Siêu kình ngư Michael Phelps: 5 kỳ Olympic, 5 chặng đường vàng

(VOH) - 22 huy chương vàng Olympic (có thể nhiều hơn nữa), nhiều hơn gấp đôi so với bất kỳ vận động viên nào khác trong lịch sử nhưng điều đó dường như còn đơn giản với Michael Phelps, người đàn ông xứng đáng được định nghĩa bằng từ “chiến thắng”.

Mới đây, siêu kình ngư người Mỹ tiếp tục gây sửng sốt khi giành huy chương vàng thứ 4 tại Rio, nâng tổng số huy chương vàng ở các kỳ Thế vận hội lên con số 22. Anh đã viết lại lịch sử khi phá kỷ lục vốn đứng vững suốt 2.168 năm lịch sử của Olympic ở hạng mục cá nhân được lập bởi Leonidas đến từ đảo Rhodes, vận động viên chạy nước rút thời Hy Lạp cổ đại 12 lần đăng quang trong các nội dung thi đấu cá nhân.

Cháy hết mình

Hãy cùng điểm qua 5 kỳ Olympic tính đến thời điểm hiện tại của nhà vô địch đường đua xanh Michael Phelps.

Tại Olympic Sydney 2000, siêu kình ngư, khi ấy mới 15 tuổi, đã cán đích thứ 5 ở nội dung 200m bướm. Cậu trai trẻ khi ấy có một cơ thể hoàn hảo và khả năng tập trung cao độ, nỗ lực hết mình để hoàn thành mục tiêu của mình: giữ kỷ lục thế giới trước sinh nhật năm 16 tuổi.

Siêu kình ngư Michael Phelps trên đường đua xanh (Ảnh: BBC)

4 năm sau, “dị nhân” Michael Phelps lúc này tuân theo chế độ ăn cung cấp 10.000 calories năng lượng một ngày; cơ thể có sải tay rộng 2,08 mét, mắt cá chân có khả năng di động linh hoạt cực độ và dung tích phổi khi bơi được cho là có thể nở ra gấp đôi người bình thường.

Tuy ở kỳ Olympic Athens 2004 này anh về nhì sau “cuộc đua thế kỷ” với vận động viên người Úc Ian Thorpe nhưng cũng kịp ghi dấu ấn cho mình với 6 huy chương vàng ở các nội dung khác và hơn hết, anh sở hữu một cơ thể hoàn hảo cho bơi lội và tình yêu mãnh liệt với đường đua xanh.

Tiếp theo, tại Olympic Bắc Kinh 2008, Michael Phelps đã trở thành siêu kình ngư triệu đô của Mỹ với 8 huy chương vàng ở cả 8 nội dung tham gia thi đấu, lập 7 kỷ lục thế giới và 1 kỷ lục Olympic.

Cựu Tổng thống Mỹ George W Bush chúc mừng Michael khi anh giành huy chương vàng tại Olympic Bắc Kinh 2008 (Ảnh: BBC)

Không gục ngã bởi scandal

Tuy nhiên, quãng thời gian tiếp theo của Michael Phelps không hề dễ dàng khi anh vướng vào scandal hút cần sa năm 2009, bị cấm thi đấu 3 tháng và nguy cơ không được tham dự kỳ Olympic kế tiếp. Dù sau đó anh đã thành khẩn nhận lỗi nhưng chính điều này đã làm sụt giảm phần nào phong độ của siêu kình ngư. Anh bất ngờ tuyên bố giải nghệ sau khi tham dự Olympic London năm 2012 dù vẫn kịp giành cho mình 4 huy chương vàng và 2 huy chương bạc.

Anh vắng mặt trên đường đua xanh 2 năm sau đó. Năm 2014, Michael Phelps trở lại thi đấu chuyên nghiệp bởi với anh, không gì có thể thay thế được niềm đam mê mãnh liệt với bơi lội từ thuở anh lên 7 tuổi. Tuy nhiên, một lần nữa vận đen lại đến khi anh bị cấm thi đấu 6 tháng vì lái xe trong lúc say rượu.

Tháng 4 năm 2015 lệnh cấm thi đấu kết thúc, anh nói rằng mục tiêu của anh là hướng đến kì Thế vận hội mùa hè tại Rio de Janeiro năm 2016, kì Olympic thứ 5 trong sự nghiệp. Và anh đã không làm người hâm mộ thất vọng.

Những ngày qua, trong thời gian thi đấu tại Olympic Rio 2016, Phelps luôn tập trung ở mức độ cao nhất, cố gắng hết mình và cạnh tranh công bằng. Đây là những đặc điểm tính cách quan trọng giúp tạo nên nhà vô địch Olympic.

Vợ và con trai 3 tháng tuổi luôn dõi theo từng trận đấu của Michael Phelps (Ảnh: BBC)

Và tính đến hôm nay, ngày 12/08/2016, Phelps đã giành 4 huy chương vàng ở các bộ môn bơi bướm 200m, 2 huy chương bơi tự do đồng đội và 200m bơi hỗ hợp cá nhân, nâng tổng số huy chương vàng anh giành được lên con số 22. Điều gì đến cũng đã đến, Michael Phelps đã chính thức ghi tên mình là một trong những vận động viên xuất sắc nhất lịch sử hơn 2.000 năm của Olympic.

Michael Phelps giành 4 HCV tại Rio, phá kỷ lục kéo dài hơn 2.000 năm của Olympic (Ảnh: BBC)

Có thể nói, với Olympic Rio 2016, Michael Phelps đã hồi sinh.