Để tuổi thơ có mùa hè trọn vẹn

(VOH) - Mùa hè là mùa của tuổi thơ, mùa của niềm vui, của những hoạt động ngoại khóa bổ ích cho trẻ em sau thời gian học tập. Thế nhưng, mỗi khi đến hè, chuyện trẻ gặp những tai nạn thương tâm do sự bất cẩn, chủ quan của người lớn lại xảy ra. Trong đó, đau lòng nhất vẫn là tai nạn đuối nước ở trẻ.

Câu chuyện 3 em nhỏ bị đuối nước dẫn đến tử vong ở quê nội Thừa Thiên Huế và hàng chục trường hợp chết đuổi ngay từ đầu hè lại một lần nữa cho thấy sự thờ ơ của các bậc phụ huynh.

Phụ huynh đưa con về quê để cảm nhận vẻ đẹp của miền quê, để sống trong bầu không khí trong lành của thiên nhiên, nhưng quên mất rằng các em đang ở độ tuổi đang lớn, nên rất tò mò và thích thử nghiệm những điều mới lạ mà ở thành phố không có.

Trẻ em luôn bị thu hút bởi trò chơi câu cá (Ảnh minh họa: Lan Hương)

Các em tự dẫn nhau đi chơi câu cá nhưng không có sự giám sát của người lớn, do đó khi xảy ra tai nạn không được ứng cứu kịp thời, để rồi chính người lớn phải đau đớn vì mất con, mất cháu.

Việt Nam là một quốc gia có bờ biển dài, số lượng ao hồ, sông suối, kênh rạch khá nhiều, với trên 2.300 con sông lớn nhỏ, chiều dài khoảng 198.000 km và gần 3.300 km chiều dài bờ biển. Do đó, việc tiếp xúc với mặt nước khá dễ dàng, và với lứa tuổi của các em thì được tắm mình dưới dòng nước mát vào mùa hè oi ả là niềm vui sướng khôn tả. Song đây cũng là điều đáng lo ngại nếu người lớn để trẻ tự do, không có sự giám sát chặt chẽ.

Thông tin về những vụ tử vong do đuối nước thương tâm ở nông thôn liên tục trong dịp nghỉ hè những ngày qua là những cảnh báo quan trọng với các bậc phụ huynh. Không chỉ ở nông thôn mà tại thành phố lớn vẫn xảy ra tai nạn ngạt nước nguy hiểm dẫn đến tử vong.

Những ao hồ ven ngoại thành thành phố, rồi cả những vật chứa nước trong gia đình không đậy nắp cẩn thận cũng tiềm ẩn mối nguy cho trẻ em khi các bé chơi mà không có sự kiểm soát của người lớn.

Dạy cho trẻ những kỹ năng xử lý khi bị đuối nước hay dạy cho trẻ biết bơi là điều mà một số trường học đã đưa vào chương trình học. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Có thể nói, hiểm họa luôn trực chờ, ở nông thôn trẻ không được học bơi, còn ở thành phố thì bể bơi thiếu trầm trọng và ngay tại những điểm du lịch biển, những nơi nghỉ dưỡng, độ an toàn tại các khu vực cho người dân tắm cũng chưa thật sự đảm bảo.

Vậy thì, câu hỏi đặt ra là bao giờ trẻ em Việt Nam mới được phổ cập bơi lội, một kỹ năng sống cần thiết cho bản thân của chính các em? Để khi hè đến chúng ta không còn phải chứng kiến những cái chết thương tâm mà lẽ ra hoàn toàn có thể tránh được.