Hành xử côn đồ của một bộ phận người trẻ, do đâu?

(VOH) - Thời gian gần đây, ngày càng nhiều án mạng đáng tiếc mà những thanh niên trẻ gây ra trên bàn nhậu, trên đường...

Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nhặt, lời qua tiếng lại giữa hai nhóm thanh niên nam nữ, mà Vũ Đức Tài (18 tuổi) ngụ quận Bình Thạnh chỉ trong nháy mắt đã dùng dao tước đoạt mạng sống của hai thanh niên khác là Nguyễn Bình An (17 tuổi) và Phạm Thái Minh (19 tuổi).

Án mạng này vừa xảy ra vào đêm 14/5 tại một quán cà phê vỉa hè ở khu vực ngã tư Hàng Xanh, thành phố Hồ Chí Minh. Vụ việc này không phải là cá biệt về cách hành xử côn đồ của thanh thiếu niên, mà khoảng 3 giờ sáng ngày 16/5, tại thành phố Đà Nẵng cũng xảy ra một án mạng tương tự. Nguyễn Viết Sơn (15 tuổi) đã đâm chết Bùi Ngọc Sang (20 tuổi) chỉ với một nguyên nhân “không giống ai” xảy ra trên bàn nhậu là Sơn bị nhóm của Sang mời ly rượu to hơn. Những án mạng như thế đang dấy lên mối lo ngại của cộng đồng về thói hung hăng, bạo lực, xem thường tính mạng người khác của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay.

Vũ Đức Tài tại cơ quan điều tra. Ảnh: VNE

Nhận định của Công an thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, trong những năm gần đây, nổi lên phức tạp là tình trạng thanh thiếu niên phạm tội có khuynh hướng gia tăng về tính chất manh động, liều lĩnh. Quả thật, ngày càng nhiều án mạng đáng tiếc mà những thanh niên trẻ gây ra trên bàn nhậu, trên đường, hay ở bất cứ nơi đâu do mâu thuẫn nhất thời từ va chạm trong giao thông hay trong cuộc sống thường ngày. 

Không chỉ là những thanh thiếu niên hư hỏng, sớm bỏ học, hoặc có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như cha mẹ ly hôn, thiếu sự quan tâm của người thân…mới gây ra những án mạng trên, mà trong không ít vụ án, kẻ giết người đang là học sinh, sinh viên và tất nhiên là chưa từng có tiền án, tiền sự. Như mới đây, vào ngày 13/5 là trường hợp của Nguyễn Ngọc Trung (15 tuổi), đang là học sinh lớp 9 ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Chỉ vì bị ông Nguyễn Văn Văn (65 tuổi) chửi là “đồ ăn cắp” mà Trung đã thủ sẵn dao trong người và đâm ông Văn tử vong khi hai bên đang cự cãi.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, bây giờ lứa tuổi thanh thiếu niên quá hung hãn và manh động, hễ có chuyện gì mâu thuẫn, dù nhỏ là sẵn sàng tước đi sinh mạng của người khác không cần suy nghĩ. Và tâm lý dè chừng, “tránh voi chẳng xấu mặt nào” của những người lớn khi “đụng chuyện” với đám thanh thiếu niên choai choai vô tình đã tiếp tay cho những hành vi bạo lực, côn đồ như thế này.

Thực trạng này là do đâu nếu không phải là từ hậu quả của internet, phim ảnh bạo lực và thanh thiếu niên không được giáo dục tới nơi tới chốn về lương tâm, đạo đức, ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng? Còn ở trên ghế nhà trường, con em của chúng ta được trang bị kiến thức và đạo đức nhưng có lẽ phần đạo đức làm người thì hiệu quả chưa cao?!. Những hành động nông nổi của tuổi trẻ là điều có thể hiểu và thông cảm, nhưng nếu cứ đụng chuyện là xâm phạm đến tính mạng của người khác là dấu hiệu báo động sự lệch lạc về nhân cách của những người trẻ mà xã hội cần phải đặc biệt quan tâm.

 Những án mạng như thế xảy ra, chúng ta buồn cho một thế hệ thanh thiếu niên manh động và thiếu suy nghĩ, nhưng phải thấy được cái căn nguyên sâu xa để họ rơi vào lối hành xử như vậy chính là những lỗ hổng của nền giáo dục, của văn hóa, vai trò của cha mẹ, và những tác động tiêu cực của môi trường xã hội. Một khi phim ảnh, game bạo lực vẫn còn tràn lan, sự buông lỏng trong quản lý, giáo dục của gia đình, cộng với việc giáo dục công dân tại nhà trường chưa được chú trọng đúng mức, thì khó có thể ngăn chặn những hành vi ngông cuồng, thích thể hiện mình và có những hành động thiếu kiểm soát.

Đã đến lúc phải có biện pháp đủ mạnh để cứu vãn, uốn nắn những cái đầu non nớt lệch lạc về nhận thức. Song song với các biện pháp giáo dục từ gia đình, nhà trường, thiết nghĩ những vụ việc này phải được xử lý nghiêm minh và được thông tin rộng rãi trong cộng đồng để răn đe những thanh niên mới lớn, và cũng để cho các bậc làm cha mẹ lấy đó làm bài học trong quản lý, dạy dỗ con em mình. Các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp hạn chế, sàng lọc thông tin trên mạng và thắt chặt quản lý đối với các loại phim ảnh, trò chơi mang tính bạo lực, kích động nhằm ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi ngông cuồng, bạo lực của thanh thiếu niên. Ngoài ra, tổ chức đoàn thể xã hội, đặc biệt là vai trò của tổ chức Đoàn – Hội liên hiệp Thanh niên – Hội Sinh viên là không thể thiếu trong việc tiếp cận, đồng hành với thanh thiếu niên, tạo ra nhiều hơn nữa những sân chơi lành mạnh, các hoạt động hướng những người trẻ đến với các giá trị chân – thiện – mỹ của cuộc sống, góp phần đẩy lùi thói hung hăng, bạo lực, xem thường tính mạng người khác của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay.