“Vòng đua ngoạn mục” - Thước đo kiểm chứng các cua-rơ trước thềm Đại hội TDTT toàn quốc

(VOH) - Với bề dày 21 năm, qua 17 lần tổ chức, giải đua xe đạp truyền thống Nam Kỳ khởi nghĩa đã tạo nên tiếng vang.

Sau 7 ngày tranh tài hết sức sôi nổi, lúc 11h32 phút trưa nay 18/10, 61 vận động viên tham dự Cuộc đua xe đạp Nam Kỳ khởi nghĩa 2014 đã hoàn thành chặng thi đấu cuối cùng từ Định Quán, Đồng Nai về đích tại UBND huyện Hóc Môn, cái nôi của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 74 năm về trước. 

Với lộ trình dài 130km và di chuyển liên tục trên nhiều tuyến đường khác nhau như quốc lộ 20, quốc lộ 1A và tuyến tỉnh lộ 08 trong điều kiện khó khăn về đường sá nhưng các cua-rơ vẫn thi đấu với tinh thần đầy quyết tâm. Tại đích đến, VĐV Phạm Phát Đạt của Dây cáp điện Vĩnh Thịnh - Hóc Môn đã xuất sắc cán đích đầu tiên với thời gian 3 giờ 7 phút 33 giây, làm nức lòng người hâm mộ bộ môn thể thao xe đạp; về Nhì là Hồ Hoàng Sơn của đội Thanh Sơn Hóa Nông với thời gian là 3h7phút 58 giây; cán đích ở vị trí thứ 3 là cua-rơ Lê Quang Trúc của đội Trẻ Bình Dương.

Là chặng đua cuối cùng nhưng trên thực tế, các kết quả áo Vàng, áo Xanh, áo Đỏ chung cuộc hầu như đã được xác định từ trước. Trong đó, áo Xanh chung cuộc thuộc về VĐV Nguyễn Thành Tâm của Gạo Hạt Ngọc Trời - An Giang, áo Đỏ thuộc về cua-rơ Lê Ngọc Sơn của Dược Domesco Đồng Tháp 1. VĐV Huỳnh Mai Duy của đội TPHCM đã xuất sắc giành áo Vàng chung cuộc, đội VTV Cần Thơ đã nhận được giải Nhất đồng đội.

Tay đua Nguyễn Thành Tâm rút thắng Đỗ Tuấn Anh và Huỳnh Mai Duy tại Sprint 1, Chặng Đà Lạt - Bảo Lộc (Ảnh: K.Huân)

Chia sẻ niềm vui của mình với thành tích đạt được, cua-rơ Huỳnh Mai Duy bộc bạch: "Em rất vui mừng vì đã có đồng đội hỗ trợ và giúp đỡ em bảo vệ thành công chiếc áo Vàng này. Năm nay TPHCM lại tiếp tục giành chiếc áo vàng cho thành phố mang tên Bác. Sau những năm Giải Nam Kỳ khởi nghĩa tổ chức, em cũng là người kế tiếp bảo vệ chiếc áo vàng thành công của TPHCM. Thật sự, đây là lần đầu tiên em mặc được chiếc áo Vàng kể từ ngày em bắt đầu chơi xe đạp tới bây giờ. Em cảm thấy rất vui và hưng phấn, cảm giác khó diễn tả lắm !".

Với tên gọi “Vòng đua ngoạn mục”, điểm nhấn của cuộc đua năm nay đó là chặng từ TP.Phan Rang – Tháp Chàm đến TP.Đà Lạt, Lâm Đồng, lộ trình dài 107km và các cua-rơ phải chinh phục một trong 4 ngọn đèo cao và đẹp nhất Việt Nam – đèo Ngoạn Mục. VĐV trẻ Lê Ngọc Sơn của Dược Domesco Đồng Tháp 1 đã chứng tỏ sở trường chinh phục đường đèo của mình khi anh là cua-rơ đầu tiên cán ở đỉnh đèo Ngoạn Mục, đèo Prenn và sau đó là đèo Phú Hiệp (Bảo Lộc). Với kết quả này, chiếc áo Vua leo đèo dành cho Lê Ngọc Sơn càng có ý nghĩa về tình thần cho anh trước thềm Đại hội thể dục thể thao toàn quốc 2014, diễn ra sắp tới. "Cảm giác của tôi rất vui khi nhận được giải Nhất ở 3 đỉnh đèo và đạt danh hiệu Vua leo núi. Trước cuộc đua này, toàn đội cũng đã tập huấn tại Đà Lạt và cũng rất quyết tâm khi bước vào giải này phải giành được những thứ hạng cao nhất. Ở đại hội TDTT toàn quốc sắp tới, tôi cùng đồng đội cũng sẽ quyết tâm giành được danh hiệu này và những thứ hạng cao khác" - Sơn chia sẻ.

Như vậy, Cuộc đua xe đạp Nam Kỳ khởi nghĩa 2014 đã thành công tốt đẹp. Diễn ra suốt 7 ngày, 7 chặng với lộ trình dài 800km và đoàn đua phải di chuyển liên tục ở những điều kiện thời tiết, đường sá khác nhau. Đây thực sự là một thử thách không nhỏ đối với Ban tổ chức. Tuy vậy, với kinh nghiệm của mình, các thành viên của đội mô tô TPHCM đã đề ra nhiều phương án để bảo vệ lộ trình. Hình ảnh các thành viên quét đường, san bằng ổ gà và nhiều công việc không tên khác đã để lại nhiều dấu ấn và cảm xúc trong tất cả các thành viên tham gia đoàn đua. Ông Phạm Văn Lai, Đội phó đội mô tô, Liên đoàn Xe đạp và Mô tô thể thao TPHCM cho biết thêm: "Đây là một giải đua khó khăn nhất trong các giải mà tôi đã tham dự. Vừa nắng, vừa gió, rồi vừa Quốc lộ đang sửa chữa, đường hẹp mà mật độ lưu thông của các phương tiện trên Quốc lộ lại rất đông cho nên rất khó trong công tác bảo vệ. Chính vì thế mà trước khi bước vào giải này, anh em đã chuẩn bị thật kỹ từng chặng một. Cho nên chỉ đến khi đoàn về tới Hóc Môn được đầy đủ, an toàn thì tất cả các anh em, Ban tổ chức và toàn thể VĐV đều rất vui mừng".

Nhận xét về cuộc đua năm nay, ông Ngô Quanh Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Mô tô – Xe đạp thể thao TPHCM nói: "Có thể nói, cúp Nam Kỳ khởi nghĩa lần thứ 17/2014 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Trong 7 chặng đua vừa qua, mặc dù đường rất xấu nhưng các VĐV vẫn thể hiện, thi đấu rất tích cực, tính chuyên môn cũng rất cao. Áo vàng của VĐV Huỳnh Mai Duy là kết thúc có hậu; áo Xanh thuộc về Nguyễn Thành Tâm của Gạo Hạt Ngọc Trời - An Giang – đây là VĐV của đội tuyển quốc gia và VĐV trẻ thi đấu rất xuất sắc trong thời gian qua đó là áo Đỏ Lê Ngọc Sơn. Các VĐV nổi tiếng, vượt trội đã khẳng định được mình ở cuộc đua lần này. Do đó, chúng ta có thể hiểu được đây là cuộc đua có tính chuyên môn cao".

Có thể nói, cuộc đua thực sự đã thành công mỹ mãn, làm nức lòng người hâm mộ bộ môn thể thao này. Đặc biệt, điểm nhấn cho sự thành công đó là các VĐV đã nỗ lực thi đấu hết mình bằng tinh thần thể thao cao thượng, đua tranh quyết liệt và hấp dẫn với chất lượng chuyên môn cao, bất chấp các điều kiện khó khăn khách quan… Theo sát từng diễn biến trên mỗi chặng đường thi đấu của các cua-rơ, hơn ai hết, ông Trần Văn Thuận, Giám đốc Đài TNND TPHCM, Trưởng ban tổ chức giải nhận xét: "Những ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là đối với VĐV. Họ là người chủ yếu trong cuộc chơi này, cho nên với nắng gắt, gió ngược tạo nên rất nhiều điều kiện khắc nghiệt nhưng anh em đều đã vượt qua. Ấn tượng thứ 2 đó là đoàn mô tô bảo vệ. Anh em có tinh thần trách nhiệm rất cao ! Có những nơi cát, sụt lún ở dọc đường, anh em đi trước tiền trạm - tiền phương rồi tự mình đi vào nhà dân mượn các phương tiện để san lấp lại cho đoàn đua đi qua. Những hành động như thế thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Thứ ba nữa là tính kỷ luật. Với đoàn đua có tất cả 300 thành viên nhưng tinh thần tổ chức kỷ luật rất chặt chẽ, tinh thần chấp hành cũng như tính sáng tạo trong từng tình huống, đó là những vấn đề liên quan đến cuộc đua… Phải nói rằng, ấn tượng tổng thể nhất đó là cuộc đua đã thành công tốt đẹp".

Thành viên đội tiền trạm dọn cát, bảo đảm an toàn cho đoàn đua - Ảnh: Phương Dung.

Bên cạnh tinh thần thể thao của các VĐV, thành công của cuộc đua lần này còn có sự tiếp sức quý báu của các nhà tài trợ chính là nhãn hàng Lio Thái, Công ty quảng cáo Sen Vàng cùng các nhà tài trợ phụ: Công ty quảng cáo Đỉnh Vàng, Colusa-Miliket, Công ty Leung Kai Food VN với sản phẩm dầu Cây búa, cơ sở Bình Đông, nhãn hàng Nhuận Phong, Công ty Xây dựng và kinh doanh nhà Điền Phúc Thành, nước khoáng Sawanew… Ông Dương Đình Pham, Giám đốc điều hành Công ty quảng cáo Sen Vàng, đại diện nhà tài trợ chia sẻ: "Theo tôi biết, phải 7 năm chúng ta mới quay lại đường đua này. Theo đánh giá của nhà chuyên môn và ban tổ chức, năm nay cuộc đua đã hết sức thành công. Với tư cách là đơn vị tài trợ chính của cuộc đua năm nay, cùng với nhãn hàng Lio Thái, sư tử Thái chúng tôi cũng cảm nhận được rằng cuộc đua năm nay đã thành công tốt đẹp. Qua giải này thì hình ảnh của nhà tài trợ cũng được giới thiệu đến người tiêu dùng, đặc biệt là thị trường ở Tây Nam bộ và các tỉnh Đông Nam bộ. Hy vọng rằng, trong năm tới, chúng ta sẽ thực hiện được vòng đua xuyên Đông Dương như mong ước và kỳ vọng của Ban tổ chức giải cũng như của đơn vị tài trợ chúng tôi".

Với bề dày 21 năm, qua 17 lần tổ chức, giải đua xe đạp truyền thống Nam Kỳ khởi nghĩa đã tạo nên tiếng vang, góp phần rất lớn trong việc phát triển phong trào tập luyện và thi đấu nhằm nâng cao thành tích của bộ môn xe đạp thể thao TPHCM và của cả nước. Từ giải đấu này, các địa phương trong cả nước đã tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng những vận động viên trẻ, bổ sung cho tài năng thể thao của mình. Và điều quan trọng hơn nữa ở giải lần này là tạo tiền đề để các đội rèn luyện và kiểm chứng thành tích của mình trước thềm Đại hội TDTT toàn quốc diễn ra trong thời gian tới.