Ngăn chặn lỗi tư duy

(VOH) - Chủ trương của Bộ GTVT về sửa đổi quy định pháp lý để cấp riêng hai loại giấy phép lái ôtô số sàn và số tự động dự kiến triển khai từ tháng 9 tới. Đề xuất này khiến dân tình “xôn xao” quá !

Những năm gần đây, các Bộ - ngành- địa phương có khá nhiều đề xuất, quy định bị dư luận phản ứng mạnh mẽ vì thiếu khả thi và chưa đi vào cuộc sống thì đã “chết yểu” ngay trên bàn giấy. Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại đề xuất sửa đổi một quy định gây tranh cãi là tách riêng giấy phép lái xe số sàn và giấy phép lái xe số tự động theo “nhu cầu thực tế”. Dư luận hoài nghi về “cái cớ” này bởi hiện nay, dù lượng người lái xe số tự động ngày càng tăng nhưng có hay không nhu cầu “cấp thiết” được cấp riêng giấy phép lái xe số tự động lại là câu chuyện khác !

Trên kênh phát thanh của Đài, nhiều thính giả cho rằng, nếu đã học lái xe thì nên học từ khó đến dễ. Học càng khó, càng lái an toàn. Học viên lấy bằng lái số sàn, về sau chuyển sang lái xe số tự động sẽ dễ dàng mà cũng không sợ bị phạt. Được đào tạo đàng hoàng và bài bản, người ta hoàn toàn làm chủ được cả hai loại. Vậy, tách riêng 2 loại giấy phép lái xe này có thật sự cần thiết không ?

Các trường dạy lái xe đã cố tình “cắt xén” quỹ thời gian tiếp cận xe số tự động. Ảnh minh họa: internet

Thông tư 46/2012 của Bộ GTVT quy định : quá trình đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, nơi đào tạo phải dành ra 10 tiếng đồng hồ để học viên lái xe số tự động. Nhưng thực tế, bộ phận trung tâm, trường đào tạo lái xe lại rất xem nhẹ việc này và chỉ cho học viên học lái xe số sàn. Vậy tại sao Bộ GTVT không buộc các cơ sở đào tạo dạy lái xe thực hiện nghiêm thông tư 46 hoặc tăng thêm thời lượng đào tạo lái xe số tự động, giúp học viên nâng cao kỹ năng lái cả 2 loại xe và nâng cao chất lượng đào tạo ?

Bộ phận trường dạy lái xe cố tình “cắt xén” thời gian tiếp cận xe số tự động khiến học viên bị thiệt thòi. Lý ra, cơ quan quản lý phải “ giơ cao đánh mạnh” thì giờ đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại nghiên cứu tách riêng 2 loại giấy phép lái xe số sàn và số tự động, “góp” thêm rắc rối cho học viên và cho chính mình trong quá trình quản lý về sau.

Xu hướng quản lý xã hội là ngày càng tiến bộ. Cái mới phải ưu việt hơn cái cũ. Thay đổi có lợi cho dân thì nên làm. Cái nào phức tạp, rườm rà thì nên tinh giản ! Trong nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, sự tinh gọn chính là nguyên tắc cơ bản để rút ngắn thời gian, công sức, tạo thuận lợi cho người dân. Thiết nghĩ đó phải là chủ trương xuyên suốt để các cơ quan có thẩm quyền ban hành những văn bản dưới luật phù hợp với cuộc sống.

Nhưng, đáng ngại hơn, mấy năm gần đây không ít Bộ- ngành cho “ra lò” hàng loạt đề xuất, quy định “trên trời”. Còn nhớ, trước đây các cơ quan tham mưu khi xây dựng Nghị định 171 xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đã từng áp dụng quy định gây tranh cãi là “ xử phạt lái xe không chính chủ” hay “phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm, kém chất lượng” và sau đó phải hủy bỏ.  Một số cơ quan tham mưu của Bộ Công an từng đề xuất ghi tên cha mẹ trong giấy Chứng minh nhân dân mẫu mới hay muốn ghi hình, chụp ảnh cảnh sát giao thông phải xin phép... và rốt cuộc cũng không khả thi. Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch từng công bố quy định cấm lắp cửa kính trên nắp quan tài của cán bộ, công chức, viên chức khi ma chay, rồi sau đó cũng phải rút lại. Bộ Y tế từng cấm người thấp bé nhẹ cân thậm chí là vòng ngực nhỏ không được lái xe hay đề xuất cấm bán rượu bia sau 22 giờ đêm cũng không thực hiện được. Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn từng hủy bỏ 2 thông tư 33 và 34 về qui định bán trứng gia cầm phải có địa điểm riêng biệt với khu dân cư… hay bán thực phẩm không được để quá 8 tiếng đồng hồ. Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng từng bị hố nặng với đề xuất cộng điểm thi Đại học cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng…

Một thống kê khiến chúng ta phải suy ngẫm là năm 2014 qua kiểm tra gần 3.900 văn bản do Bộ - ngành, địa phương ban hành, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã phát hiện đến 634 văn bản trái căn cứ và thể thức. Đây là minh chứng rõ ràng về sự hời hợt, thiếu thực tế của nhiều cán bộ ở các cơ quan tham mưu thuộc không ít Bộ - ngành - địa phương.

Khi trình độ dân trí ngày càng cao thì trình độ quản lý, khả năng tư duy của cán bộ quản lý cũng phải được nâng cấp theo mặt bằng phát triển chung của xã hội. Bất kỳ sự chủ quan, duy ý chí nào trong việc “đẻ” ra đề xuất, qui định… đều được xem là “tư duy bàn giấy” xa rời thực tế và không gần với dân. Cần phải loại bỏ !

Hãy xem quản lý xã hội như vận hành một hệ thống dây chuyền sản xuất. Xảy ra lỗi ở khâu nào sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của dây chuyền đó và chỉ tạo ra những sản phẩm đầy… lỗi cho xã hội. Để tránh lặp lại những điều tương tự, chúng ta nhất định phải ngăn chặn lỗi tư duy ngay từ đầu, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.