Chạy theo… giá xăng giảm

(VOH) - Mới đây, chiều ngày 21/1, xăng lại có đợt giảm giá gần 2.000 đồng/lít. Thông tin này khiến người dân vui mừng.

Trước đây, người đi xe phải đổ 65.000 đồng tiền xăng mới đầy bình một chiếc xe gắn máy, thì nay họ chỉ tốn khoảng 50.000 đồng mà thôi. Ảnh: Dân trí

Theo quy luật, mỗi khi giá xăng tăng, giá cước vận tải ngay lập tức cũng tăng theo. Vậy nhưng khi giá xăng giảm, doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp vận tải, vẫn bình chân như vại, không có dấu hiệu giảm giá hoặc nếu có thì chỉ rất ít và sự gia giảm giá cước cũng không tương xứng với giá giảm của xăng. Đã vậy, một số các doanh nghiệp còn dùng kế "hoãn binh" để giảm chậm ngày nào đỡ ngày đó. Chiêu "câu giờ" này khá hiệu quả nên được doanh nghiệp tận dụng triệt để.

Dù giá xăng giảm hơn 10 lần nhưng cái lý của một số doanh nghiệp vận tải giữ giá "trên trời" là vốn đầu tư cao, giữ giá cước để thu hồi vốn, giá cước vận tải tăng đột biến trong dịp lễ, Tết... Tốc độ hạ giá cước của doanh nghiệp vận tải "ì ạch" đến nỗi liên Bộ Tài Chính và Giao thông Vận tải phải lập đoàn kiểm tra tại các địa phương và mức phạt có thể đến 25 triệu đồng nếu như doanh nghiệp vận tải chậm giảm giá cước. 

Vấn đề đặt ra là khi lập đoàn đến khi kiểm tra, giá xăng tiếp tục "rớt" nữa thì tính sao cho công bằng ? Đó là chưa kể cho đến giờ, mới có thành phố Hà Nội lập đoàn kiểm tra địa phương mà thôi. Tình trạng giá cước vận tải lộn xộn đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cảnh báo trong cuộc họp tổng kết ngành vào ngày 19/1. Đặc biệt, chỉ mới có 40/63 tỉnh, thành có doanh nghiệp gửi kê khai giảm giá về cho các Sở GTVT nơi doanh nghiệp trú đóng.

Từ đó cho thấy, nếu cứ "bám" quy định giảm giá theo tỉ lệ % ở các lần kê khai của doanh nghiệp thì việc giảm giá cước vận tải khó lòng bám theo đúng diễn biến giá xăng. Đơn cử, trong khi đoàn kiểm tra cấp Bộ chưa kiểm tra, chưa kịp xử phạt doanh nghiệp vận tải nào thì chiều 21/1 xăng lại xuống giá mạnh gần 2.000 đồng/ lít. Nếu như gíá xăng còn xuống nữa, doanh nghiệp lại kê khai rồi lại phạt doanh nghiệp nữa thì sẽ trở thành vòng lẩn quẩn và không theo kịp thực tế. 

Nhớ lại vào thời điểm xăng tăng giá, các doanh nghiệp vận tải nhanh chóng tăng theo giá xăng, thậm chí có doanh nghiệp còn “té nước theo mưa” tăng vù vù. Nhưng đến nay khi xăng đã giảm giá nhiều đợt liền, doanh nghiệp không giảm, giảm nhỏ giọt, hay dùng chiêu giảm như không giảm (chỉ giảm 300 mét đầu tiên). Như vậy, liệu có công bằng không đối với khách hàng ? Việc chậm trễ trong quyết định kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp vận tải là vì theo các biện pháp chế tài qui định trước đây chỉ mới tính đến trường hợp phạt khi xăng tăng giá mà chưa tính đến trường hợp xăng giảm giá, do vậy hệ lụy giá cước vận tải giảm không tương xứng với giá xăng giảm là tất yếu. Công tác quản lý nhà nước trong tình trạng cứ chạy theo đuôi diễn biến thị trường như hiện nay thì rõ ràng, người tiêu dùng sẽ còn bị thiệt hại dài dài.