Tai nạn y khoa hay sự cẩu thả chết người

(VOH) - Mấy ngày vừa qua, dư luận lại kinh ngạc trước sự cố của ngành y có thể liệt vào “có một không hai” là mổ nhầm chân. Càng ngạc nhiên hơn, khi sự cố này xảy ra không phải tại một bệnh viện heo hút vùng sâu vùng xa, mà ngay tại cơ sở y tế thuộc hàng có tiếng của Thủ Đô. Điểm lại hàng loạt sự cố tương tự trong ngành y tế trong thời gian qua, những ai quan tâm đều không thể an lòng.

Nghe bài viết

Bệnh nhân Trần Văn Thảo sau khi bị mổ nhầm chân. Ảnh minh hoạ. TPO

Sự cố vừa nêu không phải là lần đầu, cách đây gần tròn một năm,  bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long đã mổ u bao hoạt dịch cho một bệnh nhi 6 tuổi nhưng không biết lý do gì, phẫu thuật viên dời dao mổ từ chân trái sang chân phải mà cha mẹ bệnh nhi cũng không hề được biết. Mới đây thôi , khi sự cố hi hữu mổ nhầm chân tại bệnh viện Việt Đức chưa kịp lắng xuống thì tại bệnh viện đa khoa Cần Thơ, người nhà bệnh nhân ký giấy phẫu thuật là đau ruột thừa nhưng khi xong việc, bác sĩ thông báo là phẫu thuật xử lý xuất huyết nang buồng trứng… Những ca mổ từ nhầm chân ở Long An, thậm chí đến cắt nhầm thận ở Cần Thơ, rồi tiêm nhầm vắc xin... chuyện khó tin nhưng thực tế lại xảy ra liên tục mà đến khi vỡ lẽ, dư luận không khỏi bàng hoàng và lo lắng tột độ. "Chẩn đoán một đằng, làm một nẻo” hiện tượng này đã không còn là hi hữu, mà lo ngại thay nó trở nên ngày càng khá phổ biến trong ngành Y - một ngành đòi hỏi sự chuẩn xác, chỉn chu, cẩn thận gần như tuyệt đối, vì chỉ cần một sai sót nhỏ thôi, mạng người sẽ phải trả giá và như vậy đó không phải chuyện đùa!

Lý giải cho hàng loạt sự cố y khoa quá khủng khiếp trong thời gian qua, dư luận cho rằng không có cách nào giải thích chính xác hơn  ngoài sự cẩu thả, tắc trách. Không cẩu thả sao được khi cả một ê – kíp, nhưng không ai phát hiện ra việc mổ nhầm chân và vẫn bình thản vào cuộc mổ cho đến khi vỡ lở thì sự cũng đã rồi. Nhiều người trong ngành Y cho rằng đây là “lỗi hệ thống”, điều này cũng chẳng sai vì khi bước vào một cuộc phẫu thuật, là cả một guồng quay của một công trình làm việc tập thể của một nhóm người, từ việc khám, chẩn đoán, hội chẩn và đưa ra hướng xử lý đến các công đoạn tiếp theo như gây mê hồi sức, rồi phẫu thuật viên chính, phụ  mổ, rồi còn  y tá, điều dưỡng, không phải duy nhất một người... Nếu thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đúng quy trình đặt ra của ngành, thì chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra sự việc trớ trêu đến vậy. Có những lỗi không khắc phục kịp thời thì cái giá phải trả là bằng mạng người, còn nếu may mắn hơn, như nữ sinh Lê Thị Hà Vi  - nữ sinh trong vụ cưa chân ở Đắc Lắc - mạng sống thì còn, nhưng lại vĩnh viễn mất đi một chân, chỉ vì sự tắc trách của bệnh viện tuyến dưới. Còn nhiều trường hợp khác phải trải qua những cuộc phẫu thuật nhầm như thế, sức khỏe ra sao và tương lai của họ sẽ như thế nào?

Nữ sinh Lê Thị Hà Vi khi còn điều trị tại BV. Ảnh minh hoạ.suckhoedoisong

Từ những câu chuyện đau lòng này, điểm lại có thể thấy rõ sự trùng hợp không phải là ngẫu nhiên. Hiện nay, đang tồn tại một thực tế bất ổn và rất thị trường ở một số cơ sở y tế. Nhiều bệnh viện có sẳn phòng mổ nhưng chỉ để cho thuê và bác sĩ thì hầu như ở khắp nơi có thể vô tư đăng ký đưa bệnh nhân ở ngoài vào mổ, mổ xong trả phí rồi đường ai nấy đi. Các phòng mổ này đều có thể sáng đèn mọi lúc mọi nơi. Do vậy mới có trường hợp, dù bác sĩ không thuộc bệnh viện đó, nhưng vẫn có mặt trong phòng mổ lại là phẫu thuật viên chính hẳn hoi. Đây đang là câu chuyện diễn ra hằng ngày tại các cơ sở y tế, tập trung các chuyên khoa “hot” như sản khoa, chấn thương chỉnh hình, giải phẫu thẩm mỹ… Nếu không có gì thì êm xuôi, nhưng đến khi đổ bể, hàng loạt những vụ việc bị phát giác, mà hầu hết khi truy ra đều vi phạm quy định hành nghề về khám bệnh, chữa bệnh.

Rõ ràng đang có lỗ hổng lớn trong khâu quản lý tại các cơ sở y tế trên phạm vi cả nước, cách giải quyết sau mỗi vụ việc thường thấy là kiểm điểm, kỷ luật, cách chức, thậm chí cho thôi việc cán bộ y tế sai phạm, rồi bồi thường cho bệnh nhân… Tuy nhiên, hậu quả gây nên trên cơ thể và sức khỏe người bệnh thì không gì có thể bù đắp được. Có lẽ phải gọi đích danh sự việc  là sự cẩu thả chết người, mà nếu cứ tồn tại những cung cách làm việc như vậy thì đây thật sự là thảm họa.

Thực trạng này cần có hồi kết! Cung cách làm ăn cẩu thả và có phần xem thường tính mạng của người bệnh cần phải chấm dứt. Thiết nghĩ các nhân viên ngành Y nếu vi phạm vào những trường hợp tương tự thì không thể tiếp tục được hành nghề. Bởi ngoài Y đức, thì năng lực, trình độ và trách nhiệm làm nghề của các y, bác sỹ trước tính mạng bệnh nhân phải luôn được đặt lên hàng đầu.