Đóng cửa rừng - giữ chắc cửa tương lai

(VOH) - Tình trạng chảy máu rừng nghiêm trọng đang làm mất đa dạng sinh học, đe dọa trực tiếp đến biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên và những cánh rừng nguyên sinh khác.

Chính người dân nơi đây đã và đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề mỗi khi thiên nhiên nổi cơn thịnh nộ. Sự kiên quyết “đóng cửa rừng” mà Thủ tướng tuyên bố mới đây rõ ràng đã đem lại niềm hy vọng lớn lao cho việc cứu lấy người bạn thiên nhiên thân thiết của con người, cũng là để đảm bảo cho thế hệ tương lai của chúng ta.

Những ngày qua, chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã mang đến nhiều niềm vui xen lẫn ngậm ngùi với đồng bào Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Vui mừng là bởi vì chỉ đạo kiên quyết của người đứng đầu Chính phủ đã chặn đứng nguy cơ rừng tự nhiên bị tận diệt. Còn ngậm ngùi - bởi suốt bao năm qua, người dân hàng ngày hàng giờ đau xót chứng kiến đại ngàn chảy máu, chứng kiến những cánh rừng bạt ngàn dần biến mất trong sự bức xúc lẫn bất lực.

Những thân gỗ lớn bị lâm tặc đốn hạ trong rừng phòng hộ Đức Cơ, địa phận xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai - Ảnh: TTO

Theo Bộ NN&PTNT, diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho Tây Nguyên hơn 3,3 triệu ha. Thế nhưng, từ 2010 đến 2014, rừng Tây Nguyên đã giảm trên 300.000 ha, nghĩa là đã bị hô biến đi 1/10 chỉ trong vòng có 5 năm. Không những thế, chất lượng rừng suy giảm nghiêm trọng, giảm từ độ che phủ, tỉ lệ rừng giàu đến trữ lượng gỗ. Và đương nhiên, tương ứng là tỷ lệ rừng nghèo kiệt tăng lên. Những con số đau xót và nhức nhối. Thiệt hại cùng những hệ lụy từ thực trạng này được đánh giá là cực kỳ nghiêm trọng và lâu dài, khi nó tác động rất lớn và trực tiếp đến biến đổi khí hậu; không phải tự nhiên mà gần đây lũ lụt gia tăng. Lũ quét, lũ ống rồi sạt lở đất ở đâu ra, nếu không phải là từ nạn phá rừng; Hạn hán và cả nguy cơ sa mạc hóa ở đâu ra nếu rừng không bị tận diệt?

Nói đâu xa, khi Ban Chỉ đạo Tây nguyên cho hay, chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2016, tổng thiệt hại về kinh tế do hạn hán gây ra ở khu vực là gần 3.500 tỷ đồng, với hơn 100 ngàn ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng do hạn hán, nếu không mất trắng cũng thiệt hại nặng nề. Cũng chẳng phải là tự nhiên, khi nạn phá rừng và tàn phá môi trường, ngăn đập làm thủy điện vô tội vạ khiến cho nhiều vùng dân cư, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long, những tháng đầu năm nay phải gánh chịu thiệt hại quá lớn từ hạn mặn, lên đến hàng chục ngàn tỷ. Và còn bao nhiêu hệ lụy khôn lường khác vẫn rình rập đó đây. Rõ ràng là nguy cơ mất dần sự sống đã hiện hữu ngay trước mắt.

Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết đoán chỉ đạo đóng tất cả các cửa rừng tự nhiên, đồng thời không cho chuyển rừng nghèo, rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp. Ngăn chặn việc lợi dụng chủ trương chuyển đổi rừng nghèo để phá rừng. Thủ tướng cũng chỉ đạo đóng cửa các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên, chặn đầu ra cho nạn phá rừng, buôn lậu gỗ. Thủ tướng yêu cầu cấp ủy chính quyền địa phương, ngành chức năng và các lực lượng vũ trang phải vào cuộc, đấu tranh hiệu quả với nạn phá rừng... Mỗi ý kiến chỉ đạo đều phải xác đáng, điểm trúng những vấn đề cốt lõi, chỉ đúng những nguyên nhân căn bản hủy diệt rừng.

Dù đã có nhiều chủ trương, chính sách bảo vệ, phát triển rừng, nhưng qua từng năm, diện tích đất trống, đồi trọc cứ lan rộng dần giữa màu xanh đại ngàn, trông nham nhở đến nhói lòng. Rừng mất đi hàng ngày mà không có cách nào chặn lại. Khi lý giải nguyên nhân, những người có trách nhiệm luôn vin vào lý do người dân di cư phá rừng, rồi lực lượng mỏng quản không xuể, cùng đủ thứ nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Chỉ có nguyên nhân cán bộ kiểm lâm, cán bộ trong hệ thống cấu kết, bắt tay với lâm tặc phá rừng thì bị lờ đi, hoặc giơ cao đánh khẽ. Lâm tặc không phải và không chỉ là những người dân di cư, mà là những doanh nghiệp trồng cây công nghiệp trá hình trên đất rừng màu mỡ, là những cán bộ ăn của rừng mà giàu lên bất thường, là chính những người mang danh bảo vệ rừng lại mang máy cưa, máy kéo triệt hạ cây rừng không thương tiếc. Chính các nhóm lợi ích, nhóm cán bộ có trách nhiệm vì thu lợi vào túi riêng mà tàn phá rừng ghê gớm nhất. Những đối tượng này lạm dụng quyền lực, cấu kết nhau bất chấp luật pháp, bất chấp hậu quả nặng nề cho cả cộng đồng và nền kinh tế đất nước. Có cơ hội là chúng sẵn sàng lập dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt, nhưng khi đốn hạ lại thấy toàn gỗ quý. Đó còn là những ông chủ lắm tiền lăm le muốn bao chiếm đất rừng làm thủy điện hợp pháp, nhưng không chấp hành quy định trồng rừng thay thế…

Trước sự tàn phá nói trên, lẽ đương nhiên là rừng phải cạn kiệt. Tỷ lệ rừng mất đi có thể còn lớn hơn nhiều so với con số thống kê. Điều này không khó hiểu khi số liệu rừng trong báo cáo từ những địa phương thường không đúng thực tế, lấp liếm cho những mảnh rừng bị xâm hại nặng nề. Còn may là chưa đến nỗi quá muộn tới mức không thể cứu vãn. Chỉ đạo đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra hy vọng cứu rừng, giữ rừng, giữ chắc cửa tương lai. Đơn giản, đó không chỉ là nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia để trao truyền cho nhiều thế hệ, mà còn là người bạn thiên nhiên bảo vệ con người sống an toàn hơn. Mất rừng là sẽ mất hết. Hậu quả khôn lường đó, các cấp các ngành quản lý đều nhìn thấy, song như lời Thủ tướng - cha chung không ai khóc, chỉ có người dân khóc ròng mỗi khi thiên nhiên nổi cơn thịnh nộ.

Chính phủ đã thể hiện sự kiên quyết bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia. Vấn đề còn lại là việc các ngành, các cấp, các địa phương triển khai thực hiện ra sao. Nếu không muốn mất rừng, mất Tây Nguyên, mất bao vùng rừng khác. Do vậy, cuộc chiến bảo vệ rừng cần sự quyết tâm cao nhất. Việc quản lý lỏng lẻo, kém hiệu quả như bao năm qua phải sớm chấm dứt. Tỉnh Đắk Nông mới đây đã xử lý kỷ luật hơn 100 cán bộ công an, kiểm lâm liên quan đến việc tàn phá, xâm hại rừng. Tại TP Đà Nẵng, khi xử lý vụ việc phá rừng Sơn Trà, cũng đã cách chức, thay thế hàng loạt kiểm lâm. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tuyên bố, những ai bao che cho việc xâm hại rừng Sơn Trà sẽ phải trả giá bằng sinh mạng chính trị của mình.

Từ sự kiên quyết của người đứng đầu Chính phủ, đến các địa phương, ban ngành, nếu nơi nào cũng quyết liệt như Đà Nẵng hay Đắk Nông, tin rằng việc cứu rừng, giữ rừng sẽ mang lại hiệu quả đầy tích cực. Cửa tương lai hy vọng sẽ mở ra.