Phòng chống tham nhũng- không thể nhẹ tay

(VOH) - Tham nhũng - một vấn đề nhức nhối của xã hội, là sự cản trở xã hội phát triển, bởi khả năng làm nghèo đất nước của nó. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều giải pháp đấu tranh, ngăn ngừa nạn tham nhũng và đang từng bước phát huy tác dụng tích cực. Tuy nhiên, để công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả, chúng ta cần phải quyết liệt và mạnh tay hơn đối với loại tội phạm này.

Ngày 26/11 vừa qua, Đối thoại về phòng chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 13 với chủ đề “ Các giải pháp PCTN và thu hồi tài sản tham nhũng” do Thanh tra Chính Phủ, Bộ Tư Pháp và Đại sứ quán Anh tổ chức tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đối thoại diễn ra ngay vào thời điểm mà ngành chức năng và các địa phương có liên quan đang tập trung giải quyết các trường hợp bất minh về nhà đất của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ - ông Trần Văn Truyền. Bước đầu những thông tin thu hồi và xử lý các tài sản nói trên đã làm cho cử tri cả nước hài lòng. Trước đó, một số vụ việc tham nhũng cộm cán của Vinashin, Vinalines, Công ty cho thuê tài chính 2…mà lượng tài sản công thất thoát quá lớn - ước tính hàng chục ngàn tỷ đồng, cũng đã gây điều tiếng và bức xúc cho dư luận, làm giảm uy tín của Đảng trong cán bộ đảng viên và người dân, đồng thời gây ra những ngờ vực từ phía các tổ chức tài chính và nhà đầu tư Quốc tế. Có thể nói là bước đầu, các vụ trọng án về tham nhũng đã được xét xử đúng người đúng tội và sự nghiêm minh của luật pháp đã góp phần củng cố niềm tin vào sự thắng lợi bước đầu của công cuộc đấu tranh PCTN, đồng thời mang tính răn đe mạnh mẽ, tạo ảnh hưởng tích cực trong xã hội và dần lấy lại niềm tin trong cán bộ, đảng viên và dân chúng.

Nhà đất có liên quan đến ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ ở nhiều nơi được ủy ban Kiểm tra trung ương làm rõ - Đồ họa: Tuổi trẻ

Vậy nhưng bên cạnh đó, mối ưu tư và bức xúc vẫn còn đeo đẳng và dường như chưa có giải pháp thỏa đáng. Đó là sự thiệt hại và thất thoát ngân sách Nhà nước do tham nhũng là quá lớn, song số tài sản thu hồi lại dường như còn quá nhỏ bé. Trong khi đó việc thu hồi tài sản là nội dung quan trọng của công tác đấu tranh chống tham nhũng, với yêu cầu mọi tài sản do tham nhũng mà có, phải được thu hồi, tịch thu. Cần nói thêm là các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng đã được quy định tại nhiều văn bản như Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự, Luật Dân sự, luật Phòng chống rửa tiền…. Vậy nhưng thực tế cho thấy, công tác thu hồi và tịch thu tài sản tham nhũng là chưa đạt yêu cầu và chưa như mong đợi. Tỷ lệ thu hồi thấp và rất khó phát hiện để thu hồi, do cá nhân tham nhũng đã che giấu, tẩu táng dưới nhiều hình thức tinh vi và phức tạp. Đơn cử như trong 3 năm 2010-2013 tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra là 17.000 tỷ đồng, song giá trị thu hồi chỉ được 5.000 tỷ- khoảng 29,4% và năm 2014 thiệt hại do tham nhũng vào khoảng 6.740 tỷ nhưng chỉ thu hồi, nộp ngân sách được 1.500 tỷ-đạt khoảng 22,3%.

Đã có nhiều kinh nghiệm của quốc tế được đưa ra tại 12 cuộc đối thoại trước đây, kể từ năm 2007 và nhiều chủ đề liên quan đến công tác PCTN đã được thảo luận cởi mở và thẳng thắn, nhằm tìm ra những giải pháp phù hợp với tình hình của Việt Nam, như thúc đẩy thực hiện liêm chính trong cộng đồng doanh nghiệp, giải pháp PCTN trong hoạt động kinh doanh. Làm sao xây dựng được môi trường kinh doanh trong sạch và minh bạch. Một số giải pháp được khuyến khích là kê khai và giám sát chặt chẽ  tài sản của cán bộ công chức, giữ mức thu nhập để đảm bảo rằng họ sẽ không còn nghĩ tới chuyện tham nhũng và giảm các giao dịch bằng tiền mặt, bởi càng dùng tiền mặt nhiều trong giao dịch thì càng tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển và rửa tiền nở rộ. Đồng thời giải pháp giao dịch điện tử giữa Chính phủ với người dân cũng là giải pháp tích cực trong PCTN cần được quan tâm.

Qua 13 lần đối thoại về PCTN đã cho thấy chiến lược và sự quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn này của Nhà nước ta. Đây thực sự là các cuộc trao đổi, thảo luận thẳng thắn và cởi mở nhằm tăng cường hiểu biết, củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với quyết tâm PCTN của VN.

Thiết nghĩ công cuộc đấu tranh PCTN còn nhiều khó khăn, phức tạp và không kém phần cam go và quyết liệt. Nếu thiếu sự tỉnh táo, kiên trì và mạnh mẽ thì rất khó đấu tranh với loại tội phạm này. Không thể nhẹ tay với tham nhũng- kể cả việc phải vượt qua các rào cản, thì mới mong đi tới tận cùng của đích đến.