Pháp quyền và lòng tin

(VOH) - Việc Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Bình Chánh TPHCM khởi tố chủ quán cà phê Xin Chào khiến dư luận bất bình và sau đó là những động thái chấn chỉnh tức thời, đã cho thấy, dù ở cấp nào thì việc quản lý và điều hành xã hội rất cần sự chuẩn xác, minh bạch và công tâm.

Nghe bài viết:

Chỉ mấy ngày thôi, sự việc bùng phát mạnh mẽ và dư luận bức xúc vì cách xử lý nóng vội và có phần khó hiểu, đồng thời rất dễ bị nghi vấn về động cơ đứng đằng sau của ngành tố tụng huyện Bình Chánh. Một vụ việc lẽ ra chỉ đáng xử lý vi phạm hành chánh nhưng ngành chức năng của huyện này đã “nâng quan điểm” tới mức hình sự hóa và dĩ nhiên là không nhận được sự đồng tình của  người dân.

Quán cà phê Xin Chào như bao quán cà phê bình thường khác bỗng trở nên nổi tiếng bởi sự quan tâm của dân chúng xuất phát từ chính sự không đồng tình đó.

Quán cà phê Xin chào. Ảnh: Dân Trí

Dư luận quan tâm mạnh mẽ bởi mọi thứ xuất phát từ thái độ và cách hành xử có vẻ bất thường của ngành chức năng huyện Bình Chánh. Sự quan tâm ấy cũng đến từ lương tâm của những ai thấy sự việc tưởng chừng như bình thường, không đến mức phải khởi tố hình sự mà nhiều khả năng người ta định đưa chủ quán vào vòng lao lý bằng án hình sự. Thành ra, khi trong buổi họp báo, có ý kiến cho rằng “sự việc này nhỏ như móng tay, báo chí không cần tốn nhiều giấy mực” đã khiến dư luận xã hội bức xúc!

Cơ sở để dư luận không đồng tình với quan điểm vừa nêu là do ông Tấn- chủ quán cà phê Xin Chào từ một người kinh doanh chân chính, chỉ vì sơ xuất nhỏ, trong đó có lỗi chậm trễ của chính ông hoặc cố tình gây khó dễ của cơ quan chức năng, trở thành kẻ nhiều khả năng vướng tội và như vậy, có thể tương lai của ông Tấn sẽ mờ mịt cùng với các hệ lụy khác tất yếu sẽ đến.

Ở góc độ trên thì sự việc không thể bị xem là nhỏ “như móng tay” nữa rồi! Bởi xét rộng ra, hiện còn nhiều, rất nhiều hộ kinh doanh, làm ăn khác có thể đang không có “giấy phép kinh doanh” theo cái cách giải quyết như trên của ngành chức năng huyện Bình Chánh thì sẽ còn lắm chuyện buồn lòng. Nếu vậy thì môi trường kinh doanh ở một thành phố được xem là năng động nhất cả nước, như TPHCM, sẽ chẳng còn hấp dẫn với bất cứ ai.

Điều này dễ dẫn đến những suy diễn tiêu cực khác như: nếu ai đó chưa kịp có giấy phép kinh doanh mà lỡ khai trương lấy ngày- cái này là theo tập quán văn hóa, chọn ngày lành tháng tốt để khai trương của người Việt Nam, thì coi chừng chủ quán sẽ gặp phiền hà như chơi. Vậy là từ một môi trường kinh doanh được xem là rất thuận lợi mà lãnh đạo TPHCM, qua các thời kỳ, đã tạo dựng và khuyến khích, có bị phủ nhận hay không.

Điều này lý giải vì sao vụ việc tưởng nhỏ mà đến cả Thủ tướng Chính phủ rồi Bí thư Thành Ủy, Chủ tịch UBND TPHCM và các vị lãnh đạo khác, phải lên tiếng là vậy!

Vì sao khi nghe nhắc đến vụ việc nêu trên, nhiều người không đồng tình và sẵn sàng chia sẻ với ông Tấn? Rõ ràng là trong cách giải quyết vụ này, ngành chức năng đã thiếu cân nhắc thiệt hơn và thậm chí là có phần vội vã.

Có thể nói là qua câu chuyện này, niềm tin của người dân vào cơ quan công quyền đã bị giảm sút. Rất may và vẫn còn kịp thời là từ thông tin của báo chí mà lãnh đạo Trung ương và thành phố đã chỉ đạo giải quyết có lý có tình.

Trong không khí cởi mở hiện nay, cách điều hành, quản lý xã hội tùy tiện như vụ việc kể trên cần phải được chấm dứt. Đây cũng là bài học cho không ít địa phương trên về cung cách điều hành và quản lý như thế nào cho công bằng và thực sự minh bạch.

Ở đó chính quyền phải hiểu biết và gần dân để vận dụng pháp luật đúng nơi, đúng chỗ! Một nền pháp trị công bằng không phải là sự áp đặt tùy tiện các quy định của luật pháp, cũng không thể sử dụng quyền hành và luật pháp một cách xơ cứng, mà phải biết hướng dẫn và làm cho người dân hiểu, làm theo đúng pháp luật.

Luật pháp luôn mang tính giáo dục và cả sự răn đe, vì vậy khi áp dụng luật pháp vào thực tiễn sinh động rất cần sự tận tâm và trách nhiệm của viên chức khi thực thi công vụ bằng việc hướng dẫn, giải thích cho người dân hiểu để làm đúng. Không thể và không phải lúc nào cũng vận dụng máy móc và tệ hại hơn là vận dụng sai luật pháp hiện hành.

TPHCM là một đô thị đặc biệt. Cả thành phố đang nỗ lực xây dựng chính quyền đô thị văn minh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật, làm giàu cho mình và đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Nhưng sự việc vừa xảy ra tại Bình Chánh là bài học kinh nghiệm sâu sắc bởi cách ứng xử và thực thi pháp luật một cách tùy tiện, thiếu tình lý, không tâm phục, khẩu phục của một số vị đầu ngành tại đây mà nếu không có sự can thiệp kịp thời sẽ tạo tiền lệ xấu và ảnh hưởng tới sự nghiệp chung.

Nụ cười đã hiện diện trên khuôn mặt của ông Nguyễn Văn Tấn. Ảnh: Dân Trí

Giờ thì Viện trưởng Viện KSND tối cao đã chỉ đạo đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Nguyễn Văn Tấn. Viện KSND TPHCM cũng khẳng định, hành vi của ông chủ quán cà phê Xin Chào không cấu thành tội phạm. Đồng thời, một số cá nhân liên quan của Viện KSND và Công an huyện Bình Chánh cũng đang bị xem xét trách nhiệm.

Qua vụ việc này, chúng ta tin rằng, nền quản trị xã hội văn minh, nền hành chính công đang được cải cách mạnh mẽ tự khắc sẽ sàng lọc những ai đó lạm quyền, đi ngược lại tinh thần xã hội pháp quyền, gây bất an cho xã hội. Xây dựng TPHCM xứng danh là một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình đang rất cần tạo dựng niềm tin, động viên tinh thần và ý chí cho người dân từ những việc làm hữu ích, dù là nhỏ bé nhất.