Ranh giới mỏng manh giữa bất cẩn và tội ác

(VOH) - Thông điệp hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2014 của nước ta là "Tưởng nhớ người đi – vì người ở lại”.

Thực hiện thông điệp này, những ngày qua, các hoạt động tưởng nhớ nạn nhân tai nạn giao thông đã được tổ chức rộng rãi ở nhiều địa phương trên cả nước. Ngày 9/11, Lễ cầu siêu các nạn nhân tử nạn vì tai nạn giao thông quy mô cấp quốc gia đã diễn ra tại TP.HCM. Lễ chào cờ tưởng nhớ các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông cũng đã được tổ chức tại các trường THPT vào sáng thứ hai đầu tuần vừa qua…Và đúng vào ngày 16/11, theo thông lệ vào chủ nhật tuần thứ 3 của tháng 11, nước ta dành một ngày để tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Việc làm này không chỉ an ủi vong linh những người đã khuất, chia sẻ mất mát với gia đình các nạn nhân, mà còn đánh động lương tâm, nhận thức của mỗi công dân để nhằm xây dựng một môi trường giao thông an toàn hơn.

Năm 2013 vừa qua là năm thứ hai sau nhiều nỗ lực, nước ta đã kéo giảm số người chết vì tai nạn giao thông xuống dưới 10.000 người, nhưng số người thiệt mạng trong các vụ tai nạn vẫn còn cao. Cứ mỗi ngày qua đi, có hơn 20 người bị cướp đi sinh mạng và hơn 70 người mang thương tật suốt đời vì tai nạn giao thông. Tổn thất về nhân mạng gây biết bao đau thương mất mát cho các gia đình và bản thân người bị nạn. Bên cạnh đó, hàng năm, gia đình nạn nhân và ngân sách quốc gia phải chịu thêm gánh nặng hàng ngàn tỷ đồng để khắc phục hậu quả của tai nạn giao thông.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: Phụ nữ TP.HCM

Ngày tưởng niệm các nạn nhân năm nay, một câu hỏi nhức nhối lại tiếp tục được đặt ra cho toàn xã hội: do đâu mà rất nhiều các biện pháp đã được triển khai, nhưng tai nạn giao thông ở nước ta vẫn diễn biến ngày càng nghiêm trọng?          

Trong những năm vừa qua, chúng ta đã thấy rõ nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc tăng cường nhận thức của toàn xã hội về an toàn giao thông. Từ "Tháng an toàn giao thông", rồi đến "Năm an toàn giao thông" được thực hiện theo từng chủ điểm. Các chương trình hành động vì mục tiêu an toàn giao thông đều có sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội, sự tham gia hưởng ứng của hầu hết các nghiệp đoàn, ngành nghề trong cả nước. Những khẩu hiệu tuyên tuyền khô cứng cũng đã được thay thế bằng những hình ảnh trực quan sinh động, những câu nói dễ nhớ, dễ hiểu trên các tuyến đường. Để cải thiện về hạ tầng giao thông, các địa phương cũng gấp rút xây dựng thêm nhiều công trình giao thông mới. Nhưng, vấn đề quyết định đến an toàn giao thông vẫn là ý thức tự giác chấp hành luật giao thông của người dân.

Sự chuyển biến về nhận thức của người dân trong những năm qua được ghi nhận là có, nhưng đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông thì dường như vẫn chưa “thẩm thấu” tốt những nguyên tắc đảm bảo an toàn. Chính vì vậy mà hằng ngày, hằng giờ, những thảm cảnh giao thông vẫn tiếp tục xảy ra. Nạn nhân có thể là bất cứ ai, từ những cán bộ cao cấp cho đến những người dân bình thường, từ những người đang sống hay những người đã khuất đang được người thân đưa về quê, đều có thể gặp tai nạn. Và chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên địa bàn cả nước có đến gần 10 vụ tai nạn thảm khốc mà nạn nhân là các thai phụ. Những em bé chưa kịp chào đời cũng trở thành nạn nhân của tai nạn giao thông là thực trạng vô cùng đau xót.

Cháu bé bị văng ra khỏi bụng mẹ do tai nạn giao thông gây xôn xao dư luận. Ảnh: motthegioi

Trở lại với vấn đề ý thức giao thông, dường như điều này vẫn chưa đến được với những thanh niên háu thắng, phóng xe bạt mạng trên đường; cũng chưa đến được với một bộ phận những người cầm lái các loại xe ben, xe tải, xe bồn, xe container, xe buýt - những hung thần từng gieo rắc bao nỗi kinh hoàng cho người đi đường; và cả những tài xế xe con mới tập tành lái xe nhưng đã gây ra thảm cảnh cho những người vô tội...Chúng ta mải xây cầu cống, đường xá, nhưng có thể nói việc xây dựng ý thức công dân lại chưa hiệu quả. Ngay cả ở thành phố Hồ Chí Minh – một đô thị phát triển và văn minh vào bậc nhất nước, nhưng những hành vi chen lấn, tranh giành, hơn thua lẫn nhau khi đi trên đường vẫn nhiều hơn là những hành động biết nhường nhịn nhau.

“Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại” thông điệp mang đậm tính nhân văn, nhưng để thực hiện tốt thông điệp này, cần có những biện pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, văn hóa, lối sống trong xã hội. Bởi hiện trạng này sẽ đi kèm với những diễn biến xấu về tai nạn giao thông. Tưởng niệm nạn nhân tử nạn vì tai nạn giao thông là dịp để cảnh tỉnh những người đang sống, đây cũng là lúc các cấp, các ngành phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình. Và trên hết, mỗi người dân hãy vì sự an toàn của bản thân, gia đình và xã hội mà ý thức được lằn ranh mỏng manh giữa sự bất cẩn và việc gây ra tội ác chết người, để hết sức tránh những hành vi có thể dẫn đến những tội ác mang tên tai nạn giao thông.