Cần đảm bảo an ninh cho du khách ở TPHCM

(VOH) - Lâu nay, nạn hàng rong quấy nhiễu, cướp giật… tại các điểm tham quan du lịch ở TP.HCM đã trở thành nỗi ám ảnh đối với du khách cả trong và ngoài nước.

Nhiều hướng dẫn viên tour inbound (trong nước) rất ái ngại khi phải cảnh báo cho du khách nước ngoài về nạn cướp giật ở trung tâm thành phố. Ngại cũng phải làm bởi không có cách nào tốt hơn để khách du lịch đề phòng trước tình trạng cướp giật, hàng rong, chèo kéo khách.. Dù cơ quan chức năng quyết liệt "ra tay" chấn chỉnh tuy nhiên tình trạng này vẫn tái diễn. Hình ảnh xấu xí này để lại cái nhìn thiếu thiện cảm đối với du khách.

Trong số các điểm du lịch ở TPHCM, khu phố tây Phạm Ngũ Lão là một trong những nơi có đông du khách nước ngoài lui tới tham quan. Điểm chung là du khách nước ngoài thường thiếu cảnh giác, hay đi dạo một mình nên đây cũng là một trong những điểm nóng xảy ra tình trạng cướp giật nhất ở TP. Đội Trật tự Du lịch cho biết, mỗi tháng có không dưới hàng chục vụ giật dọc diễn ra ở đây, nạn nhân hầu hết là người nước ngoài.

Lê Ngọc Duy, tuần tra viên của Đội Trật tự Du lịch TPHCM cho biết: cách đây chưa lâu, đang làm nhiệm vụ trên đường Đề Thám quận 1, anh nghe tiếng tri hô của người dân. Một du khách nước ngoài bị giật điện thoại Iphone 5S khi đang nói chuyện. Ngay khi tiếp nhận thông tin, xác định được đối tượng cướp giật, anh đã nhanh chóng phối hợp với người dân vây bắt và giao đối tượng cho công an phường xử lý. Anh kể lại: "Vụ gần nhất là khi tôi đứng chốt ở đường Phạm Ngũ Lão, nghe người dân truy hô cướp. Tôi lập tức đuổi theo và nhanh chóng kết nối với hai đồng nghiệp, ép đối tượng vào hẻm rồi bắt gọn. Nói chung, đối tượng cướp giật chủ yếu ở lứa tuổi là từ 20 – 30 tuổi".

Một tên cướp bị các Trật tự viên bắt giữ sau khi rượt đuổi qua nhiều tuyến đường - Ảnh: Công Nguyên (TNO).

Không chỉ cướp giật, tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách cũng tái diễn, đặc biệt tại các điểm du khách thường dừng chân, có đông khách sạn như: Trương Định, Lý Tự Trọng, Bùi Thị Xuân, Chợ Bến Thành, Thương xá Tax, Bảo tàng chứng tích chiến tranh... Tại những khu vực này, đội ngũ trật tự viên luôn được bố trí để hỗ trợ du khách chính vì vậy ít nhiều hạn chế số vụ cướp giật, chèo kéo. Tuy nhiên, với khoảng 250 trật tự viên vẫn không thể bố trí đều khắp ở các điểm du lịch trong thành phố. Nguyễn Thanh Tuyền, đội trưởng Đội Trật tự Du lịch TPHCM cho biết: "Từ đầu năm đến nay tình hình cướp giật diễn biến phức tạpTội phạm lợi dụng những điểm nóng rồi canh chừng lực lượng trật tự. Giờ đây, chúng tôi bố trí lực lượng rộng ra nữa. Thay vì chỉ ở trung tâm, chúng tôi rải ra nhiều điểm khác để đón lõng. Khi bọn cướp ra tay ở khu vực nào thì lực lượng hỗ trợ sẽ báo động cho nhau qua bộ đàm để phối hợp vây bắt."

TP.HCM cần quyết liệt hơn nữa trong bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách - Ảnh minh họa (Nguồn: DoisongTV)

Trước nhiều vụ cướp giật mà nạn nhân chủ yếu là khách du lịch nước ngoài, vừa qua Công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 đã phát tờ rơi bằng tiếng Anh để cảnh báo đến du khách. Việc làm này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng, Giám đốc Công ty du lịch TNK, quận 1 cho biết: "Tôi nghĩ về cách làm là đúng nhưng chưa triệt để. Vấn đề cốt lõi ở đây là mình phải giải quyết tình trạng đó như thế nào. Còn việc đưa ra một thông điệp như vậy đối với du khách cũng là một cách cảnh báo nhưng đôi khi có tác dụng ngược, tức là làm người ta hoang mang !". Ông Nguyễn Văn Mỹ, Công ty du lịch Lửa Việt: dù biết việc làm của Công an phường Phạm Ngũ Lão rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên, xét ở một khía cạnh nào đó lại không ổn bởi: "Cảnh báo đó vô tình cho rằng công an bất lực. Tôi cho rằng trách nhiệm cảnh báo thuộc về các công ty du lịch. Nhưng cảnh báo như thế ai mà dám đi du lịch !? Quan trọng là cách nói. Chẳng hạn, có thể nói tệ nạn ở đâu cũng có, người xấu ở đâu cũng có cho nên đề nghị du khách vui lòng ra đường nên cẩn trọng. Tôi nghĩ nên ngồi với ngành du lịch sẽ có hình thức cảnh báo hoặc cách làm khác phù hợp hơn. Làm việc gì liên quan tới cộng đồng cần phải tham vấn ý kiến cộng đồng, đặc biệt là người trong ngành".

Đến nay, việc đeo bám, chèo kéo du khách của đội ngũ bán hàng rong và nạn cướp giật vẫn là nỗi ảm ảnh của nhiều người. Thực trạng này đã đánh mất hình ảnh thân thiện, mến khách của người Việt Nam mà ngành du lịch đã dày công gầy dựng. Do đó, du lịch TP đang cần sự mạnh tay hơn từ cơ quan chức năng để đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.