Năng lực bộ máy hành chính công và trách nhiệm cộng đồng

(VOH) - Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã công bố nghiên cứu “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam - Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân” khảo sát trên gần 75.000 người tại 63 tỉnh thành. Báo cáo từ dự án này một lần nữa phản ánh mối quan hệ đầy nhập nhằng giữa cơ quan hành chính công với người dân.

Cần nhấn mạnh rằng, UNDP là tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận có uy tín, đã và đang hợp tác thực hiện nhiều chương trình với Chính phủ, chính quyền nhiều tỉnh thành trong nước, nên nghiên cứu nói trên là đáng tin cậy, có giá trị tham khảo thực tiễn. 

Người dân làm thủ tục hành chính ở UBND Q.1, TP.HCM - Ảnh minh họa: TTO

Phân tích các số liệu cho thấy, tỉ lệ người dân tham gia khảo sát tại TPHCM và Hà Nội cao gấp 3 lần so với các tỉnh thành khác. Theo đó, gần 30% người dân nói rằng phải có phí “bôi trơn” khi làm thủ tục nhà đất, hơn 30% cho biết phải “bồi dưỡng” cho y tá – bác sĩ khi đi bệnh viện và hơn 50% tin rằng cần tiền “lót tay” nếu muốn xin vào làm cơ quan nhà nước. 

Ở góc độ khác, nghiên cứu phản ánh tình trạng người dân TPHCM bình quân phải chi hơn 14 triệu đồng cho một lượt làm giấy tờ nhà đất và gần 853.000 đồng/học kỳ để “bồi dưỡng” cho thầy cô, ban giám hiệu hay khoản “viện phí tăng thêm” bình quân 730.000 đồng/lượt. 

Trong khi đó, tỉ lệ tố giác hành vi đòi hối lộ ở TPHCM giảm từ 12,5% năm 2011 xuống còn 2,3% năm 2015. Ngoài ra, tỉ lệ người dân được khảo sát cho rằng một số cán bộ dùng tiền công quỹ cho mục đích riêng cũng tăng từ 21% năm 2011 lên hơn 25% năm 2015.

Những con số nêu trên phản ánh một xu hướng đáng báo động. Đó là tình trạng đưa và nhận hối lộ đang trở nên phổ biến, cả phía cán bộ viên chức nhà nước lẫn từ phía người dân.

Trước thực trạng này, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã nhấn mạnh rằng: để xây dựng chính quyền vững mạnh cần có sự cộng đồng trách nhiệm của người dân.

Quan điểm này là cách đối mặt trực diện, nhìn thẳng vào “gốc rễ” của vấn đề. Nó trái ngược với phần lớn những ý kiến bày tỏ trên các trang mạng xã hội hiện nay liên quan đến tham nhũng chỉ tập trung phê phán, thậm chí “chỉ trích” bộ máy hành chính công.

Quả thật, tình trạng cán bộ viên chức nhà nước lạm quyền, nhũng nhiễu người dân để tham nhũng, ăn hối lộ, tư lợi cá nhân hiện đang diễn biến phức tạp và là nỗi “nhức nhối” của xã hội dù công tác phòng chống tham nhũng luôn được đặc biệt lưu tâm. 

Tuy vậy, vai trò, trách nhiệm từ cộng đồng cũng phải được nhìn nhận đầy đủ hơn bởi tâm lý “chi tiền để được việc”, hay “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” của một bộ phận người dân đang vô tình góp phần thúc đẩy nạn tham nhũng, ăn hối lộ.

Mặt khác, cơ quan chức năng cần quan tâm đến thực tế tỉ lệ tố giác hành vi đòi hối lộ đang giảm đi hay nhu cầu công khai, minh bạch thông tin, chính sách quan trọng từ người dân. Bởi đây chính là “khoảng tối”, là “không gian sống” lí tưởng của nạn tham nhũng, ăn hối lộ.

Như vậy, giải pháp ở đây là phải tăng cường sự kết nối giữa cơ quan công quyền với người dân theo hai hướng trọng tâm. Trước hết, bộ máy hành chính cần phải công khai, minh bạch tối đa các thông tin, chính sách và hiện đại hóa quy trình làm việc và quản lý, giám sát nhằm giảm thiểu tối đa các quy định rườm rà khiến người dân “nản lòng”, dễ dẫn đến việc sẵn sàng chi tiền hối lộ. 

Song song đó, cần tạo ra cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân mạnh dạn tố cáo hành vi đòi hối lộ và đồng thời tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ quy trình thủ tục hành chính đúng quy định, không tìm cách tranh thủ “vượt rào” bằng hành vi “đút lót” hay phí “bôi trơn”. Nói cách khác, phải làm sao khơi dậy “trách nhiệm cộng đồng” để tạo sức bật cho công tác phòng chống tham nhũng, ăn hối lộ. 

Theo đó, cả hai nội dung này đều đòi hỏi mức nỗ cao hơn, thách thức lớn hơn với năng lực của bộ máy hành chính công hiện nay và trải đều trên mọi lĩnh vực từ giải quyết giấy tờ nhà đất, giấy tờ cá nhân, dịch vụ y tế, giáo dục…

Chung quy lại, câu trả lời cho mối quan hệ giữa cơ quan hành chính công và người dân chính là niềm tin. Nhiệm vụ của chính quyền các cấp phải làm sao để khôi phục niềm tin của người dân vào sự minh bạch, vào khả năng giải quyết các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của mọi người và niềm tin vào sự quyết tâm đấu tranh với nạn tham nhũng, ăn hối lộ.