Chú trọng nông nghiệp hơn khi tái cơ cấu kinh tế

(VOH) - Thảo luận tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ báo cáo nhận được rất nhiều sự quan tâm. Ghi nhận những kết quả trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015, song nhiều đại biểu cũng chỉ ra, kết quả chưa thực sự rõ nét. Vì sao tái cơ cấu chưa đạt mục tiêu? Do thiếu thể chế, pháp luật, hay do khâu thực hiện? Đây là những vấn đề cần được làm rõ, để có căn cứ định hướng cho tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới. Đặc biệt, nhiều đại biểu lưu ý về vai trò tái cơ cấu và chú trọng hơn cho nông nghiệp. (Thời sự 11 giờ ngày 24/10/2016)

(VOH) - Thảo luận tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ báo cáo nhận được rất nhiều sự quan tâm. Ghi nhận những kết quả trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015, song nhiều đại biểu cũng chỉ ra, kết quả chưa thực sự rõ nét. Vì sao tái cơ cấu chưa đạt mục tiêu? Do thiếu thể chế, pháp luật, hay do khâu thực hiện? Đây là những vấn đề cần được làm rõ, để có căn cứ định hướng cho tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới. Đặc biệt, nhiều đại biểu lưu ý về vai trò tái cơ cấu và chú trọng hơn cho nông nghiệp. 

Tái cơ cấu kinh tế phải bảo đảm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, vì vậy bên cạnh vấn đề tăng trưởng phải tính đến vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng sạch cho người dân. Đây là nội dung được đại biểu Phạm Phú Quốc, đoàn TPHCM nhấn mạnh khi thảo luận tại tổ. Ông Quốc cho rằng, tái cơ cấu kinh tế giai đoạn vừa qua chưa có sự thay đổi căn bản về mô hình tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng chưa nhanh, bền vững, thực chất. Vì vậy, tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 phải bảo đảm được yêu cầu này. Từ bài học rơi vào bẫy thu nhập trung bình của các nước, Việt Nam cần vạch ra được kế hoạch, lộ trình tái cơ cấu cụ thể không đi vào vết xe đổ này:

Cũng theo đại biểu Phạm Phú Quốc, 63 tỉnh thành như 63 đứa con, nguồn lực nhà nước không thể đầu tư dàn đều, phải có sự đầu tư trọng điểm để tạo một số trung tâm kinh tế-tài chính lớn, là nơi tạo đòn bẩy, sức lan tỏa phát triển cho các vùng khác, tỉnh thành khác. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần xác định ngành nghề trọng điểm của mình, là kinh tế biển, là du lịch hay ngành gì, cần xác định Việt Nam không thể cạnh tranh về công nghiệp.

Theo ông Lại Xuân Môn, đại biểu Quốc hội đoàn Bạc Liêu, trong giai đoạn 2016 - 2020, có ý kiến phân vân giữa nông nghiệp và công nghiệp đâu là trụ đỡ của nền kinh tế?  Ông cho rằng, mấu chốt vẫn phải là nông nghiệp. Xét ở lĩnh vực nông nghiệp, trong suốt tiến trình 30 năm đổi mới vừa qua, dù đối mặt với suy thoái kinh tế toàn cầu, nông nghiệp nước ta vẫn đứng vững và thể hiện rõ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, dư địa phát triển nông nghiệp cũng còn lớn. Vì vậy, cần chú trọng hơn nữa đến tái cơ cấu nông nghiệp. Đại biểu Lại Xuân Môn chỉ ra, kết quả thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp còn tồn tại hai mâu thuẫn: Sản xuất nhỏ - thị trường lớn; đầu tư thấp - rủi ro cao. Với nông dân và hộ sản xuất nhỏ đang đối mặt với 5 khó khăn: Vốn; khoa học kỹ thuật và công nghệ; thị trường; thương hiệu nông sản; và môi trường. Ở nông thôn, còn 6 điểm nghẽn: Đất đai, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch, liên kết vùng và doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TPHCM thì cho rằng, nói cơ cấu kinh tế ưu tiên lĩnh vực này lĩnh vực khác, có điều thực tế trong khó khăn thì chính nguồn thu từ nông nghiệp cứu vãn, dù người nông dân vẫn yếu thế.

Cần cho phá sản những DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài, đại biểu Huỳnh Thành Đạt, đoàn TPHCM đề nghị như vậy và cho rằng, dù đau nhưng phải kiên quyết, tránh tình trạng chết rồi mà vẫn giữ. Nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, tái cấu trúc nền kinh tế phải xác định, xây dựng được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn; một số đô thị phát triển; ngành nghề, sản phẩm chủ lực của  Việt Nam nhằm cạnh tranh với thế giới. 

Hồng Lĩnh 

VOH

Bình luận

Đọc Báo