Nghĩa tình của người thành phố

(VOH) - “Chiến dịch giải cứu hành tây” do nhóm bạn trẻ TPHCM thực hiện, giúp bà con nông dân Đà Lạt tiêu thụ lượng hành ùn ứ, dự kiến diễn ra trong 3 ngày. Thế nhưng chỉ mới 2 ngày, toàn bộ số hành đã được bán hết.

Thông tin này chỉ trong vòng vài giờ đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang tin điện tử, trang mạng xã hội, và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng. Đây là dấu hiệu cho thấy, những hành động nghĩa tình, nhân ái, chạm đến trái tim con người luôn được đón nhận và ủng hộ hết mình.

Chiến dịch Giải cứu hành tây thu hút 120 tình nguyện viên tham gia (ảnh: NLĐ)

Và một điều chắc chắn rằng, đây không phải là lần đầu tiên các bạn trẻ cũng như người dân TP chung vai góp sức, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân các tỉnh, thành cả nước. Gần nhất, trong tháng tư vừa rồi, hàng chục tấn dưa hấu Quảng Ngãi, hàng trăm tấn hành tím Sóc Trăng bị tồn đọng cũng đã được tiêu thụ tại Hà Nội và TPHCM, đã giúp người nông dân nghèo khó qua cơn lận đận, khi không tìm được đầu ra cho nông sản.

Không chỉ giúp bà con thoát khỏi “thảm cảnh vương quốc hành tím”, hay cảnh “khóc ròng với ruộng hành tây”,… thế hệ trẻ và người dân đô thị đang góp phần xóa nhòa khoảng cách địa lý giữa nông thôn và thành thị, tiếp tục thắp lên tinh thần tương thân tương ái tốt đẹp bao đời của dân tộc ta.

Không ấm lòng sao được khi chỉ riêng chiến dịch “giải cứu hành tây” trong tuần vừa qua, đã thu hút hơn 120 tình nguyện viên tham gia, mà đa phần là những bạn trẻ. Họ đến tận vùng sâu, vùng xa của Đà Lạt thu mua hành với giá cao, rồi túa ra các ngả đường TPHCM để bán trong tiết trời nắng nóng như đổ lửa. Thử hỏi hành động nghĩa tình giải cứu hành tây, hành tím, dưa hấu ấy liệu có đạt kết quả như thế, nếu không có sự ủng hộ trên cả mong đợi của người đi đường, của những quán ăn, siêu thị,..

Câu chuyện thầy trò trường THPT Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp ủng hộ hành tím Sóc Trăng cũng không khỏi khiến TPHCM thêm tự hào bởi hình ảnh câu ca dao “bầu ơi thương lấy bí cùng” từ thuở vỡ lòng đã hiển hiện 1 cách trọn vẹn nơi đây. Trước đó không lâu, trái dưa hấu ế ẩm của miền trung nghèo khó đã được các phụ huynh, thay mặt con em mình tại nhiều trường học ở Thủ đô tranh nhau mua về để giải quyết cái khó cho nông dân.

Vâng, những tình nguyện viên, những người trẻ, những cư dân tốt bụng của các đô thị hôm nay đã không ngại chia sẻ bao khó khăn trong cộng đồng. Dám nghĩ, dám làm, họ đã cùng nhau làm nên điều kỳ diệu, đem đến niềm vui và hạnh phúc cho biết bao người nông dân chân lấm tay bùn. Người dân TP luôn sẵn sàng chung tay chia sẻ khó khăn với đồng bào đang khó khăn, lam lũ. Kết quả gặt hái được từ các chiến dịch gỡ khó cho nông sản này cũng như phản hồi tích cực từ cộng đồng cho thấy, rồi đây mô hình này tự nó sẽ còn được nhân rộng hơn nữa.

Suy cho cùng, những tình nguyện viên cũng như người dân các đô thị tích cực hưởng ứng các chiến dịch trợ giúp tiêu thụ nông sản, bởi trong thâm tâm mỗi người chẳng ai nỡ nhìn cảnh đồng bào miền nông thôn phải lao đao, khổ sở. Thế nhưng, vài tấn hành tây, hàng trăm tấn hành tím hay dưa hấu kia được tiêu thụ, cũng chỉ là 1 phần nhỏ trong lượng lớn nông sản bị tồn đọng ở các vùng quê. Bởi vậy, cùng với việc tôn vinh những hành động nghĩa tình ấy, rất cần tính toán con đường dài cho nông sản Việt.
Điều này đòi hỏi ở cấp độ vĩ mô, các bộ, ngành cần phối hợp với địa phương đưa ra lộ trình phát triển phù hợp cho các loại nông sản, trong đó, phát huy thế mạnh của từng địa phương. Ngoài ra, cần tăng cường phổ biến thông tin, nâng cao trình độ cho bà con nông dân, tránh việc nuôi trồng theo phong trào để rồi rơi vào cảnh “được mùa mất giá”.

Bên cạnh đó, việc nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt ngay trên sân nhà cũng cần được quan tâm và tính toán nghiêm túc. Làm sao giải quyết được bài toán phân phối, giảm được các khâu trung gian để giá cả nông sản ở các TP lớn lấy lại được ưu thế hàng Việt, đặc biệt là so với hàng ngoại nhập không rõ nguồn gốc. Đối với thị trường xuất khẩu, thiết nghĩ với tin vui vừa được công bố cách đây vài ngày, rằng trái vải Việt Nam đã chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và Úc, tin rằng nhiều thị trường rất sẵn lòng mở cửa đón chào nông sản Việt chất lượng cao. Tin rằng sau hồi chuông cảnh báo vừa qua, qua những chiến dịch giải cứu thể hiện tiếng nói chung của cộng đồng, sẽ tiếp thêm động lực cho các bộ, ngành, địa phương chung tay tìm lối ra cho nông sản Việt./.