Mãi xứng danh Thành phố anh hùng

(VOH) - Hôm nay, nước ta long trọng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nhớ lại ngày này của 40 năm về trước, Sài Gòn tràn ngập cờ hoa, lớp lớp đồng bào hân hoan chào đón 5 cánh quân giải phóng đổ về thành phố. Niềm vui như chợt vỡ òa. Lòng người rộn rã, lâng lâng không thể tả sao cho hết.

TPHCM văn minh, hiện đại và nghĩa tình ngày hôm nay. Ảnh: Zing

Bằng đại thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cuộc chiến 30 năm đã thực sự kết thúc. Chiến tranh đã khép lại để từ đây Bắc Nam liền một dải, cả nước đồng thanh ca khúc khải hoàn.

Kỳ diệu thay, Thành phố Sài Gòn ngày ấy được tiếp quản gần như trọn vẹn. Nước, điện và những nhu cầu thiết yếu của đời sống dường như chỉ bị gián đoạn trong thời gian ngắn. Mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường nhờ sự nỗ lực của chính quyền quân quản, của đồng bào đồng chí và sự hỗ trợ của các viên chức chế độ cũ. Tất cả cùng phải ráng sức khi chuyển sang công cuộc mới mà ở đó không kém phần cam go và quyết liệt. Đó là cuộc chiến đấu để vượt qua bao khốn khó và bộn bề của đời sống thường nhật sau chiến tranh. Mọi chuyện dường như còn quá mới mẻ với chính quyền Cách mạng non trẻ. Niềm vui độc lập rồi cũng dần lắng xuống để bắt đầu cho cuộc sống mới và chỉ không lâu sau đó, những khó khăn thiếu thốn đủ đường, đã mau chóng xuất hiện và vây quanh: thiếu nước, thiếu điện, lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh dần khan hiếm… cùng biết bao nhiêu nhu cầu cấp thiết đặt ra như việc học hành, khám chữa bệnh, nhu cầu đi lại của người dân…

“Cái khó ló cái khôn”, có thể nói là từ trong biết bao nhiêu rối rắm và phức tạp vào thời điểm đó, lãnh đạo TPHCM qua các thời kỳ đã luôn phát huy tính chủ động, năng động và sáng tạo, lại biết dựa trên sức mạnh của đội ngũ cán bộ quản lý các ban ngành, của lực lượng trí thức từ nhiều nguồn, không chịu buông xuôi và chấp nhận khó khăn. Quan trọng hơn là luôn nhận được sự thuận tình của đồng bào, đồng chí, sẵn sàng ủng hộ và cống hiến sức người, sức của để xây dựng cuộc sống mới. Trong thực tiễn sinh động hàng ngày, trên địa bàn thành phố đã định hình nhiều cách làm mới, hướng đi mới, thoát ra khỏi đói nghèo để sau này trở thành hình mẫu của cả nước. Có lẽ nhờ vậy mà từ những năm 1980, khi làn gió đổi mới được cổ vũ, nhờ sự năng động và sáng tạo, TPHCM nhanh chóng trở thành tiên phong của cả nước trong làm ăn kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, hợp tác và liên kết trong và ngoài nước… những điển hình như dệt Thành Công, may Việt Tiến, Công ty Lương thực TP và rất nhiều hình mẫu trên mọi lĩnh vực đã xuất hiện. Tất cả đã góp phần vực dậy, đưa TPHCM nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo để vươn tầm phát triển. Chẳng những chỉ nỗ lực nâng cấp đô thị, mau chóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho phù hợp với điều kiện và tình hình mới, thành phố còn đẩy mạnh phong trào xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa, tình thương, xóa nhà tranh tre, nhà tạm bợ, dột nát trên kênh rạch, cải tạo môi trường sống… cho gia đình chính sách có công và cho bà con lao động nghèo khó. Rõ ràng là trên con đường đi lên ấm no hạnh phúc, TPHCM luôn chủ trương lấy việc chăm lo cho dân làm đầu, đồng thời thường xuyên chia sẻ và giúp đỡ có hiệu quả đối với đồng bào vùng bị thiên tai lũ lụt của các địa phương, nên ngoài việc được ghi nhận là đô thị văn minh hiện đại, thành phố còn được xem là thành phố nghĩa tình là vậy. Và ngay vào thời điểm này, khi mà đất nước vẫn đang trên đà đổi mới để tiến nhanh, tiến mạnh và vững chắc, thì TPHCM tiếp tục giữ vai trò đầu tàu trên nhiều lĩnh vực như cổ phần hóa doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa mang thương hiệu Việt… Cần phải nói thêm, trong giai đoạn 1991 - 2010, thành phố là một trong số ít địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hai con số trong suốt 20 năm. GDP bình quân liên tục tăng nhanh, từ khoảng 700 USD đầu người năm 1995 - 1996, tới năm 2014 đã đạt mức 5.131 USD. Đến nay, thành phố đóng góp khoảng 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu và 1/5 quy mô kinh tế của cả nước và đóng góp 30% tổng thu ngân sách quốc gia.

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm hồi sinh. Ảnh: saigondautu

Sau 40 năm xây dựng và phát triển, có thể nói giờ đây TPHCM đã thực sự thay da đổi thịt. Dáng hình của một đô thị văn minh hiện đại vào bậc nhất cả nước và có thứ hạng trong khu vực đã gây ngạc nhiên, sự ngỡ ngàng và cả điều thú vị cho bất cứ ai lần đầu tới thăm và nhất là với những người từng sống ở đây, giờ có dịp trở về. Không còn cảnh lụp xụp của những khu nhà tạm bợ, ẩm thấp, tối tăm. Không còn thấy phổ biến thực trạng những vùng bị ô nhiễm nghiêm trọng và hiển hiện khung cảnh đói nghèo như Nhiêu Lộc - Thị Nghè hay Tân Hóa - Lò Gốm ngày nào… Thay vào đó là các khu đô thị mới đẹp đẽ, khang trang, hệ thống hầm qua sông Sài Gòn, hệ thống cầu vượt, đường trên cao, đường vành đai, đường cao tốc hiện đại, quảng trường đi bộ mang nét thanh bình... Bệnh viện, trường học, chùa chiền, nhà thờ và các công trình phúc lợi xã hội mọc lên khắp nơi. Đó là chưa kể tới hệ thống xe điện ngầm, đường sắt trên cao và nhiều công trình thế kỷ khác đang được thi công, sẽ được hoàn tất trong nay mai. Đói nghèo và lạc hậu đã dần đi vào dĩ vãng. Tất cả như đang khoe màu áo tươi mới, lộng lẫy, được tạo dựng nên bởi công sức, trí tuệ và lòng quyết tâm của Chính quyền và người dân thành phố này trong suốt 4 thập niên qua. Chính ý Đảng lòng dân gặp nhau và đồng điệu, đã làm nên một TPHCM văn minh, hiện đại và nghĩa tình hôm nay, để mỗi khi nhắc tới, đồng bào cả nước vẫn trìu mến ngợi ca và thán phục.

40 năm trôi qua, giờ đây nhìn lại bước đường đã đi, hẳn là trong mỗi chúng ta - những công dân của thành phố này không khỏi tự hào, pha chút kiêu hãnh, bởi thành quả nhiều năm dày công phấn đấu của các thế hệ công dân thành phố mang lại. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta đã hoàn toàn có thể hài lòng và an tâm, bởi vẫn còn đó bao thử thách và cả không ít khó khăn đang ở phía trước. Thành phố vẫn còn nhiều bất cập của một đô thị quá đông dân. Thực trạng quá tải về dân số đang đòi hỏi sự phát triển hài hòa cân đối và có khoa học hơn của một đô thị xứng tầm. Kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm… cùng các loại tệ nạn vẫn tồn tại và đang đe dọa trật tự an toàn xã hội - là những vấn đề cấp thiết cần phải loại bỏ một cách căn cơ trong nay mai. Trên đường phát triển lên văn minh hiện đại đang rất cần định hình một lối sống lịch lãm, nhân văn, giàu bản sắc văn hóa, biết chia sẻ, có ý thức cộng đồng và có trách nhiệm, luôn hòa cùng nhịp đập của cả dân tộc. Lối sống vị kỷ, hưởng thụ, xa lạ… không thể có chỗ đứng ở một thành phố mang truyền thống lịch sử và từng được phong tặng danh hiệu cao quý: thành phố anh hùng. Tin là với tinh thần cầu tiến, tích cực, sáng tạo và năng động như nhiều năm đã qua, TPHCM vẫn sẽ tiếp tục giương cao ngọn cờ đi trước về trước, mãi xứng danh là thành phố anh hùng./.