Từ “nói phải làm” đến “những việc cần làm ngay”

(VOH) - Nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015 là “Trung thực, trách nhiệm, gắn bó với Nhân dân, đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh”, là bước tiếp theo đợt sinh hoạt chính trị kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc của Người nhằm thực hiện mục tiêu “giữ gìn Đảng ta thật trong sạch vững mạnh, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Ảnh: tuyengiao

Xét theo góc độ đạo đức truyền thống dân tộc, trung thực là thành thực, chân thành, là ngay thẳng, vị tha thương yêu nhau, sống có nghĩa tình với nhau trong mối quan hệ giữa người và người. Còn theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, trung thực được Người diễn đạt hết sức ngắn gọn, xúc tích, ai nghe cũng hiểu “trung thực của người đảng viên là nói thì phải làm”.

Tấm gương trung thực, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong lối sống trọng danh dự, trung thực, giữ gìn chữ tín, nói đi đôi với làm, nêu gương làm trước. Người luôn nhắc nhở cán bộ Đảng viên “Tự mình phải chỉnh trước, mới giúp người khác chỉnh. Mình không chỉnh mà bắt người khác chỉnh là vô lý… Nếu mình tham ô bảo người khác liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng mới bảo người ta siêng năng trong sạch được…”. 85 năm thực hiện sứ mệnh lãnh đạo, Đảng ta đã thực hiện thành công, thắng lợi mọi cuộc cách mạng ở nước ta được Nhân dân luôn đồng tình ủng hộ kể cả ở những giai đoạn cực kỳ khó khăn gian khổ, lúc nào Đảng cũng trong lòng dân là nhờ sự trung thực của Đảng.

Khách quan mà nhận xét trong giai đoạn hiện nay niềm tin với Đảng của một bộ phận không nhỏ trong Nhân dân và Đảng viên có khoảng cách nhất định. Nghị quyết TW 4 Khóa 11 ”những vấn đề cấp bách xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay“ đã chỉ ra thực trạng nầy mà nguyên nhân chính là nói không đi đôi với làm. Vận dụng vào đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh là chưa trung thực. Trung thực là nghiêm túc với chính mình, đúng mực với người khác, không được hứa mà không làm, lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ Đảng viên: “Nói ít, bắt đầu bằng hành động, tốt nhất là miệng nói tay làm, làm gương cho người khác làm theo. Cán bộ Đảng viên cần phải có óc nghĩ, miệng nói tay làm, chứ không phải nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh, phải thực thà bắt tay vào việc…”.

Trung thực còn là chống lại sự giả dối, chống lại chủ nghỉa cơ hội. Cán bộ Đảng viên có đạo đức là người trung thực với Nhân dân, là người biết nhận lỗi và quyết tâm sửa chữa. Nhân dân coi đó là thước đo tinh thần trách nhiệm đối với Nhân dân. Người trung thực là người có lòng tự trọng, biết trọng danh dự, liêm sỉ. Như thế mới chống được tham nhũng vì tham nhũng không ở trong dân mà ở những cán bộ Đảng viên có chức có quyền. Trung thực sẽ tác động tích cực và hiệu quả giúp Đảng giáo dục đạo đức cách mạng để tạo nên sức mạnh to lớn về tinh thần và khí thế tiến công vào các lĩnh vực tiêu cực.

Có sự trùng hợp ngẫu nhiên vô cùng lý thú là nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015 trùng với kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915-1/7/2015). Nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, là nhắc đến công cuộc đổi mới thành công của Đảng ta, trong rất nhiều thành tựu do đổi mới đem lại trên tất cả các lĩnh vực cho đất nước ta, dấu ấn của Ông để lại là những bài báo trong chuyên mục "Những việc cần làm ngay" do ông là tác giả, với bút danh là N.V.L đăng trên Báo Nhân Dân từ ngày 25/5/1987 đến ngày 29/9/1990. Những bài báo của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gây được tiếng vang và đi vào lòng người là nhờ dũng khí của một lãnh tụ của Đảng với tính trung thực nói đi đôi với làm, dám nói lên sự thật bằng cái tâm trong sáng. Trên lĩnh vực chống tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, ông từng ví von: “Nhà dột từ nóc, không sửa lại mái nhà thì khi mưa nước từ nóc đổ xuống mãi cũng không hết được, phải quét nước nhưng đồng thời phải chống dột, không chống dột ở nóc thì cứ quét mãi, quét đến chừng nào mới xong”.

Không chỉ thể hiện quan điểm của mình trong những bài viết, cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh còn là tấm gương sáng trong việc thực hành tiết kiệm, nói đi đôi với làm một cách cụ thể khi Ông phá bỏ tiền lệ đưa ra ý tưởng mới, quan điểm mới làm gương chống tác phong quan liêu xa dân, từ bỏ đặc quyền, đặc lợi, bản thân. Ông đã bỏ chế độ lãnh đạo cấp cao đi chuyên cơ trong nước. Khi đi công tác chỉ đi bằng xe lada của Liên Xô, tiêu chuẩn cấp cho thứ trưởng đi công tác không có điều hòa. Vào Nam ra Bắc đi máy bay chung với mọi người, cắt giảm chế độ an ninh…Ông ý thức đất nước còn nghèo, đó là phương tiện để làm việc không nên quá cầu kỳ. Trong “Những việc cần làm ngay”, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã chỉ ra những ung nhọt, cản trở sự nghiệp đổi mới. Đó chính là những cán bộ thoái hóa, biến chất không giữ được đạo đức cách mạng và đề nghị phải kiên quyết xóa bỏ bằng cách tăng cường kỷ luật Đảng, tăng cường sự giám sát của nhân dân và phát động dư luận xã hội để tạo sức mạnh công luận, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cũng chỉ rõ thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của cán bộ trước những khó khăn, vất vả của người lao động, của nhân dân. Trong bài viết của mình, ông dùng khái niệm “sự im lặng đáng sợ” để chỉ tình trạng này.

Rõ ràng nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015: "Trung thực - nói phải làm", đến: Những việc cần làm ngay" của cố Tổng bí thư Nguyễn văn Linh là sự hỗ tương biện chứng, đây là cốt lõi của công tác xây dựng Đảng ta trong sạch và vững mạnh. Vấn đề là các tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị tổ chức nghiên cứu, học tập thế nào một cách thực chất để đem lại hiệu quả thực sự, không phô trương hình thức./.