Sáng kiến hay "tối kiến" ?

(VOH) - Lại thêm một đề xuất "lạ lùng" được thực hiện khi UBND TP Hà Nội giao cho Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) tiến hành các công việc cần thiết bắt đầu cho xe buýt dành riêng cho phụ nữ từ ngày 5/1/2015.

Trang web của Bộ Giao thông Vận tải đã đăng tải ý kiến của Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, xe buýt dành riêng cho phụ nữ sẽ được bố trí trên 3 trục chính bao gồm: trục đường số 1 đi về phía nam của thành phố; trục số 2 là hướng về quốc lộ 6 và trục số 3 là hướng quốc lộ 32.

Ý kiến đề xuất xe buýt dành riêng cho phụ nữ xuất phát từ một nghiên cứu về việc quấy rối tình dục hiện nay của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường tại TP Hà Nội và TP.HCM. Khảo sát này thăm dò hơn 2.000 người trong đó 57% phụ nữ từ 16 tuổi trở lên được hỏi đã cho rằng đường phố được coi là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất; 31% nữ sinh từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt. Còn Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho rằng cứ 10.000 lượt khách hàng phản ánh mới có một khách phản ánh về tình trạng quấy rối tình dục. Khảo sát cho thấy không chỉ trên xe mà quấy rối tình dục còn diễn ra ở bến xe, trạm chờ, công viên... Tuy nhiên, không hiểu vì sao từ khảo sát này lại xuất phát một ý tưởng tổ chức tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ ?

Ngay cả việc quấy rối tình dục trên xe buýt đến mức báo động thì giải pháp cũng không phải là tổ chức tuyến xe riêng dành cho nữ giới !

Triển khai tuyến xe buýt dành riêng cho nữ giới khiến dư luận đặt ra khá nhiều câu hỏi : cơ quan nào có trách nhiệm xử lý các quấy rối này ở nơi công cộng ? Không lẽ tài xế, phụ xế, nhà xe, cơ quan chức năng đều bất lực ? Chẳng lẽ người thân, bạn bè của các nữ hành khách phải chuyển sang chuyến xe khác chỉ vì... khác giới tính ? Đó là chưa kể, thực trạng vận tải công cộng, xe buýt tại Hà Nội đang quá tải, việc phải chờ đúng chuyến xe "giới tính" là điều hết sức phi lý.. 

Xe buýt dành cho phụ nữ liệu có khả thi ? - Ảnh minh họa (Nguồn ĐSPL)

Thực tế, đi xe buýt tại Hà Nội đang tồn tại nhiều vấn nạn đặc biệt là chuyện móc túi, rạch giỏ mà đối tượng chính là chị em phụ nữ, nhưng khi bị phát hiện thì kẻ gian lại lấp liếm thành... quấy rối tình dục. Quấy rối tình dục trên xe buýt thường xảy ra khi có sự đụng chạm thể xác giữa hai người khác giới nên chỉ có thể thực hiện được hành vi khi xe có quá đông hành khách, phải chen lấn, xô đẩy nhau. Vậy nên, thay vì đưa ra giải pháp lập riêng một tuyến xe buýt cho chị em, sẽ hiệu quả hơn nếu tập trung tăng chuyến, giảm tải. Khi đó, tình trạng quấy rối tình dục sẽ được hạn chế bởi kẻ thực hiện hành vi làm sao có môi trường, điều kiện thực hiện khi không thể đụng chạm được nạn nhân.

Việc phân chia giới tính khi đi xe buýt có lẽ chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam. Dù ở các nước trên thế giới, việc quấy rối tình dục đã trở thành vấn nạn nhức nhối và nhiều nước có hẳn điều luật quy định về tội này nhưng ít có nước nào thực hiện giải pháp kiểu chúng ta. 

Lập luận "để phụ nữ tránh được quấy rối tình dục bằng cách đi xe dành riêng cho nữ giới", thoạt nghe thì có lý nhưng suy nghĩ lại thì không những không đúng về mặt thực tế mà còn gián tiếp thể hiện sự bất lực của ngành chức năng trước vấn nạn này.

Nên chăng, UBND TP Hà Nội cần tham khảo ý kiến rộng rãi từ người dân thủ đô trước khi ban hành quyết định này, tránh đi vào "vết xe đổ" của các giải pháp, quy định trước đây như kiểu " ngực lép không được điều khiển phương tiện giao thông".