Xã luận: Niềm tin và hy vọng

(VOH) - Kể từ khi Vua Lý Công Uẩn chính thức dời đô từ Hoa Lư Ninh Bình về Thành Đại La và đặt tên là Thăng Long – nghĩa là Rồng bay năm 1010, Hà nội của chúng ta đã có hơn 1000 năm tuổi. Trải qua bao thăng trầm và đổi thay, Hà nội đã đi suốt chiều dài lịch sử và chứng kiến bao sự kiện trọng đại của dân tộc, song có lẽ có một ngày đáng nhớ nhất là ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba đình, trước hàng triệu đồng bào cả nước và cả thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau nhiều năm trường đắm chìm trong nô lệ và lầm than.
Hà Nội không ngừng phát triển với hệ thống giao thông hiện đại. ảnh: Đại lộ Thăng Long. (nguồn: VTC)

Cũng tại đây, vào ngày 19 tháng 12 năm 1946, sau khi thực dân Pháp bội ước, một lần nữa, Hồ chủ tịch lại ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Hà nội lại cùng cả nước quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh để đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống Pháp và kết thúc bằng thắng lợi Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Ngày 9 tháng 10 năm 1954, người lính Pháp cuối cùng rút khỏi thủ đô cũng là ngày mà cả Hà Nội chợt vỡ òa trong khúc khải hoàn mừng ngày giải phóng.

Hòa bình được lập lại ở miền Bắc, nhưng một nửa đất nước ở bên kia vĩ tuyến 17 còn đắm chìm trong khói lửa chiến tranh. Và ngày ấy từ Thủ đô Hà Nội đã dấy lên các phong trào: tất cả cho tiền tuyến, tất cả để xây dựng CNXH; Thanh niên ba sẵn sàng, Phụ nữ ba đảm đang...Miền bắc là hậu phương lớn, vì miền Nam ruột thịt....có lẽ nhờ vậy mà trong suốt những tháng năm chống Mỹ, không có khi nào Hà Nội và cả miền Bắc ngơi nghỉ việc chi viện sức người, sức của cho đồng bào và chiến sỹ miền Nam yên tâm đánh giặc.

Còn nhớ mùa Noel năm 1972, với ý chí giành thế chủ động trên bàn đàm phán của hội nghị Paris, Tổng thống Hoa Kỳ khi ấy là Richard Nixon đã ra lệnh ném bom rải thảm bằng pháo đài bay B52, hòng khuất phục và đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá. Đã có biết bao người dân vô tội thiệt mạng và rất nhiều công trình trọng yếu bị phá hủy. Vậy nhưng dân tộc ta đâu có dễ khuất phục. Cả Hà Nội lại vào trận mới, chấp nhận đối đầu với không lực quá mạnh của Hoa Kỳ. Kết cục của trận Điện Biên Phủ trên không ngày ấy đã buộc chính quyền Mỹ phải nhìn nhận thảm bại và hiệp định Paris về ngừng bắn ở VN đã được ký, làm tiền đề vững chắc cho cuộc tổng tiến công đại thắng mùa xuân 1975.

Đã 60 năm trôi qua, kể từ ngày giải phóng, giờ đây Hà Nội đã thực sự lớn mạnh thêm nhiều. Kinh tế liên tục tăng trưởng, cứ sau 5 năm, giá trị sản xuất trên địa bàn lại tăng 2,5 lần. Thu ngân sách từ năm 2000 đến năm 2013 tăng hơn 11 lần và thu nhập bình quân đầu người dân Thủ đô đã tăng gấp 3 lần so với năm 1989.

Với quy mô của đô thị hơn 8 triệu dân, trải rộng trên diện tích hơn 3.344 km2, khiến Thủ đô phải không ngừng phát triển. Có thể nói trong vòng 10 năm nay, cơ sở hạ tầng của Hà nội đã tiến thêm một bước khá dài. Bên cạnh khu phố cổ 36 phố phường nổi tiếng cùng lượng hồ nước tự nhiên và cây xanh rất lớn, thì ngày nay Hà Nội đang thực sự vươn mình với hệ thống đường cao tốc, vành đai hiện đại, liên thông các quận trong thành phố và kết nối với các tỉnh Thành khắp miền Bắc. Mạng lưới cầu vượt nội đô và những cây cầu vĩnh cửu bắc qua sông Hồng như cầu Nhật Tân, Vĩnh Tuy...cùng với rất nhiều công trình khác như đường sắt trên cao, xe điện ngầm, sân bay, bến cảng hiện đại...đang được khẩn trương xây dựng, nâng cấp và sẽ đưa vào sử dụng trong nay mai. Hà Nội còn là trung tâm văn hóa giáo dục, khoa học kỹ thuật, tài chính ngân hàng… của cả nước với hệ thống các Bộ ngành và viện, trường, trung tâm…đang phát triển theo xu thế tiên tiến và hiện đại. Tất cả đã và đang dần tạo ra cho Thủ đô diện mạo chững chạc, tầm vóc của một đô thị lớn trong nay mai và cách đây 15 năm, UNESCO đã trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình cho Hà Nội của chúng ta trên cơ sở các tiêu chí: vì sự bình đẳng trong cộng đồng, vì quá trình xây dựng đô thị, giữ gìn môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hóa - giáo dục và chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ.

Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào như vậy, trên con đường đi lên văn minh hiện đại, Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm để không ngừng hoàn thiện mình, là niềm tin và hy vọng và xứng tầm là trái tim của cả nước. Đó là những bất cập trong quy hoạch đô thị đang ẩn chứa sự phá vỡ cảnh quan chung, là sự ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, rác và các loại chất thải, nước thải ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống. Là ô nhiễm tiếng ồn, bụi bặm và ngập nước. Đáng lo ngại hơn là quan hệ cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái, lối cư xử lịch lãm, thanh tao trước kia đang bị xô lệch và méo mó đi bởi cung cách và lối sống ồn ã, bon chen, xô bồ và thực dụng của không ít người, khi mà kinh tế thị trường đang len lỏi khắp nơi…Tất cả đang làm xấu đi nhanh chóng những hình ảnh thật đẹp của Thủ đô trong bao thập kỷ đã qua.

Vì một Hà Nội tươi đẹp, văn minh và hiện đại là ước mong và niềm tự hào của chúng ta. Vậy nhưng để làm được như vậy là điều không hề giản đơn. Đó phải là sự nỗ lực và phấn đấu liên tục bởi tinh thần và ý thức của cả xã hội, của công dân cả nước và những ai đang là người Hà Nội. Mong rằng nay mai, Hà Nội không chỉ là Thành phố hòa bình mà còn là thành phố đáng sống đối với bất kỳ ai, mỗi khi nhớ về nơi này./.