Giáo hoàng Francis dự thượng đỉnh G7

VOH - Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một Giáo hoàng tham gia vào hoạt động của G7.

Giáo hoàng Francis sẽ dự thượng đỉnh của nhóm G7 tại vùng Puglia phía nam Ý từ ngày 13 đến 15/6.

Sự kiện quy tụ các nhà lãnh đạo của Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada và Nhật Bản cũng như một số vị khách mời đặc biệt.

Giao hoang 27042024
Giáo hoàng Francis - Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết Giáo hoàng Francis sẽ dự phiên họp dành riêng về AI, gọi đây là một trong những "thách thức nhân học lớn nhất trong thời đại hiện nay".

Bà Meloni nói: "Tôi tin chắc rằng sự hiện diện của Giáo hoàng sẽ đóng góp quyết định vào việc xây dựng khuôn khổ pháp lý đạo đức và văn hóa cho AI". 

Ý, hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của G7, tuần này đã thông qua một dự luật nhằm đặt ra các quy tắc cơ bản cho việc sử dụng AI, đồng thời đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các tội phạm liên quan đến AI.

Trước đây, Giáo hoàng Francis từng kêu gọi có một hiệp ước quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý để quản lý AI. 

Ông nói rằng các thuật toán không được phép thay thế các giá trị con người và cảnh báo về một "chế độ độc tài công nghệ" đang đe dọa sự tồn tại của nhân loại.

Trong thông điệp dành cho Ngày truyền thông xã hội thế giới của Giáo hội Công giáo, dự kiến vào ngày 12/5, Giáo hoàng Francis cảnh báo về sự "ô nhiễm liên quan đến nhận thức " có thể bóp méo sự thật, thúc đẩy những nội dung sai sự thật.

Giáo hoàng viết: "Chúng ta cần nghĩ đến vấn đề tồn tại lâu dài của thông tin sai lệch dưới dạng tin giả mà ngày nay có thể sử dụng 'deepfakes', cụ thể là việc tạo ra và phổ biến các hình ảnh có vẻ hoàn toàn hợp lý nhưng lại sai”.

Giáo hoàng cũng nói về "tin nhắn âm thanh giả mạo sử dụng giọng nói của một người để nói những điều mà người đó chưa bao giờ nói”.

Theo Giáo hoàng, “bệnh lý” của AI bao gồm sự suy giảm tính đa nguyên và sự phát triển của "tư duy tập thể", nơi các quan điểm đồng thuận được đưa ra mà không xem xét những lời chỉ trích hoặc lựa chọn thay thế từ bên ngoài.

Giáo hoàng cũng nói về sự nguy hiểm của AI trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trong việc đưa tin về chiến tranh. Theo ông, AI phải hỗ trợ và không loại bỏ vai trò của báo chí trên thực địa.

Giáo hoàng Francis sinh năm 1936 tại Argentina. Ông được xem là vị Giáo hoàng "thời sự nhất" khi lên tiếng, nêu quan điểm về các vấn đề đang là tâm điểm chú ý toàn cầu.