Liệu có thể cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran?

(VOH) - Tổng thống Hassan Rouhani đang có chuyến thăm châu Âu gồm Áo và Thụy Sĩ. Chuyến thăm nhằm xác định rõ một bức tranh chính xác hơn về hợp tác giữa Iran và châu Âu.

Đây là một phần nỗ lực để giúp Iran khỏi bị cô lập về kinh tế trước các lệnh trừng phạt của Mỹ đồng thời cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Phát biểu trước chuyến thăm châu Âu, Tổng thống Iran nói rằng chuyến đi sẽ là "cơ hội để nói về tương lai của thỏa thuận" và hơn hết là xác định rõ một bức tranh chính xác về hợp tác giữa Iran và châu Âu. Không phải Đức, Anh hay Pháp các nước tham gia ký thỏa thuận P5+1 với Iran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tới Áo – nước vừa tiếp quản chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu và Thụy Sĩ nơi đặt trụ sở Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Chuyến thăm là một phần trong nỗ lực của Tehran nhằm đảm bảo sự ủng hộ của châu Âu cho thỏa thuận mang tính bước ngoặt này. Đáng chú ý nó chỉ diễn ra hai tháng sau khi Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung và một tháng sau chuyến thăm của Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu để thuyết phục các nhà lãnh đạo EU rời bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.

Riêng tại Áo, ông Hassan Rouhani đặt ra  2 mục tiêu chính, đó là thúc đẩy mối quan hệ song phương với Áo trong bối cảnh Mỹ đang muốn cố gắng áp đặt các trừng phạt mới đối với Tê-hran và tái khẳng định lại quan điểm của nước này đối với thỏa thuận hạt nhân đã ký với nhóm P5+1. Thông qua Áo, nước đang giữ chứ c chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, Tổng thống Iran muốn gửi đi một thông điệp tới Anh, Pháp và Đức – các quốc gia thành viên của Khối đã tham gia ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015, là cần nhanh chóng đưa ra các cam kết bằng “hành động cụ thể” nhằm cứu vãn thoả thuận hạt nhân, trước khi Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tái áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này, có thể là vào ngày 6/8 tới.

          Thực tế đang cho thấy, ngoài các cam kết bằng lời nói muốn níu giữ Iran ở lại thỏa thuận hạt nhân, châu Âu hiện chưa đưa ra cam kết hành động nào và dường như chưa sẵn sàng trả mọi giá để đối đầu về kinh tế với Mỹ. Thậm chí, nhiều quan chức châu Âu, như Bộ trưởng Kinh tế Pháp, còn công khai tuyên bố là các doanh nghiệp Pháp sẽ khó có thể trụ được lại ở Iran.Dù tại Áo, các nhà lãnh đạo Áo cam kết cùng Liên minh châu Âu tìm mọi cách duy trì Thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng Iran mong muốn các nước và các tập đoàn châu Âu phải cam kết rõ ràng là có tiếp tục hợp tác kinh tế với Iran hay không, thậm chí là có nâng mức độ hợp tác và trợ giúp Iran lên hay không, nhằm bù đắp cho các thiệt hại kinh tế mà Iran sẽ phải gánh chịu khi bị Mỹ trừng phạt, hơn là những lời hứa suông.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tái khẳng định lập trường của nước này, là sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân, chừng nào lợi ích quốc gia của Iran được đảm bảo, đồng thời cảnh báo nguồn cung dầu trong khu vực có thể bị tổn hại nếu Mỹ tìm cách gây sức ép đối với các đồng minh của mình để ngăn chặn các nước mua dầu thô từ Iran.

Trên thực tế, Iran đã nhiều lần cảnh báo rằng họ sẵn sàng tiếp tục làm giàu uranium lên 20% - cao hơn mức cho phép trong thỏa thuận - "trong vòng vài ngày" nếu thỏa thuận Iran sụp đổ. Giới phân tích cho rằng việc bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran rất quan trọng nhất đối với các quốc gia châu Âu vì nó bảo vệ lợi ích chính trị, kinh tế và an ninh của họ. Nếu thỏa thuận bị phá vỡ, người châu Âu bị ảnh hưởng trực tiếp do những bất ổn ở Trung Đông, trong đó có vấn đề an ninh, khủng bố và thiếu nguồn cung dầu mỏ. Tất nhiên, EU ý thức rõ điều này và việc các nhà lãnh đạo Áo và Thụy sỹ đưa ra cam kết với Tổng thống Iran cho thấy họ không muốn Thỏa thuận hạt nhân Iran sụp đổ.

Hình minh họa: internet

Vấn đề đặt ra hiện nay là châu Âu sẽ làm gì để cùng Iran cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân năm 2015? Ông Philippe Welti, cựu đại sứ Thụy Sĩ tại Iran và là chủ tịch Phòng Kinh tế Thụy Sĩ – Iran nói rằng chuyến thăm của Tổng thống Hassan Rouhani tới EU lần này sẽ không làm được gì nhiều để có thể thay đổi thực tế. Trong khi đó, ông Mahdi Ghodsi thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Vienna nhấn mạnh, châu Âu đã "chỉ nói và không làm gì đáng kể."

Thực tế cho thấy, với chuyến thăm này, mặc dù nhiều thỏa thuận, hiệp định thương mại được ký kết giữa Iran và các đối tác châu Âu, tuy nhiên, theo các nhà phân tích mong muốn làm ăn của các công ty châu Âu với Iran là rất nhỏ. Bởi các ngân hàng, doanh nghiệp châu Âu và một số ngân hàng và doanh nghiệp châu Á đang công khai đứng về phía Mỹ hơn là Iran vì không muốn đối mặt với các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ sẽ bắt đầu vào tháng 8 và tháng 11 tới. Theo các chuyên gia, hiện đang có một sự "tranh chấp rất lộn xộn" giữa Mỹ và châu Âu khi mà Mỹ tăng áp lực phi hạt nhân lên Iran, các ngân hàng và các doanh nghiệp châu Âu sẽ đứng về phía Washington trong khi các chính trị gia châu Âu đang cố gắng phá vỡ những rào cản do các biện pháp trừng phạt của Mỹ gây ra.

Tuy nhiên, chuyến thăm châu Âu này có thể mang lại cơ hội cho Iran, bởi Áo là một trong những nước châu Âu duy trì mối quan hệ gần gũi nhất với Iran. EU có thể thực hiện các bước đi tại Tổ chức Thương mại thế giới để bảo vệ quan hệ thương mại của mình với Iran chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ. Vì thế, nếu EU hành động chắc chắn cũng sẽ giảm bớt áp lực cho Iran trong cuộc đối đầu với Mỹ những ngày sắp tới./