Chào năm học mới – Tất cả vì học sinh thân yêu

(VOH) - Hôm nay 5/9, hơn 19,5 triệu học sinh trên cả nước nô nức đến trường khai giảng năm học mới.

Ảnh minh họa: baotintuc

Năm học này, ngành giáo dục cả nước có những đổi thay đáng kể.

Thật đáng mừng khi trước thềm năm học mới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã sâu sát đề nghị “chúng ta làm vì các cháu, nhất định không để các cháu nhỏ đứng nắng xếp hàng, vẫy cờ chào đại biểu, như vậy rất nhiêu khê, rất khổ sở và phải nghe bài phát biểu của lãnh đạo tỉnh, huyện, sở, phòng, trong khi đó các cháu không hiểu gì cả”.

Lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2015-2016, theo đó phần lễ sẽ gồm: Chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước gửi thầy cô giáo và học sinh nhân dịp khai trường,  hiệu trưởng phát biểu và cuối cùng là phần tặng quà và đánh trống khai trường. Vậy là đủ! Theo trình tự này thì phần nghi thức chỉ diễn ra từ 30 phút cho đến không quá 1 giờ để nhường không gian, thời gian cho phần hội của thầy trò với những tiết mục gây dấu ấn  khó quên.

Càng mừng hơn khi trước thềm năm học mới, Đảng và Nhà nước tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo, học giỏi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nhiều nơi nhà trường chuẩn bị chu đáo cho ngày lễ khai giảng theo đúng tinh thần tất cả vì HS thân yêu; đông đảo phụ huynh HS đã sẵn sàng chung tay với nhà trường vì sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hành 96,4 triệu bản sách giáo khoa và hứa đảm bảo cho học sinh có đầy đủ sách giáo khoa khi bước vào năm học mới. Cũng ngay trong năm học này, số môn học bắt buộc có sự thay đổi đáng kể theo hướng bớt đi áp lực cho học sinh... và bên cạnh đó Bộ giáo dục đào tạo cho hay cũng sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc để kỳ thi Quốc gia đạt hiệu quả cao hơn.

Những đổi mới mà ngành giáo dục đưa ra nhằm thực hiện việc dạy và học theo cách mới và hiệu quả: dạy theo định hướng năng lực, kích thích sự sáng tạo và khả năng tư duy độc lập của học sinh. Đặc biệt chú trọng phát triển năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Đó chính là cái đích cuối cùng của việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mà ngành giáo dục hướng tới. Thời gian tới, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, thay vì phải học 13 môn như hiện nay, học sinh Tiểu học, THCS sẽ chỉ phải học 7 - 8 môn bắt buộc và 4 môn đối với bậc THPT. Sẽ có những môn học mới được tích hợp từ các môn học truyền thống, hoặc thay tên gọi để phù hợp với sự thay đổi nội dung, tính chất, ý nghĩa giáo dục.

Năm học 2015 - 2016, ngành giáo dục tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho phát triển giáo dục, trong đó đầu tư xây mới, thay thế, nâng cấp mở rộng trường học. Nhiều ngôi trường mới được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, với nhiều phòng chức năng, thí nghiệm… khang trang, hiện đại.

Dù đó đây trên nhiều tỉnh thành trường lớp và đội ngũ giáo viên vẫn thiếu, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đổi mới và phát triển sự nghiệp giáo dục lên tầm cao mới nhưng thẳng thắn nhìn nhận, năm học mới 2015- 2016 sự nghiệp giáo dục nước nhà đang đi vào quỹ đạo đổi mới, thiết thực và hiệu quả.

Chào năm học mới toàn ngành giáo dục khắc ghi lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh: “dù khó khăn đến đâu vẫn phải thi đua dạy tốt, học tốt”, xã hội cùng chung tay cho mục tiêu: tất cả vì học sinh thân yêu.