Hãy tri ân bằng cả tấm lòng

(VOH) - Kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7 năm nay, chính quyền, đoàn thể các cấp trên cả nước vẫn tổ chức trọng thể các hoạt động thắp nến nghĩa trang, về nguồn, thành lập các đoàn đi thăm hỏi tặng quà thương binh, gia đình có công...Đó là nghĩa cử cao đẹp mang tính truyền thống.

Có lẽ trong lịch sử nhân loại, ít có dân tộc nào mà lịch sử được viết lên không chỉ bằng mồ hôi mà còn thấm đẫm cả máu và nước mắt của biết bao thế hệ như dân tộc Việt Nam. Một đất nước giành độc lập để vượt khó vươn lên bằng sự hy sinh xương máu vô bờ bến của biết bao thương binh, liệt sĩ (TBLS), bà mẹ Việt Nam anh hùng, Thanh niên xung phong và những gia đình có công với nước.

Ông Lê Công Đồng - Giám đốc Đài TNND TPHCM thăm và tặng quà gia đình Liệt sĩ Trần Phú Cương (Năm Mộc) (ảnh: VOH online)

Có dân tộc nào như dân tộc VN bao đời nay luôn giữ vững truyền thống đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn?! “Đền ơn đáp nghĩa” đó không đơn thuần là khẩu hiệu chỉ dành cho ngày TBLS 27/7 hàng năm, mà đó đã trở thành nghĩa cử tốt đẹp của toàn xã hội.

Bác Hồ từng nói  “... Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.

Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa, Đảng và nhà nước đã hiện thực hóa bằng các chế độ, chính sách chăm lo cho TBLS, gia đình có công. Xã hội cũng phát huy rất tốt truyền thống cao quí uống nước nhớ nguồn, bằng những việc làm cụ thể và thiết thực.

Sau mấy cuộc chiến tranh vệ quốc, hàng chục vạn liệt sỹ đã ngã xuống. Phần lớn hài cốt của họ được quy tập về các nghĩa trang để tiện việc chăm sóc và nhang khói, nhưng cũng vẫn còn không ít phần mộ các anh nằm ở đâu đó nơi chiến trường xưa.

Đã có nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức các cuộc tìm kiếm mộ liệt sĩ và không ít cựu chiến binh dành tâm huyết đời mình đi tìm mộ đồng đội như vậy. Hàng năm, nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân thường xuyên tổ chức các chuyến đi thăm hỏi, tặng quà đến với các thương binh, các gia đình có công, nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7. Các doanh nghiệp còn ưu tiên tạo công ăn việc làm cho cựu chiến binh, thương binh và gia đình có công, bằng sự trân trọng hòa quyện với tình cảm tri ân. Song, bấy nhiêu đó dường như vẫn là chưa đủ, so với những hy sinh quá lớn lao của đồng chí và đồng bào cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thời hoa lửa đang dần trôi qua theo qui luật khắc nghiệt vốn có của thời gian, số lượng thương bệnh binh, bà mẹ VN anh hùng neo đơn cần được chăm sóc cũng thưa dần, không ít người trẻ hôm nay bị cuốn hút vào vòng xoáy của đời sống hiện đại mà có phần ít quan tâm đến quá khứ hào hùng và oanh liệt của đất nước, do vậy, nhất thiết phải quan tâm khơi dậy, hun đúc truyền thống cao đẹp và trách nhiệm “đền ơn đáp nghĩa” của xã hội, đừng để thời gian làm xói mòn đi. Hàng trăm ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm ở các nghĩa trang trên cả nước vẫn mãi là nỗi đau chiến tranh, của tinh thần bất khuất của dân tộc. Nhiều thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong và người thân vẫn còn mang di chứng chất độc da cam và các bệnh hiểm nghèo hiện vẫn sống trong nghèo khó và bệnh tật. Những hoàn cảnh đó vẫn luôn là nỗi đau nhức nhối cần được tiếp tục chăm sóc, sẻ chia.

Đoàn viên thanh niên TPHCM dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. (ảnh: Thanh Tú)

Kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7 năm nay, chính quyền, đoàn thể các cấp trên cả nước vẫn tổ chức trọng thể các hoạt động thắp nến nghĩa trang, về nguồn, thành lập các đoàn đi thăm hỏi tặng quà thương binh, gia đình có công. v.v...Đó là nghĩa cử cao đẹp mang tính truyền thống.

Thiết nghĩ, việc chăm lo cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, có công với Cách mạng, thì không chỉ là đến ngày 27/7, mà rất cần được khơi dậy và duy trì thường xuyên để giúp họ có cơ hội vượt qua khó khăn và bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống. Hãy tri ân, đền ơn đáp nghĩa bằng sự tự nguyện và bằng cả tấm lòng, mới mong đáp trả được phần nào sự hy sinh vô bờ bến của đồng bào, đồng chí./.

 

Ông Nguyễn Trọng Trí - Phó giám đốc Đài TNND TPHCM thăm và tặng cho gia đình Liệt sĩ Lê Văn Hiệp (ảnh: VOH online)

Ông Vương Quyền - Phó giám đốc Đài TNND TPHCM thăm và tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Gấm tại Tân Biên, Tây Ninh (ảnh: VOH online)