Nghĩa cử đẹp của những người hiến xác cho y học

(VOH) - Từ căn phòng đầy mùi thuốc và thi thể, bao thế hệ sinh viên y khoa đã trưởng thành và những đề tài nghiên cứu khoa học đã đi vào cuộc sống.

Giáo sư – TS Lê Văn Cường – nguyên Trưởng khoa giải phẫu Đại học Y dược TP.HCM, người đã gắn bó cả đời cho bộ môn giải phẫu, chia sẻ câu chuyện về người hiến xác cho y học.

Theo Giáo sư – TS Lê Văn Cường, môn giải phẫu được xem là môn cơ sở của ngành y. Nếu như máy bay, xe hơi, máy vi tính... -những thứ do con người tạo ra - đã có cấu trúc phức tạp thì con người lại càng phức tạp hơn. Để trở thành một bác sĩ giải phẫu giỏi, chắc chắn đó phải là người học giỏi môn giải phẫu.

Từ trái qua: Tiến sĩ Tăng Hà Nam Anh, Giáo sư - TS Lê văn Cường và BTV Kim Ánh.

Với nhiều năm theo nghề, theo giáo sư, khi đối chiếu giữa cấu trúc lý thuyết và cấu trúc thật cơ thể con người, chúng ta sẽ phát hiện ra sẽ có những trường hợp không giống nhau về cấu trúc cơ thể giữa người này và người kia, dù tỷ lệ không nhiều lắm.

Để chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân tốt, bác sĩ giải phẫu rất cần những lần quan sát, nghiên cứu trên cơ thể thật của con người, để biết rõ cấu trúc con người gồm bao nhiêu cơ quan với đặc điểm như thế nào. 

Giáo sư – TS Lê Văn Cường nhận thấy nhiều điều thú vị trong sự tìm tòi khám phá để nghiên cứu khoa học trong bộ môn tưởng từng rất khô khan, nhàm chán. Ông đã có công trình nghiên cứu khoa học về thành phần hóa học của sỏi mật ở người Việt Nam.

Trong công trình, ông đã phát hiện sự khác biệt giữa sỏi mật của người Việt Nam và người phương Tây. Điều này lý giải vì sao khi người Việt dùng thuốc uống tan sỏi của nước ngoài sản xuất lại không hiệu quả nhiều. Ngoài nghiên cứu khoa học, Giáo sư – Ts Lê Văn Cường cũng tham gia công tác giảng dạy - đây là niềm đam mê sau nghiên cứu khoa học của ông.

Theo Giáo sư – TS Lê Văn Cường, những người hiến xác vì khoa học đã làm một việc có ý nghĩa lớn lao. Bởi, khi được quan sát, thực nghiệm trên cơ thể thật của con người sẽ giúp cho sinh viên ngành y có điều kiện tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu khoa học thuận lợi hơn, từ đó góp phần vào việc chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân được chính xác hơn và ngành y khoa luôn luôn tri ân những tấm lòng cao thượng này.

>>>> Nghe trò chuyện của Giáo sư – TS Lê Văn Cường trong chương trình Chuyện Đời - Chuyện Nghề

Chương trình Chuyện Đời Chuyện Nghề phát sóng lúc 18h15 ngày thứ 7 hàng tuần trên sóng FM 99.9Mhz và trang web www.voh.com.vn, đồng thời livestream trên fanpage RADIO VOH.