện thì quá tải, mỗi năm thành phố xây thêm gần 15.000 phòng học nhưng vẫn thiếu… nên áp lực xã hội rất lớn. Nếu cắt giảm, tăng chỉ tiêu, nộp ngân sách quá sức, thành phố không chịu nổi.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong lúc ngân sách khó khăn, đất nước khó khăn phải xem là giải pháp đột phá chiến lược, quan trọng nhất lúc này, các bộ ngành, địa phương cũng phải giảm chi thường xuyên để tăng đầu tư trọng điểm.

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, PGĐ Sở Y tế TP, các tỉnh nguồn thu ít thì chi cũng phải ít hơn. Các tỉnh không tự chủ được về tài chính, nhưng vẫn phung phí, vẫn tăng chi thường xuyên, xây trụ sở hoành tráng thì không ổn.

Còn đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thì cho rằng, dường như cơ chế xin cho đang còn lởn vởn trong kế hoạch phân bổ, điều tiết ngân sách. Với cách phân bổ như thế này, rất khó tạo sự đột phá cho TP, thậm chí kềm hãm sự phát triển.

                                                      

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thông tin thêm, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị có nêu từ năm 2015 sẽ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM. Nghị quyết này ra đời khi thành phố đang được giữ lại 23% thu ngân sách. Do đó, việc tiếp tục dự kiến giảm là chưa phù hợp với tinh thần của nghị quyết. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Đoàn ĐBQH TP thống nhất có văn bản kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ... về việc thay đổi tỷ lệ giữ lại ngân sách của TP trong giai đoạn 2017 - 2020, chỉ giảm từ 23% xuống 21% tỷ lệ ngân sách được giữ lại.

Thành phố rất hiểu nghĩa vụ là phải chung sức cùng cả nước, vì cả nước - Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đã chia sẻ như vậy, đồng thời cho rằng Quốc hội, Chính phủ ngược lại cũng nên tạo điều kiện để TP phát triển.                                                                   

Theo Bí thư Đinh La Thăng, không phải thành phố kể khổ, nhưng trước những thách thức lớn về giao thông, môi trường, cùng nhiều vấn đề khác, cần phân tích đánh giá đúng thực trạng của thành phố để đề xuất với Quốc hội tính toán, phân bổ hợp lý, hiệu quả. Chăm lo vùng sâu vùng xa là cần thiết, nhưng cũng phải chăm chút cho đầu tàu để đoàn tàu chạy nhanh hơn.

Hồng Lĩnh

Bình luận

Đọc Báo