Giải tỏa nhà ven kênh rạch để góp phần cho Thành phố phát triển

(VOH) - Hiện TPHCM có hơn 20.000 căn nhà lụp xụp trên và ven những tuyến kênh ô nhiễm nặng, cần tiến hành giải tỏa, di dời và chỉnh trang. Đây là công việc rất khó khăn, với rất nhiều vấn đề lớn cần giải quyết, từ thu hút nguồn vốn đầu tư, tạo sự đồng thuận của người dân, rồi bài toán tái định cư, công ăn việc làm, giải quyết ô nhiễm môi trường…

Khó khăn là vậy, song thành phố đã và đang quyết tâm thực hiện thành công một trong 7 chương trình đột phá giai đoạn tới, theo Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ TPHCM.

Từ năm 1993 đến nay, TPHCM đã di dời, tổ chức lại cuộc sống cho khoảng 36.000 hộ gia đình sinh sống ven kênh rạch và TP tiếp tục đặt mục tiêu cơ bản hoàn tất công tác di dời toàn bộ hơn 20.000 hộ hiện còn đang sống ven kênh rạch vào năm 2020. Được kết nối với các chương trình đột phá của TP, kế hoạch này trên thực tế mang nhiều ý nghĩa thực tiễn cũng như tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Trước hết, ưu tiên hàng đầu là vấn đề an sinh xã hội. Hầu hết số hộ dân sống ven kênh rạch hiện có điều kiện sống thiếu thốn, khó khăn và không đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Việc di dời, tổ chức tái định cư sẽ giải quyết vấn đề này sao cho căn cơ và hợp tình hợp lý.

Sẽ có nhiều việc phải làm, từ bắt tay cải tạo kênh rạch, mở rộng hệ thống thoát nước, chỉnh trang diện mạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị, tới ổn định đời sống cho bà con thuộc diện di dời. Tất cả nội dung này nằm trong nhóm chương trình đột phá về phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, từng được Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đánh giá là thách thức lớn nhất.

Ảnh minh họa - Nguồn: TTO

Thực tế cho thấy, từ quá trình cải tạo 5 tuyến kênh rạch chính trước đây gồm Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Hình ảnh hai tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa đã cụ thể hoá các mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu,  nước biển dâng, giảm ô nhiễm môi trường và chương trình Chỉnh trang và phát triển đô thị.

Chính vì vậy, kế hoạch di dời trên 20.000 hộ sống ven kênh rạch còn lại đang hướng đến những kết quả tích cực tương tự, là chương trình và mục tiêu của chính quyền thành phố.

Vậy nhưng, thách thức đặt ra là rất lớn. Công tác di dời phải đi kèm việc tái định cư, tổ chức lại cuộc sống ổn định cho người dân. Bí thư Thành uỷ TP Đinh La Thăng đã nhiều lần nhấn mạnh khi làm việc với Sở ngành chức năng và chính quyền cơ sở là bất luận thực tế ra sao, muốn di dời thì phải đảm bảo được người dân có nhà ở, và chổ ở mới phải tốt hơn chỗ cũ. Trong bối cảnh đô thị hoá và mật độ dân cư đông đúc hiện nay, giải pháp di dời số hộ dân ven kênh rạch gần như phải chuyển ra khu vực ngoại thành. Như vậy, bài toán giải quyết về sinh hoạt, học tập và công ăn việc làm cho người dân bị di dời càng trở nên phức tạp, bởi lẽ bà con đã quá quen với nơi ở cũ.

Bên cạnh đó, từ quá trình di dời cho đến đầu tư nâng cấp, chỉnh trang hệ thống kênh rạch đòi hỏi nguồn vốn lớn, cũng như việc tính toán lộ trình, phương án thực hiện sao cho khoa học, hiệu quả nhất bởi khối lượng công việc khá đồ sộ. Nhiều yếu tố khác bao gồm như tránh lãng phí, minh bạch quy trình, huy động nguồn lực càng đặt công tác quản lý, triển khai thực hiện dưới áp lực lớn hơn.

Với tiềm lực kinh tế sẵn có cũng như khả năng thu hút đầu tư, các chuyên gia tin rằng vấn đề ở đây chính là tạo ra cơ chế phù hợp để giải quyết trở ngại lớn nhất - nguồn vốn. Theo đó, quy trình khả thi cho kế hoạch này bắt đầu từ việc bồi thường thỏa đáng, thu hút đầu tư, làm sao để thay đổi diện mạo của những nơi này theo hướng sạch sẽ và thoáng đãng.

Mặt khác, bất kể dự án phát triển theo hướng nào thì việc chỉnh trang vẫn cần đảm bảo không gian cách ly, không cho ô nhiễm thoát ra kênh rạch, tổ chức giao thông công cộng đường sông, phát triển khu vực tiềm năng như phố dịch vụ thương mại hoặc phố đi bộ ven kênh rạch cũng như bảo tồn không gian quy hoạch kiến trúc mang đặc trưng sông nước.

Quan trọng hơn, rất cần phải tạo ra được sự đồng thuận, nhất quán từ phía người dân, cho đến toàn hệ thống chính trị. Như vậy, quá trình triển khai phải phù hợp với quan điểm, định hướng quy hoạch chung, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các nhà đầu tư và nhất là với bà con thuộc diện di dời.

Bên cạnh 7 chương trình đột phá, TP hiện có mục tiêu tổng thể về một “Thành phố Thông minh” – một đô thị văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, nghĩa tình và trên hết là một nơi có chất lượng sống tốt với tất cả mọi người. Kế hoạch di dời 20.000 hộ dân sống ven kênh rạch đến năm 2020 có thể được xem như một chương trình kinh tế xã hội mang nhiều ý nghĩa. Dù khó khăn và phức tạp, song với những kinh nghiệm vốn có, với sự quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố và các ban ngành, cùng sự đồng lòng và ủng hộ của bà con, chương trình chắc chắn sẽ thành công và sẽ góp phần tích cực để Thành phố phát triển văn minh, hiện đại.