Nỗi đau của ngành giáo dục

(VOH) - Thông tin kết quả thi THPT quốc gia của nhiều học sinh tỉnh nghèo miền núi Hà Giang cao một cách bất thường đã làm dấy lên những nghi ngờ về việc có tiêu cực, sai phạm.

Qua kiểm tra, thẩm định, có đến 114 thí sinh với 330 bài thi được nâng điểm ít nhất từ 1,0 đến cao nhất là 8,75 điểm. Sự thật được đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố còn chấn động hơn cả những gì hoài nghi. Cần phải xử lý nghiêm minh, đến nơi đến chốn để lấy lại niềm tin của người dân, đặc biệt là hàng triệu phụ huynh và thí sinh.

Những ngày qua, ngành giáo dục Hà Giang trở thành tâm điểm chú ý của dự luận, đặc biệt là gần 1 triệu thí sinh tham gia kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và hàng chục triệu phụ huynh trong cả nước. 

Nghe nội dung bài viết

Cũng dễ hiểu khi kết quả thi THPT quốc gia của nhiều học sinh tỉnh nghèo miền núi Hà Giang cao một cách bất thường. Một số thí sinh có học lực yếu kém bỗng “tỏa sáng” khi điểm số thi không chỉ nằm trong tốp đầu Hà Giang, mà còn nằm trong tốp đầu cả nước.

Điều bất thường gì đang xảy ra? Dư luận nghi ngờ về những tiêu cực, gian lận, cần được làm rõ. Và khi kết quả được đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, sự thật còn chấn động hơn cả những gì hoài nghi. 

Thi THPT quốc gia 2018, Hà Giang

Danh sách 10 thí sinh có điểm Toán cao nhất ở Hà Giang.

Việc gian lận điểm ở Hà Giang có lẽ là một trong những bê bối lớn nhất trong ngành giáo dục từ trước đến nay. Bởi trước giờ, nơi này nơi khác từng xảy ra không ít chuyện gian lận trong thi cử, từ lộ đề, phao thi đến mua bán điểm… Thế nhưng, ngang nhiên sửa điểm trong hệ thống dữ liệu điểm thi quốc gia một cách táo tợn như ở Hà Giang thì có lẽ là lần đầu tiên, chưa từng có.

Không thể tưởng tượng nổi là cảm giác chung của rất nhiều người khi tiếp cận sự thật. Số lượng bài thi được sửa lên đến con số hàng trăm, chứ không phải chỉ một vài bài đơn lẻ. 102 bài thi Toán đã chênh lệch từ 1,0 điểm đến 8 điểm; 85 bài thi Vật lý đã chênh lệch lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm; 56 bài thi Hóa đã chênh lệch từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm; 52 bài thi Tiếng Anh đã chênh lệch từ 1,4 điểm đến 7,8 điểm…

Thật khó tin khi có những bài thi điểm liệt, thực chất chỉ từ 1 hoặc 2 điểm lại được sửa thành những con số ngất ngưỡng. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lệch lên hơn 20 điểm so với điểm thẩm định.

Cá biệt, có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến xấp xỉ 30 điểm so với điểm chấm thẩm định. Có điều, những điểm 8, điểm 9 tròn trịa được sửa không mang vẻ đẹp của tri thức, mà là hiện thân của sự gian dối không thể chấp nhận.

Như lời ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo - “đó là những điểm số xấu xí”. Và hơn cả sự xấu xí, đó là nỗi đau của ngành giáo dục.

Sẽ còn rất nhiều điều cần làm rõ sau sai phạm chấn động này. Xác minh ban đầu cho thấy ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.

Động cơ nào để một cán bộ công tác lâu năm trong ngành giáo dục sẵn sàng “phù phép” cho những thí sinh lẹt đẹt 1 hoặc 2 điểm trở thành học sinh xuất sắc với những điểm số thủ khoa? Bởi lẽ, ở vị trí đó, hơn ai hết, ông Lương chắc chắn hiểu rằng khi nâng điểm người này thì đồng nghĩa sẽ có học sinh khác phải gánh chịu bất công, là tước mất cơ hội của rất nhiều học sinh khác có năng lực hơn.

Điểm số cao ngất, nếu như không bị phanh phui, gần như đảm bảo một suất cho thí sinh được sửa điểm vào thẳng những trường đại học hàng đầu cả nước. Cơ hội đó, hàng trăm ngàn thí sinh đã và đang phải cạnh tranh khốc liệt, nhưng vị cán bộ Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Giang chỉ mất 6 giây để “phù phép”.

Nhiều học sinh học ngày học đêm, tích lũy tri thức làm hành trang vào đời, thực hiện những ước mơ tương lai chỉ còn biết rớt nước mắt trước sự gian dối đáng lên án này. Đáng nói hơn, sai phạm xảy ra ở môi trường giáo dục, môi trường lẽ ra tính trung thực phải luôn được đặt lên hàng đầu. Niềm tin và sự công bằng nào cho các em, cho các bậc phụ huynh?

Và xa hơn, những bạn trẻ không đủ kiến thức, không đủ năng lực nhưng nhờ sự gian dối mà bước vào các trường danh tiếng rồi sẽ ra sao! Có lẽ là sẽ tiếp tục gian dối để có chỗ đứng trong xã hội, bởi họ đã quen sự gian dối ngay từ ngưỡng cửa vào đời.

Theo thông tin từ đoàn kiểm tra, có rất nhiều tin nhắn gửi số báo danh tới ông Vũ Trọng Lương, từ đó ông này tiến hành sửa điểm. Và xin nhắc lại, thời gian xử lý chỉ có 6 giây cho một trường hợp. Dư luận đang tiếp tục nghi vấn, một cá nhân có thể thực hiện việc không tưởng này.

Liệu có cả đường dây phía sau? 

Hiện tượng này chỉ mới xảy ra năm nay hay đã từ những năm trước? Và ngoài Hà Giang, tình trạng gian lận có xảy ra ở những địa phương khác cũng có điểm thi bất thường hay không? Một điều nữa, những ai nhờ vả, can thiệp sửa điểm cho 114 thí sinh không thể là những người vô can.

Nếu là cán bộ công chức, thì càng phải xử lý nghiêm khắc hơn. Vì rằng, không thể để một “điểm đen xấu xí” như thế làm ảnh hưởng chung tới  hàng triệu thí sinh, hàng triệu gia đình, ảnh hưởng đến cả ngành giáo dục với sự nghiệp trồng người cao quý.

Trước, trong và sau mỗi kỳ thi, ngành Giáo dục và Ban tổ chức các địa phương đều khẳng định, các kỳ thi đã diễn ra thành công, nghiêm túc, công bằng. Các quy trình được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Đội ngũ thầy cô công tác trong ngành giáo dục đầy tận tâm.

Một kỳ thi quốc gia với công sức đóng góp của ngành giáo dục và cả xã hội, vì thế, kết quả thi được tin tưởng và chờ đợi. Thế nhưng, niềm tin đó bỗng chốc sụp đổ trước sai phạm cá biệt. Trước sự việc nghiêm trọng này, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Hàng triệu thí sinh và phụ huynh, người dân cả nước chờ đợi, tất cả những khuất tất, sai phạm sẽ được xử lý nghiêm minh, rốt ráo, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan.

Có vậy mới lấy lại được niềm tin ở người dân, niềm tin cho ngành giáo dục trước nỗi đau chưa từng có này. Và rằng, để những sự việc tương tự sẽ không còn tái diễn.