Thể thao Việt Nam - Thay đổi để tạo đột phá vươn tới tầm cao

(VOH) - Thể thao thành tích cao luôn được coi là xương sống, là nền tảng phản ánh sức mạnh thể thao của mỗi quốc gia. Thước đo sự phát triển chính là thành tích Olympic hay ở đấu trường châu lục. Với thể thao Việt Nam, thành tích tại Olympic từ trước đến nay mới chỉ có 2 HCB, trong khi số HCV ASIAD cũng chỉ dừng lại ở mức đếm được trên đầu ngón tay. Những kết quả còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và kỳ vọng của người hâm mộ nước nhà và còn quá nhiều chuyện phải bàn.

Bơi lội là một trong bảy bộ môn trọng điểm được Việt Nam đàu tư (ảnh: Zing)

Chưa nói đến đấu trường khắc nghiệt Olympic, chỉ riêng tại sân chơi ASIAD thì  2 kỳ Đại hội gần nhất, thể thao Việt Nam đều không hoàn thành chỉ tiêu. Đáng buồn hơn, tranh tài ở các sân chơi lớn thì thành tích của đoàn Thể thao VN lại kém cả Malaysia, Singapore, Myanmar – những nước thường xếp sau VN trên bảng xếp hạng huy chương Segames. Nếu so với Thái Lan, quốc gia thường so kè với Việt Nam ở Sea Games, thì thành tích của Thái Lan đã vươn lên đến tốp đầu châu lục. Nghiêm túc nhìn nhận, thể thao Việt Nam kém hơn một số nước bạn trong khu vực từ đẳng cấp, nội lực, nền tảng đầu tư cơ bản cho đến bản lĩnh được trui rèn … mà đó lại là những yếu tố quan trọng quyết định thành bại của một nền thể thao.

Thời mới hội nhập, chính sách “đi tắt đón đầu” của thể thao Việt Nam được đánh giá là phù hợp và đã tạo được những thành công nhất định. Kể từ kỳ Sea Games trên sân nhà năm 2003 đến nay, thể thao nước ta luôn nằm trong top 3 Sea Games.  Nhưng khi hướng tầm nhìn ra xa hơn, thì lại có vẻ như chưa đủ can đảm để bỏ đi mục tiêu “top 3 khu vực” từng sử dụng để làm đẹp thêm bảng báo cáo thành tích hàng năm.

Đi tắt đón đầu chỉ là giải pháp tình thế. Muốn vươn đến tầm cao chỉ có con đường đầu tư cho khoa học TDTT.

Nhiều năm trước, ngành thể thao xác định chú trọng đầu tư cho khoa học  – yếu tố rất quan trọng trong thể thao đỉnh cao. Thế nhưng khi bắt tay thực hiện thì vướng mắc đầu tiên chính là “tiền đâu?”.  Vậy là lại tiếp tục buông lỏng và trì trệ. Lẽ ra trong tình hình khó khăn về ngân sách đầu tư thì những nhà quản lý điều hành nền thể thao các cấp phải chọn hướng đầu tư sao cho hợp lý mà ưu tiên đầu tư cho phát triển khoa học … Tiền chưa nhiều, lại đầu tư dàn trải thì thử hỏi là sao có thể mong chờ một kết quả khả quan hướng ra biển lớn? Chính vì đầu tư dàn trải, thiếu trọng điểm nên giờ đây khi bước ra sân chơi lớn, Thể thao nước nhà khó theo kịp các nước bạn trong khu vực cũng là điều dễ hiểu.

Những bài học qua trải nghiệm và những thành quả của nhiều nước trong khu vực đạt được cuối cùng cũng tác động đến việc thay đổi tư duy phát triển thể thao của những nhà quản lý điều hành nền thể thao VN. Và năm 2015 này,  lần đầu tiên ngành thể thao VN xác định không chạy theo các môn thể thao mới, không bảo thủ giữ mục tiêu tốp 3 khu vực ở kỳ Sea Games 28 sắp tới. Mục tiêu phát triển trong tương lai sẽ là  tập trung những môn thể thao Olympic, ASIAD. Cụ thể hơn là đầu tư tập trung cho những môn mà chúng ta có thế mạnh, có truyền thống và có nền tảng phát triển.

Dù chậm, nhưng rõ ràng đó là sự thay đổi cần thiết để thể thao Việt Nam có thể tạo đột phá, vươn đến những mục tiêu xa hơn.

Thực ra, cách đây khoảng 10 năm, Thể Thao VN từng đặt mục tiêu vươn lên tầm Châu Á và chú trọng hơn trong việc phát triển thêm các môn Olympic.  Sự chuyển biến đầu tư ban đầu đó cũng gặt hái thành quả nhất định. ASIAD 2010, hay kỳ ASIAD 2014 vừa qua, dù không giành được nhiều HCV, nhưng có nhiều môn, nhiều VĐV giành huy chương, và rất gần với thành tích huy chương châu Á. Duy có điều từ thành tích tầm tầm châu Á vươn lên thành nhà vô địch châu Á là chặng đường cũng rất khó khăn. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng đề án về đào tạo VÐV trọng điểm cho ASIAD và Olympic để trình Chính phủ. Theo đề án này,  kinh phí đầu tư dự kiến 100 tỷ đồng/năm cho 20 VÐV đặc biệt được tuyển chọn gắt gao trong lực lượng bảy môn trọng điểm gồm: điền kinh, bơi lội, cử tạ, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, bắn súng và xe đạp. 20 tài năng thể thao nói trên sẽ được đầu tư đặc biệt hướng tới thành tích đỉnh cao, chứ không phải chỉ “lót đường” khi đến ASIAD hay Olympic. Đề án cũng nêu rõ, các vận động viên trong diện đầu tư đặc biệt, nếu VĐV nào thiếu rèn luyện, thành tích không đạt theo yêu cầu cũng sẽ bị thay thế.

Chậm vẫn hơn là trì trệ, xác định được trọng điểm đầu tư dù chỉ là bước khởi đầu song vẫn tạo ra được tiền đề, mở ra con đường đi tới hơn là loay hoay, mày mò và tự phát.  Đột phá, mở đường là cần thiết nhưng bấy nhiêu vẫn là chưa đủ. Giải pháp tối quan trọng trên bước đường tiếp theo vẫn phải là đầu tư cho khoa học TDTT. Thực hiện hiện giải pháp này đòi hỏi nguồn lực lớn hơn và thời gian cũng nhiều hơn.

Thể thao Việt Nam chưa bao giờ bị coi là thiếu tiềm năng. Khi ngành thể thao mạnh dạn chuyển hướng đầu tư, thay đổi cách nghĩ cách làm, không chạy theo thành tích nhất thời , thiết nghĩ người hâm mộ có thể yên tâm trông chờ một tương lai sáng lạn sau những bước đột phá lớn của năm 2015.